TP.HCM khánh thành cầu Long Kiểng sau 22 năm xây dựng

Được phê duyệt năm 2001, mãi đến năm 2018 mới được khởi công, rồi phải dừng thi công vào năm 2019 do không có mặt bằng, sáng ngày 08/9/2023 cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng...

Công trình cầu Long Kiểng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào sáng ngày 08/9/2023 sau 22 năm khởi động. Ảnh: Hà Mai.

Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), sáng ngày 08/9/2023 đã tổ chức khánh thành cầu Long Kiểng, sau 22 năm người dân TP.HCM chờ đợi.

Dự án xây dựng cầu Long Kiểng nối hai xã Nhơn Đức và Phước Kiển (huyện Nhà Bè) được Ủy ban nhân dân TP.HCM phê duyệt từ năm 2001 với tổng mức đầu tư 589 tỷ đồng vào thời điểm bấy giờ. Trong đó, chi phí xây dựng là 211 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 325 tỷ đồng, cùng các chi phí khác.

Tuy nhiên, vì vướng mặt bằng nên dự án đã phải kéo dài nên đến tháng 8/2018, cầu Long Kiểng mới chính thức được đặt viên gạch đầu tiên do tiếp nhận một phần mặt bằng giai đoạn 1 từ huyện Nhà Bè. Một năm sau, đến tháng 12/2019, công trình phải tạm dừng vì không nhận được mặt bằng. Dự án đã thi công được 53% tổng khối lượng, gồm thi công xong trụ T1 đến T8, riêng trụ T7 mới chỉ thi công xong cọc khoan nhồi. Sau đó, vì vướng mặt bằng do nhiều hộ dân không đồng ý giao đất với lý do áp giá bồi thường không thỏa đáng, dự án bị ngừng lại cho đến nay.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP chia sẻ hơn 22 năm công trình đình trệ cũng là chừng ấy thời gian người dân phải đi qua cây cầu sắt cũ kỹ nhỏ hẹp, xuống cấp, thường xuyên kẹt xe vào giờ tan tầm. Việc vận chuyển hàng hóa qua khu vực này cũng bị hạn chế vì cầu cũ, tải trọng yếu, các xe tải trọng lớn phải tìm đường thay thế, tốn thêm nhiều chi phí…

Do nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, cắm mốc ranh giới, nguồn vốn, vấn đề giải phóng mặt bằng,… cùng yếu tố khác nên dự án đã hai lần điều chỉnh, một lần thay đổi chủ đầu tư, tạm dừng thi công.

Cũng theo ông Phúc, trước tình trạng dừng thi công vì vướng mặt bằng, lãnh đạo thành phố và các địa phương liên quan cũng đã thành lập các ban chỉ đạo với quyết tâm lớn, sát sao từng đầu việc, nhất là chú trọng vào công tác giải phóng mặt bằng. Hệ số đất cao hơn hẳn trước đây, tiệm cận với giá thị trường đã tạo thuận lợi lớn cho công tác tái định cư và giải phóng mặt bằng cho dự án.

Cầu Long Kiểng mới nằm cạnh cầu sắt cũ kỹ, nhỏ hẹp và xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Trang-Tiến.

Nhận thấy không thể dự án tiếp tục kéo dài hơn được nữa, lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP.HCM cùng Sở Giao thông vận tải TP.HCM và các sở, ngành liên quan đã tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Hơn 100 hộ dân trong khu vực dự án cầu Long Kiểng, sau đó đã đồng thuận nhận bồi thường thỏa đáng và bàn giao mặt bằng cho địa phương để dự án được tái khởi công.

Công trình cầu Long kiểng đã hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với thời gian dự kiến (cuối năm 2023) kể từ khi nhận bàn giao 100% mặt bằng vào tháng 9 năm ngoái. Đây là một trong các dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM. Các dự án hạ tầng trọng điểm khác vẫn còn vướng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công hay đình trệ vì không có mặt bằng, đang được thành phố đốc thúc triển khai, như: Dự án xây dựng cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Nam Lý, cầu Ông Bồn, dự án đường Lương Định Của (Thủ Đức), dự án cầu Vàm Sát 2 (Cần Giờ), dự án đường Tên Lửa, đường Tân Kỳ - Tân Quý (Bình Tân), dự án cầu Hang Ngoài (Gò Vấp), dự án cải tạo đường Hoàng Hoa Thám, đường Cộng Hòa (Tân Bình), dự án cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa (Nhà Bè),…

Sau các vướng mắc khó khăn của dự án cầu Long Kiểng được tháo gỡ, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã đề nghị lãnh đạo các địa phương trên địa bàn thành phố nghiên cứu, phát triển, vận dụng và nhân rộng những kinh nghiệm tốt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án cầu Long Kiểng.

Xuân Nghi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-khanh-thanh-cau-long-kieng-sau-22-nam-xay-dung.htm