Tp.HCM: Gỡ khó cho doanh nghiệp, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vươn cao

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh cao hơn cùng kỳ, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang xoay xở vì khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp còn khó khăn

Đầu tháng 4/2024, báo cáo quý 1 của Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh cho biết, địa phương có 16.161 doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lên đến 16.177 doanh nghiệp, nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới.

Như vậy, cứ một doanh nghiệp tham gia vào thị trường, tương ứng có một doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này thể hiện môi trường kinh doanh trong nước chưa được cải thiện rõ nét.

Đó cũng là kết luận trong báo cáo quý 1/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA). Một số ngành, doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khan hiếm đơn hàng do bị mất thị trường truyền thống và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Ngoài ra, các khó khăn từ thể chế kinh tế còn nhiều rào cản, cải cách thủ tục hành chính chưa đạt kỳ vọng và một số vấn đề pháp lý chưa rõ ràng... là những rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Theo HUBA, một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu, phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ... tình trạng thiếu đơn hàng vẫn là khó khăn chưa giải quyết triệt để. Trong khi đó, các ngành hàng thâm dụng lao động như da giày, dệt may vẫn chưa có đủ đơn hàng trung, dài hạn, nên một số doanh nghiệp vẫn chưa thể ổn định sản xuất kinh doanh.

Trong lĩnh vực dệt may, đơn hàng thiếu và bị cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất cuối năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành vật liệu xây dựng sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm khi đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cho biết đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số thị trường chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra: “Lãi suất tiền vay hiện nay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay. Ngân hàng nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh nhằm hạ lãi suất vay. Thậm chí, việc khống chế tỷ lệ biên độ lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay”.

Đồng quan điểm, đại diện lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng phản ánh khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất cao. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, lãi suất tăng cao đang ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, dù đây là ngành hiếm hoi vẫn duy trì được năng lực sản xuất thời gian qua.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - thêu đan thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, không chỉ lãi suất cho vay quá cao, ngân hàng kiểm soát chặt vốn tín dụng mà một số ngân hàng còn định giá lại tài sản thế chấp chỉ bằng 50% giá trị tài sản năm ngoái rồi giảm hạn mức tín dụng của doanh nghiệp, càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn. Hiện nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, tối thiểu, nếu trong bối cảnh này cộng thêm dòng tiền gặp khó sẽ dễ dẫn tới nợ xấu.

Tiếp tục vực dậy nền kinh tế

Nói về nguồn vốn và lãi suất đối với doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả, ngành ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp và chương trình hành động cụ thể nhằm phát huy vai trò chính sách và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký gói tín dụng ưu đãi (với tiêu chí về giảm lãi suất cho vay; về cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; về cho vay lãi suất thấp; tăng hạn mức tín dụng…).

Theo ông Lệnh, kết quả đạt được ở trên là tích cực và cần tiếp tục phát huy, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt, mang lại hiệu quả kép. Việc giải ngân tốt gói tín dụng này, không chỉ đảm bảo chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được thực thi mà còn mang lại kết quả trực tiếp, thực tế trong hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tính đến cuối tháng 3/2024, doanh số giải ngân gói tín dụng này trên địa bàn thành phố đạt 2.004 tỷ đồng, với tổng dư nợ đạt 1.719 tỷ đồng cho 1.317 khách hàng vay vốn. Lãi suất cho vay thấp hơn thị trường từ 1,5 - 2% đã góp phần mang lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng vay, nhờ giảm chi phí vay vốn, hơn thế nữa không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản mà còn thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng tích cực.

Về kinh tế vĩ mô, TS.Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh nhận định, sự tăng trưởng của quý 1/2024, những điểm sáng của kinh tế như về công nghiệp, du lịch, bất động sản, hạ tầng giao thông… là một phần kết quả của các chính sách đã có trước đó.

Đồng thời, cuối năm ngoái sang đầu năm nay có những bước thay đổi quan trọng về thể chế, nhất là ở cấp Trung ương, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật nhà ở (sửa đổi) được thông qua, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Vũ, thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực trong thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng truyền thống là đầu tư công, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu. Thành phố đã thúc đẩy kích cầu tiêu dùng toàn diện, từ hoạt động thương mại dịch vụ đến du lịch, từ không gian địa lý đến không gian mạng, thương mại điện tử. Từ đó tạo tâm lý thị trường, sự tính toán, kỳ vọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Thư ký Bí thư Thành ủy, Đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tốc độ tăng trưởng của thành phố Hồ Chí Minh trong quý 1/2024 l2 6,54%. Đây là số liệu cao nhất từ năm 2020 đến nay, vượt qua hết các cái kịch bản Thành phố đã dự báo.

Và để trả lời câu hỏi là thành phố Hồ Chí Minh bao giờ trở lại như năm 2019 trở về trước (giai đoạn trước khi có dịch) với tăng trưởng từ 7,6 - 8%, PGS.TS Trần Hoàng Ngân khẳng định: “Thành phố sẽ trở lại nhưng đòi hỏi phải có thời gian chứ không thể ngay lập tức”.

Lý do là đầu tàu thành phố Hồ Chí Minh đã kéo trong thời gian quá dài, nỗ lực quá nhiều, khai thác gần như các công suất mà thành phố đã có, trong khi sức khỏe cần bồi dưỡng thành phố lại ít đi. Đó là tỷ lệ điều tiết ngân sách thì giảm từ 33 % năm 2000, còn lại 18% từ năm 2017 và đến nay là 21%…

"Muốn phục hồi như xưa thì phải có thời gian, đó là độ trễ. Và độ trễ này đòi hỏi chúng ta ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho đầu tư công, tận dụng Nghị quyết 98 để huy động nguồn lực xã hội, trong đó tập trung TOD, PPP, BOT, BT…Những cái đó đem lại nguồn lực cho chúng ta", PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhận định.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tp-hcm-go-kho-cho-doanh-nghiep-ky-vong-tang-truong-kinh-te-vuon-cao-a657356.html