TP HCM: Doanh nghiệp khốn đốn vì giải phóng mặt bằng

Nhận đền bù sau đó không bàn giao mặt bằng, xây dựng trái phép… Dẫn đến tranh chấp kéo dài 13 năm. Đến nay, vụ việc vẫn chưa có hồi kết, đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như uy tín cho doanh nghiệp.

Trong đơn kêu cứu còn cho biết một băng nhóm có tổ chức, không nằm trong diện thu hồi đất đến phá hàng bảo vệ, đưa container vào xây dựng trái phép trên đất dự án. Ảnh: Mạnh Cường

5 năm tưởng suôn sẻ

Theo đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cùng nhiều cơ quan chức năng khác, trong đó có tòa soạn Báo Xây dựng, ông Trần Thanh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh (Công ty Trường Thịnh), TP.HCM cho biết: Theo Quyết định số 1101/QĐ-TTg ngày 09/12/1998, Thủ tướng Chính phủ đã thu hồi 30.710m2 đất tại phường Bình An, Q.2, TP.HCM giao cho Công ty Trường Thịnh để đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở bán cho Cán bộ Công nhân viên thành phố theo quy định tại Nghị định 61/1994/NĐ-CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ.

Đến ngày 10/12/2002, Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 5141/QĐ-UB về điều chỉnh, di chuyển (hộ gia đình và cá nhân), cơ quan, đơn vị, vật kiến trúc khác nằm trong quy hoạch của dự án và giao cho UBND Q.2 thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư theo quy định tại Điều 32 Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 22/4/1998 của Chính phủ.

Ngày 21/01/2003, UBND Q.2 đã ban hành Quyết định số 275 thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng cho dự án. Và ngày 19/11/2003 UBND Q.2 lại ban hành Quyết định số 10970 về việc công bố danh sách các hộ dân cư, đơn vị bị thiệt hại về đất, vật kiến trúc, cây trồng, tài sản khi thực hiện dự án. Trong đó nêu rõ: “Các hộ dân cư, đơn vị có tên trong danh sách đính kèm quyết định này có trách nhiệm di dời tài sản, vật kiến trúc, cây trồng, giải phóng mặt bằng đúng thời hạn, giao chủ đầu tư (Công ty Trường Thịnh) để công trình thi công đúng tiến độ”.

Ngày 8/6/2004, UBND thành phố đã có Quyết định 2662 về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư tại dự án. Công ty Trường Thịnh căn cứ vào các quyết định này đã phối hợp với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2 tiến hành bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi đất và thiệt hại tài sản trên đất (theo danh sách lập tại Quyết định số 10970) bằng tiền mặt và hoán đổi nền đất tái định cư thuộc dự án.

Hầu hết các hộ dân đã tự nguyện di dời và bàn giao đất cho chủ đầu tư, tuy nhiên, chỉ còn 3 hộ đân (Trần Thị Tỉnh, Trần Thị Huệ, Võ Văn Nhiệp (con trai bà Tỉnh) đã nhận tiền bồi thường và nhận nền tái định cư (theo đúng thỏa thuận Hợp đồng) nhưng cố tình không di dời, thậm chí còn lấn chiếm thêm và xây dựng trái phép trên đất thuộc dự án.

Nhận đền bù theo thỏa thuận nhưng không giao đất

Từ năm 2003, Công ty Trường Thịnh đã tiến hành công tác bồi thường, giải tỏa với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án bằng cách ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ( Hợp đồng số 71), trong đó có bà Trần Thị Huệ, Trần Thị Tỉnh bằng hình thức: thanh toán tiền mặt và hoán đổi lại nền đất đã có cơ sở hạ tầng thuộc dự án. Tuy nhiên, Bà Trần Thị Tỉnh, Trần Thị Huệ, Võ Văn Nhiệp (con trai bà Tỉnh) là những hộ đã nhận tiền bồi thường và nhận nền đất tái đinh cư nhưng vẫn cố tình không chịu di dời mà tiếp tục sử dụng phần diện tích thuộc dự án, ngoài ra còn ngang nhiên chiếm thêm các phần diện tích đất khác thuộc dự án.

"Cụ thể diện tích đất của bà Huệ hiện sử dụng là 2.283,6m2, bà Tỉnh là 3.922,2m2, ông Nhiệp là 315,5m2. Các hộ trên mặc dù đã nhận toàn bộ tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng đến nay vẫn cố tình không bàn giao đất cho chúng tôi”, ông Nghĩa bức xúc.

