TP.HCM: Diện mạo thành phố thông minh thế nào sau năm 2025?

Ngồi ở nhà có thể biết được tình trạng giao thông trên các tuyến đường để lựa chọn hướng đi phù hợp...

Thành phố thông minh cần phải có các hệ thống điều khiển hiện đại (Ảnh chụp Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, nơi tích hợp các camera giám sát hệ thống giao thông TP.HCM)

Ngồi ở nhà có thể biết được tình trạng giao thông trên các tuyến đường để lựa chọn hướng đi phù hợp; có thể theo dõi hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình đang được thực hiện đến khâu nào… Điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được vì bạn đang sống ở một thành phố thông minh (smart city) mà TP.HCM sẽ xây dựng đến năm 2025.

Ngồi một chỗ điều khiển giao thông

Khoảng 9h sáng 26/7, qua màn hình camera ghi nhận phát hiện tại nút giao An Phú trên đường Mai Chí Thọ, lượng phương tiện lưu thông từ hướng Xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái nối đuôi nhau rất dài, trong khi phương tiện từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành về khá thưa. Cán bộ đang làm việc tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn lập tức điều chỉnh hệ thống đèn giao thông cho đèn xanh trên đường Mai Chí Thọ dài hơn, đèn đỏ ngắn lại để ưu tiên phương tiện đi vào cảng Cát Lái. Sau vài phút, tình trạng ùn tắc trên đường Mai Chí Thọ đã được giải quyết mà không cần CSGT phải trực tiếp ra điều tiết.

"Đến năm 2025, TP.HCM cơ bản trở thành smart city. Trong đó, phải chỉ rõ lộ trình cụ thể từng giai đoạn từ nay đến năm 2018 làm gì, đến năm 2020 đạt được những gì. Mục tiêu là hướng đến công khai minh bạch để người dân tham gia vào quản lý, giám sát chính quyền. Từng bước xây dựng TP.HCM thực sự là thành phố đáng sống”.

Chủ tịch UBND TP
Nguyễn Thành Phong

Từ năm 2011, tất cả các hệ thống đèn giao thông trên đường Võ Văn Kiệt, sau đó là đường Mai Chí Thọ đã được kết nối với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Việc điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên tuyến đường này được thực hiện hoàn toàn tự động. Vì vậy, rất ít khi trên đường Võ Văn Kiệt xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông hay kẹt xe. Khi TNGT xảy ra, lực lượng CSGT cũng được thông báo và điều động đến hiện trường nhanh chóng.

Cùng đó, hơn 300 camera và 48 bảng thông tin điện tử lắp đặt trên các tuyến đường cũng được kết nối về trung tâm. Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết, sau này các hệ thống đèn giao thông còn được trang bị camera tự giám sát, đo đếm được lượng phương tiện và tự phân tích tại nút giao đó lượng phương tiện trên tuyến đường nào nhiều hơn sẽ tự động bật thời gian đèn xanh dài hơn để ưu tiên hướng đó, không cần sự can thiệp của con người. Đó là một trong những giải pháp mà Sở GTVT đưa ra để hướng đến xây dựng hệ thống giao thông thông minh từ nay đến năm 2020.

Một điểm đáng chú ý khác là giai đoạn từ nay đến năm 2017, TP.HCM sẽ đưa vào khai thác cổng thông tin giao thông trực tuyến trên phần mềm bản đồ số để cung cấp tình trạng giao thông cho người dân biết; Hệ thống vé điện tử cho hành khách đi xe buýt cũng được triển khai; Thành phố cũng đầu tư hệ thống thu phí tự động tại các trạm BOT để đến năm 2020 thu phí tự động hoàn toàn nhằm giảm ùn tắc giao thông; Sử dụng các trạm cân tự động để kiểm soát tải trọng phương tiện…

Đến năm 2025, TP.HCM sẽ là Smart city

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, giao thông thông minh chỉ là một phần trong việc hướng đến xây dựng thành phố thông minh (smart city). Chẳng hạn, trong lĩnh vực y tế, khi một bệnh nhân đến khám tại một bệnh viện nào đó, tất cả hồ sơ của người này đã được lưu trữ mà không cần phải dùng sổ khám bệnh như hiện nay. Các thông tin cá nhân (tên tuổi, nơi cư trú, tiền sử bệnh lý…) đều được cập nhật dữ liệu dùng chung cho tất cả các bệnh viện. Hệ thống công nghệ cũng sẽ khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh về chất lượng khám chữa bệnh.

Ở lĩnh vực quản lý hạ tầng và phát triển đô thị, thành phố sẽ xây dựng cổng thông tin quản lý đất đai của Văn phòng Đăng ký đất đai. Tất cả hồ sơ đăng ký làm thủ tục đất của người dân được công khai trên mạng. Người dân chỉ cần ngồi ở nhà và có thể theo dõi hồ sơ của mình đã được thực hiện đến đâu.

Từ ngày 20/7, Văn phòng UBND TP đã bắt đầu gửi thư mời họp bằng thư điện tử và tin nhắn SMS đến lãnh đạo các sở, ban, ngành thay vì thư giấy như trước. Theo tính toán, mỗi năm việc làm này tiết kiệm được trên 300 triệu đồng. Theo thống kê, 85% cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP đã triển khai hệ thống thư điện tử. Đến cuối năm 2016, toàn TP sẽ hoàn thành liên thông kết nối văn bản điện tử trong nội bộ qua phần mềm quản lý văn bản kết hợp với sử dụng chữ ký số, tăng số lượng văn bản thực hiện hoàn toàn qua hệ thống điện tử, dần tiến tới bỏ văn bản giấy (trừ văn bản mật).

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM cho biết, có rất nhiều sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP đã từng bước áp dụng công nghệ thông tin vào phục vụ người dân. Tuy nhiên, việc này còn phân tán, chưa kết nối với nhau nên lãng phí và hiệu quả không cao.

“Làm sao phải kết nối liên thông trên dưới, ngang dọc mới hiệu quả và tránh lãng phí”, ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ đặt vấn đề.

Phải sớm xây dựng được hệ thống dữ liệu dùng chung trên cơ sở kết nối hệ thống dữ liệu của các sở, ngành đã có. Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP tại buổi làm việc với lãnh đạo VNPT chiều 25/7. Ông Phong cho rằng, khi có hệ thống dữ liệu chung mới kết nối được, đồng thời dự báo được nhiều vấn đề như kinh tế, xã hội, dịch bệnh, giao thông… Có dự báo tốt mới có định hướng phát triển đúng.

Ông Phong giao Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với VNPT trong ba tháng phải hoàn thành đề án xây dựng TP.HCM trở thành smart city. Nội dung của smart city phải hướng đến sự phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng.

Phan Tư

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tphcm-dien-mao-thanh-pho-thong-minh-the-nao-sau-nam-2025-d160778.html