TP.HCM đấu giá lô 238 xe máy vi phạm, giá bình quân 450.000 đồng/xe

Lô tài sản gồm 238 môtô hai bánh đã qua sử dụng được UBND xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đấu giá khởi điểm hơn 107 triệu đồng.

Giá khởi điểm của lô tài sản 238 môtô, xe gắn máy là 107 triệu đồng, tương đương mức bình quân chỉ gần 450.000 đồng/xe. Ảnh: Công ty đấu giá.

Một công ty đấu giá vừa thông báo đấu giá lô tài sản của UBND xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Theo đó, lô tài sản bao gồm 238 môtô gắn máy hai bánh là phương tiện vi phạm hành chính.

Nguồn gốc của lô xe máy trên đều là tài sản đã qua sử dụng, vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Giá khởi điểm của lô tài sản là 107 triệu đồng, tương đương mức bình quân chỉ gần 450.000 đồng/xe. Số tiền đặt trước là 20% giá khởi điểm.

Thời gian xem tài sản từ ngày 26/2 đến ngày 27/2 (trong giờ hành chính) tại Công an xã Bình Chánh. Thời gian đấu giá lô tài sản trên sẽ diễn ra trong buổi sáng ngày 1/3.

Theo cơ quan đấu giá, mức giá đưa ra kể trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và chưa bao gồm các loại thuế, phí phát sinh cho việc đăng ký quyền sở hữu và quyền sử dụng lô tài sản theo quy định pháp luật.

Người trúng đấu giá lô tài sản phải nộp các khoản thuế, phí và lệ phí phát sinh trong quá trình làm thủ tục liên quan đến việc mua bán tài sản trừ thuế thu nhập. Bên cạnh đó, mọi chi phí bốc xếp, giao nhận tài sản sẽ do khách hàng trúng đấu giá chịu (nếu có).

Trước đó, thông tin về việc đấu giá xe vi phạm năm 2023, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết Công an TP đã tịch thu, bán đấu giá 27.571 phương tiện trong năm ngoái. Riêng đợt đấu giá lần 3 của Phòng Cảnh sát giao thông đã hoàn thành đấu giá 5.334 phương tiện và thu về hơn 4 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Công an TP.HCM, quá trình đưa xe máy vi phạm ra đấu giá gặp tương đối nhiều khó khăn bởi quá trình tịch thu, xử lý, bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tạm giữ chặt chẽ, tốn nhiều thời gian.

Cụ thể, để tịch thu, bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tạm giữ, Công an TP phải thực hiện nhiều bước theo quy định như xác minh, giám định số khung, số máy phương tiện; đăng báo tìm chủ sở hữu; lập phương án xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu báo cáo về Bộ Công an. Sau đó Công an TP ra quyết định phê duyệt phương án cho bán đấu giá. Cuối cùng là tổ chức các bước bán đấu giá tài sản theo quy định.

Hiện nay, có nhiều cách để giảm số lượng phương tiện giao thông bị tạm giữ như cho đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện; tạm giữ giấy tờ để đảm bảo thay cho tạm giữ phương tiện; tăng cường xử lý tang vật, phương tiện (bằng hình thức tịch thu bán đấu giá)...

"Tuy nhiên phương án đặt tiền để đảm bảo thay cho tạm giữ phương tiện ít được cá nhân, doanh nghiệp áp dụng, mà chủ yếu lựa chọn biện pháp tạm giữ giấy tờ (đăng ký xe, đăng kiểm xe, bằng lái xe...) để đảm bảo thay cho việc tạm giữ phương tiện", đại diện Công an TP nói thêm.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/tphcm-dau-gia-lo-238-xe-may-vi-pham-gia-binh-quan-450000-dongxe-post1460242.html