Điều đáng nói, hiện nay dự án không thể triển khai đúng tiến độ, chỉ vì 3 hộ dân nói trên không chịu bàn giao phần đất còn lại, thậm chí còn cố tình xây dựng, lấn chiếm thêm đất của dự án. Ngoài ra, trong đơn kêu cứu còn cho biết vừa qua, một băng nhóm có tổ chức, không nằm trong diện thu hồi đất đến phá hàng bảo vệ, đưa container vào xây dựng trái phép trên đất dự án.

Đến nay, Công ty Trường Thịnh đã có rất nhiều đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến các cơ quan như: UBND Q.2, Công an Q.2, Ủy ban và Công an phường Bình An, cũng như Thanh tra xây dựng thành phố có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời và cưỡng chế, di dời những hộ chiếm đất. UBND Q.2 cũng đã lập nhiều biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những người vi phạm.

Mới đây nhất, tháng 9/2016, UBND Q.2 cũng đã ban hành quyết định 3225/QĐ –XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với những người vi phạm, buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Tuy nhiên đến nay, những container này vẫn tồn tại như thách thức chính quyền địa phương và dư luận.

Dự án đã triển khai 18 năm, tuy nhiên, hiện vẫn ngổn ngang do 3 hộ dân vẫn chưa chịu bàn giao đất. Ảnh: Mạnh Cường

Tòa án xác định thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân

Liên quan đến 3 hộ dân (Trần Thị Tỉnh, Trần Thị Huệ, Võ Văn Nhiệp) không chịu di dời, lấn chiếm và xây dựng trên đất dự án, Công ty Trường Thịnh đã mất nhiều năm khởi kiện ra Tòa yêu cầu tòa án buộc các hộ dân này phải giao đất cho công ty, qua các bản án (Tòa án cấp sơ thẩm và cấp Phúc thẩm) đều tuyên buộc các hộ dân này phải bàn giao đất cho chủ đầu tư theo thỏa thuận của hợp đồng.

Tuy nhiên, Tòa án tối cao lại kháng nghị và xét xử Giám đốc thẩm hủy các bản án của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm và xác định: “Trong trường hợp không đồng ý với giá bồi thường cũng như giá trị bồi thường của chủ đầu tư thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng thuộc UBND Q.2 để giải quyết theo thẩm quyền. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý và giải quyết yêu cầu khởi kiện đòi Công ty Trường Thịnh phải bồi thường là không đúng thẩm quyền”, ngày 21/7/2016, Tòa án cấp cao tại TP.HCM trả lời đơn kiến nghị của Công ty Trường Thịnh cũng xác định: việc thi hành quyết định thu hồi đất được thực hiện theo các văn bản thi hành Luật đất đai năm 2003 căn cứ vào khoản 2 điều 47 Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì thẩm quyền tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi đất được qui định như sau: "Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh phân cấp hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế".

Tại thời điểm hiện nay, theo qui định tại khoản 3 Điều 71 Luật đất đai 2013 thì việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất thuộc thâtm quyền của chủ tịch UBND cấp quận, huyện”.

Ngoài ra, Công ty Trường Thịnh cũng đã có nhiều đơn kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền liên quan đến việc này, Thanh tra Bộ TN&MT ngày 29/7/2016 đã có văn bản số 365 gửi UBND TP.HCM đề nghị kiểm tra, chỉ đạo giải quyết kiến nghị của Công ty Trường Thịnh. Mới đây nhất, ngày 5/10/2016 Văn phòng chính phủ cũng có văn bản số 8388, chỉ đạo UBND TP.HCM kiểm tra, xem xét, giải quyết theo qui định của pháp luật và báo cáo kết quả cho Văn phòng Chính phủ.

Sau 18 năm triển khai, Dự án đầu tư khu nhà ở cán bộ công nhân viên chức tại phường Bình An, Q.2 vẫn vướng 3 hộ dân, vì những vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng của địa phương, vụ việc kéo dài đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như gây bức xúc về tinh thần, làm phương hại đến uy tín thương hiệu cho doanh nghiệp. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo từ phía UBND thành phố để dự án sớm được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động một cách có hiệu quả.

Mạnh Cường

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/tp-hcm-doanh-nghiep-khon-don-vi-giai-phong-mat-bang.html