TP.HCM: Gấp rút mở tuyến buýt mới kết nối metro

TP.HCM đang rốt ráo mở mới nhiều tuyến buýt, đầu tư trạm dừng, kỳ vọng kết nối liên thông buýt-metro.

Mở mới 22 tuyến buýt, kết nối 14 nhà ga

Dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga metro số 1” vừa được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương với tổng mức đầu tư gần 94 tỷ đồng.

Trạm xe buýt trên Xa lộ Hà Nội gần nhà ga Bình Thái.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, mục tiêu của dự án là tái cấu trúc mạng lưới các tuyến xe buýt dọc hành lang Xa lộ Hà Nội, kết nối với các nhà ga tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Tuyến metro số 1 đang được gấp rút hoàn thành, đã đạt khoảng 95% khối lượng xây lắp, trong đó ga ngầm Bến Thành đạt hơn 99%, dự kiến đưa vào vận hành vào đầu năm 2024. Hiện các gói thầu đang hoàn thiện kiến trúc các ga, cầu bộ hành và tòa nhà văn phòng; hoàn thiện việc lắp đặt các thiết bị hệ thống cơ điện còn lại; vận hành, khai thác thử cho từng đoạn và toàn tuyến; xây dựng quy trình, định mức và đơn giá cho khâu vận hành, bảo trì…

Theo đó, 22 tuyến xe buýt sẽ được mở mới, trong đó có ba tuyến liên tỉnh và 19 tuyến nội thành. Ba tuyến liên tỉnh mở mới kết nối với Bình Dương và Đồng Nai gồm: tuyến 61-9 (Bến xe Củ Chi - Dĩ An - Bến xe Miền Đông mới); 61-10 (Bến xe Bến Cát - Bến xe Miền Đông mới); 60-9 (Bến xe Miền Đông mới - Khu du lịch Giang Điền).

19 tuyến buýt nội thành đi sâu vào các khu dân cư, làng đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao... tạo thành hệ thống buýt nhánh và buýt gom khách kết nối vào 14 nhà ga metro số 1.

Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, các tuyến xe buýt gom dự kiến sử dụng loại xe nhỏ từ 17 - 22 chỗ, thuận tiện cho việc tiếp cận sâu hơn vào các khu dân cư, ngõ hẻm.

Đáng chú ý, Trung tâm cũng đã nghiên cứu, rà soát và lập phương án tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt dọc hành lang Xa lộ Hà Nội theo phương án giữ nguyên hiện trạng 11 tuyến, ngưng hoạt động 2 tuyến và điều chỉnh lộ trình 15 tuyến.

Để tăng cường khả năng tiếp cận bằng xe buýt xung quanh nhà ga trên cao của tuyến metro số 1, sẽ có 230 vị trí trạm dừng được làm mới; xây dựng mới các bãi đỗ xe cá nhân; các nhà điều hành, nhà vệ sinh tại 5 vị trí lân cận các nhà ga (Công viên Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái); xây dựng mới các sân, bãi dừng, đỗ cho các phương tiện công cộng (xe buýt, taxi...).

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, theo số liệu dự báo nhu cầu vận tải hành khách của tuyến đường sắt đô thị số 1, lượng hành khách lên xuống tại các ga rất lớn. Do vậy, cần có sự hỗ trợ của xe buýt để gom và giải tỏa hành khách từ các nhà ga của tuyến tới các khu vực lân cận và ngược lại.

“Cánh tay nối dài” của tuyến metro số 1

Metro số 1 chuẩn bị đưa vào khai thác sẽ có 22 tuyến buýt mới kết nối 14 nhà ga của tuyến này.

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng, đây là kế hoạch đúng thời điểm và hết sức cấp thiết, nhất là khi tuyến metro số 1 đang gấp rút hoàn thành.

“Các tuyến xe buýt hiện nay cũng đã có, nhưng phải điều chỉnh hài hòa hơn từ metro số 1 đến các nơi khác của thành phố, tăng cường tiếp cận bán kính trong 3km để gom khách kết nối với tuyến metro. Đây là những tuyến buýt đóng vai trò xe buýt con thoi, tăng cường khả năng tiếp cận với người dân”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, để thu hút hành khách đi xe buýt nhiều hơn nữa, giá vé rẻ chưa phải là giải pháp tốt mà còn là cần bố trí trạm trung chuyển, kết nối tàu điện, xe điện đảm bảo đúng giờ, bố trí đường dành riêng cho xe buýt…

Cũng theo ông, khi dịch vụ nâng cao, người dân đi lại nhiều hơn, cần phải thay đổi phương pháp tính vé theo cự ly, từ cửa đến cửa, phát triển hệ thống vé điện tử liên thông giữa các tuyến với nhau.

“Để thay đổi thói quen đi lại của người dân bằng xe buýt rất khó, cần phải có chiến lược truyền thông, cần thiết có thể miễn phí trong 1 ngày, 1 tuần để người dân được trải nghiệm”, ông Tuấn gợi ý.

Cũng theo ông Tuấn, xe buýt gom là “cánh tay nối dài” của đường sắt đô thị, thịnh hành ở quốc gia đang phát triển. Tại Nhật Bản, Singapore... mạng lưới giao thông công cộng rất dày, chỉ cần đi bộ vài trăm mét đã tiếp cận được nhà ga nên vai trò của xe buýt gom không lớn. Nhưng với thành phố đang phát triển như TP.HCM cần xe buýt gom bởi mật độ mạng lưới ở xa, khu dân cư cách nhà ga 2-3km là bình thường.

“Thành phố đã đầu tư thì nên đầu tư đồng loạt, nâng cấp chất lượng cho vận tải công cộng. Muốn làm được điều này đỏi phải có quyết tâm rất lớn, càng làm chậm càng mất đi cơ hội”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia giao thông đô thị nhìn nhận, để làm đồng bộ mạng lưới các tuyến buýt sẽ rất tốn kém, trước mắt cần giải quyết hai việc. Một là làm các bãi giữ xe cạnh các nhà ga tuyến metro, hai là nên có xe buýt cỡ nhỏ vào khu dân cư để gom khách.

Đặc biệt, cần có các trạm và xe buýt kết nối với khu làng Đại học Quốc gia ở TP Thủ Đức, vì ở đây có lượng sinh viên lớn, làm tốt có thể thu hút 150.000 - 200.000 sinh viên đi xe buýt, metro thường xuyên.

Danh mục tuyến buýt kết nối với ga metro số 1

22 tuyến buýt mới được đề xuất để gom khách cho metro số 1 và 11 tuyến buýt hiện hữu có lộ trình qua các ga ngầm ở khu trung tâm và dọc Xa lộ Hà Nội được giữ nguyên hiện trạng. 15 tuyến khác sẽ điều chỉnh lại lộ trình.

Với mạng lưới xe như trên, toàn bộ 14 nhà ga của metro Bến Thành - Suối Tiên đều được kết nối bằng hệ thống buýt gom. Trong đó, ga Bến Thành tập trung nhiều nhất với 29 tuyến. Kế đến ga Nhà hát thành phố 14 tuyến; Suối Tiên, Đại học Quốc gia là 12 tuyến; Tân Cảng và Ga Bình Thái gồm 10 tuyến, Thủ Đức gồm 8 tuyến, ga Phước Long có 3 tuyến.

Đỗ Loan

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-gap-rut-mo-tuyen-buyt-moi-ket-noi-metro-d597898.html