Tp.HCM: Hợp tác công- tư xây dựng trường học, bài toán thiếu quỹ đất

Các doanh nghiệp có thể được hỗ trợ đất, được vay vốn nếu đầu tư vào 86 dự án giáo dục trên 100 tỷ đồng, góp phần tăng số trường lớp ở Tp.HCM.

Gặp khó về quỹ đất

Trong bối cảnh Tp.HCM gặp khó khăn khi thiếu trường lớp, mỗi năm học đều tăng học sinh thì chủ trương kêu gọi hợp tác công tư được kỳ vọng là một trong những giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khi tiếp cận đều có chung băn khoăn.

Ông Nguyễn Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giáo dục Việt Mỹ cho biết: "Một trong những khó khăn chúng tôi đang gặp phải là vấn đề quỹ đất. Khi có nhu cầu mở rộng cơ sở, chi phí đầu tư cho giải phóng mặt bằng khá cao. Vì vậy, cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng và vay vốn".

Chủ đầu tư 4 cơ sở giáo dục mầm non và 1 trường tiểu học ở huyện Bình Chánh này cho hay, rất khó khăn khi tìm quỹ đất mở rộng trường. Đa phần đất dành cho giáo dục đã được xây trường công lập, số còn lại ở xa, vùng ít dân cư.

Ngoài ra, giá đền bù giải phóng mặt bằng tương đối cao, phát sinh chi phí lớn sẽ dẫn đến học phí cao. Ông mong thành phố có chính sách hỗ trợ về giải phóng mặt bằng xây dựng trường học hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho mục đích giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Mai - Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long, quận 5 thông tin, nhà trường đang gặp khó khăn trong việc có phòng học cho trẻ em nghèo. Nhiều nhà hảo tâm mong muốn dành đất cho việc mở rộng các phòng học, nhưng không thể biến đất từ quy hoạch thổ cư thành đất cho giáo dục được.

Chung hoàn cảnh, gặp khó khăn trong việc giá thuê mặt bằng cao trong bối cảnh tuyển sinh giảm, bà Lê Thị Kiều Hoa - Trường tiểu học Nam Việt đặt câu hỏi về việc thuê đất công.

Tương tự, ông Bùi Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Giáo dục sớm Sài Gòn, nói muốn đầu tư phổ thông liên cấp nhưng không nắm được thông tin ở khu vực nào có quỹ đất và nhu cầu xây thêm trường.

Đồng thời, các nhà đầu tư cũng cần được giới thiệu rõ hơn về chính sách vốn vay ưu đãi cho các dự án giáo dục để các đơn vị tư nhân đầu tư, góp phần vào xã hội hóa giáo dục.

Từng bước có cơ chế thu hút đầu tư

Trả lời vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM nói, quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường lớp là vấn đề khó khăn nhiều năm nay của thành phố, với cho trường công và tư. Sở GD&ĐT Tp.HCM đang lên đề án xây dựng trường học cho thành phố, quy định cụ thể bao nhiêu trường được xây dựng bằng vốn nhà nước và kêu gọi đầu tư xã hội hóa.

Theo báo cáo từ các quận, huyện và dự thảo đề án của Sở này, có khoảng 106 dự án giáo dục kêu gọi đầu tư. Trong đó, 86 dự án có mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.

"HĐND Tp.HCM sắp có nghị quyết kêu gọi đầu tư theo đối tác công-tư, tức Nhà nước bỏ đất ra để đơn vị tư nhân đầu tư, vận hành một thời gian hoặc toàn bộ với những dự án trên 100 tỷ đồng", ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, dự kiến thành phố sẽ trả toàn bộ lãi suất trong vòng 7 năm để các đơn vị tư nhân được vay, đầu tư vào giáo dục, xây dựng trường lớp.

Trong khi đó, đại diện Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT Tp.HCM cho hay, điều kiện để đơn vị nhận chính sách hỗ trợ là tỷ lệ vốn vay không quá 70% vốn đầu tư cơ bản, đồng nghĩa nhà đầu tư có 30% vốn đối ứng. Ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay, trừ khoản chi phí giải phóng mặt bằng.

Thiếu trường lớp nhưng việc kêu gọi hợp tác công tư lĩnh vực giáo dục tại Tp.HCM còn nhiều thách thức.

Hiện nay, Tp.HCM có hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non, tức là tăng hơn 35.000 so với năm học trước. Năm học này, thành phố đưa vào sử dụng 27 dự án với 441 phòng học mới. Tính đến tháng 8, thành phố đã đạt 294 phòng học trên 10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi), trong khi mục tiêu trong năm nay là 296 phòng học.

Dựa vào tính toán của ngành giáo dục, với quy mô và tốc độ tăng dân số như hiện nay, để đạt chỉ tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân trong độ tuổi đi học vào năm 2025, thành phố cần hơn 8.000 phòng học mới trong các năm tới.

Theo PGS.TS. Ngô Văn Cẩm, Trường Đại học FPT, không chỉ ở Tp.HCM mà trên cả nước, sự kết hợp công-tư trong tài trợ nguồn lực là một đòi hỏi và thực tế khách quan, làm cho hệ thống giáo dục năng động hơn, hiệu quả hơn.

Vấn đề là phải kết hợp được một cách hợp lý, có hiệu quả các mặt tích cực giữa tài trợ và vận hành của PPP trong mỗi loại hình, cấp bậc đào tạo cũng như đa dạng hóa các hình thức này và tạo ra một "sân chơi" bình đẳng để thu hút nhiều hơn nữa sự đầu tư và hợp tác từ khối tư nhân.

“Cơ quan quản lý giáo dục là cấp bộ cần có những nghiên cứu, đánh giá về các chương trình, môn học cũng như thẩm định năng lực của các nhà đầu tư trước khi cấp phép. Quan trọng nhất là cần minh bạch và giám sát và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Vì lợi ích của học sinh và ngành giáo dục, công ty nào làm tốt phải được duy trì, tạo điều kiện. Đơn vị nào chất lượng không đảm bảo, có dấu hiệu trục lợi cần cương quyết loại bỏ”, ông Cẩm đề xuất.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tphcm-hop-tac-cong-tu-xay-dung-truong-hoc-bai-toan-thieu-quy-dat-a632163.html