TP HCM chiêu hiền đãi sĩ

Với các chính sách mới về thu nhập, nhà ở vừa được hiện thực hóa, TP HCM kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều người giỏi cho khu vực công.

Chính sách thu hút nhân tài được TP HCM thực hiện đầu tiên vào năm 2004, khi thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thời điểm đó, TP HCM đã mạnh dạn thí điểm nhiều cơ chế rất thoáng, quy tụ được nhiều kiều bào, chuyên gia đầu ngành giúp sức.

Thí điểm nhiều cơ chế

10 năm sau, chính sách thu hút nhân tài tiếp tục được thực hiện khi UBND TP HCM ban hành Quyết định 5715, mở rộng thí điểm ra 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Viện Công nghệ tính toán, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Công nghệ sinh học.

TS Hoàng Thế Bân (bên phải) về làm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật (Trung tâm Đào tạo - Khu Công nghệ cao TP HCM) theo diện thu hút người tài Ảnh: Anh Vũ

Chủ trương của TP HCM là "trải thảm đỏ" mời chuyên gia, nhà khoa học giỏi về làm việc ở các lĩnh vực trọng điểm, áp dụng trong 5 năm. Giai đoạn này, TP HCM cho phép trả lương tối đa cho chuyên gia 150 triệu đồng/tháng.

Đến năm 2018, khi thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 20 về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP HCM có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022. Thực hiện Nghị quyết 20, UBND TP HCM ban hành Quyết định 17/2019 với các chính sách đãi ngộ như: mức trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng, hỗ trợ nhà ở, phương tiện…

Song, khác với Quyết định 5715, Quyết định 17 quy định trả lương chuyên gia theo Nghị định 204/2004 của Chính phủ. Chính vì điều này, nhiều chuyên gia đã rời đi qua giai đoạn thử nghiệm 2014-2019 và giai đoạn chính thức 2019-2022 vì cho rằng mức đãi ngộ chưa tương xứng.

Nhận diện nguyên nhân

Việc thu hút nhân tài chưa hiệu quả cũng đã được lãnh đạo TP HCM nhận diện. Theo UBND TP HCM, một trong những nguyên nhân chủ quan là chính sách chưa đủ sức hấp dẫn, mức đãi ngộ về thu nhập chưa bảo đảm cạnh tranh để thu hút nguồn lực chất lượng cao.

Với mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, chuyên gia chỉ nhận 15,8 - 16,9 triệu đồng. Mức thu nhập này sau khi trừ khoản đóng bảo hiểm bắt buộc thì chỉ bằng 3 lần mức lương tối thiểu vùng và chỉ gấp 2,24 lần thu nhập bình quân năm 2022 của người dân vùng Đông Nam Bộ.

Ông Nguyễn Sĩ Long, Phó trưởng Phòng Công chức - Viên chức Sở Nội vụ, cho biết hiện tại, có 8 chuyên gia, nhà khoa học làm việc cho TP HCM theo chính sách thu hút người tài - gồm: Khu Công nghệ cao 4 người, Khu Nông nghiệp công nghệ cao 4 người. Ông nhận xét: "Dù thành phố đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng kết quả đạt được thời gian qua chưa như kỳ vọng".

Theo ông Nguyễn Sĩ Long, các bước trong quy trình thu hút người tài từ khi cơ quan, đơn vị có nhu cầu đến lúc lựa chọn được ứng viên phù hợp đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và nguồn lực. Mặt khác, mục tiêu cần thu hút là nhóm đối tượng có tính chất rất đặc thù, dù số lượng ít nhưng lại có vai trò, vị trí và sức ảnh hưởng lớn nên được nhiều tổ chức uy tín tại các quốc gia tiên tiến quan tâm mời gọi. Vì vậy, TP HCM phải đối mặt áp lực cạnh tranh rất lớn, nhất là việc cải thiện hình ảnh và tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học - công nghệ để tăng cường khả năng mời gọi, thu hút đối với họ.

Làm việc 7 năm tại TP HCM theo chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, TS Hoàng Thế Bân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật (Trung tâm Đào tạo - Khu Công nghệ cao thành phố), cho rằng TP HCM là một trong những địa phương tiên phong của Việt Nam xây dựng và phát triển một cách đồng bộ chương trình mời gọi nhân tài đến làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, kết quả đến giờ còn khiêm tốn.

Theo TS Hoàng Thế Bân, nguyên nhân đến từ sự bất cập, khác biệt về cơ chế, chính sách, nhất là chế độ đãi ngộ không đồng nhất giữa hai chương trình thí điểm và chính thức. Quy trình tuyển dụng còn nặng hình thức, trải qua nhiều giai đoạn kiểm tra, đánh giá phức tạp, tốn nhiều công sức và thời gian, không phù hợp với chuyên gia, nhà khoa học lớn tuổi đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài…

Kỳ vọng chính sách mới

Nhận diện được những tồn tại, TP HCM đã nghiên cứu, xây dựng chính sách mới phù hợp với thực tế nhằm khắc phục các bất cập về chính sách tiền lương, bảo đảm mức thu nhập tương xứng với sức lao động, trí tuệ và năng lực của chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.

Tại kỳ họp thứ 13 hồi tháng 12-2023, HĐND TP HCM đã ban hành Nghị quyết 27 về mức thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút. Nghị quyết 27 cho phép nâng mức thu nhập hằng tháng từ 30-100 triệu đồng và mở rộng phạm vi áp dụng. Chính sách mới chính thức áp dụng từ ngày 1-1-2024.

"Nghị quyết 27, thay thế Nghị quyết 20, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để TP HCM thu hút, tạo nguồn chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức có phẩm chất đạo đức và năng lực xuất sắc để tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo thành phố giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn" - ông Nguyễn Sĩ Long kỳ vọng.

Ông Nguyễn Sĩ Long cho biết thời gian tới, TP HCM sẽ thành lập các hội đồng thu hút, tuyển chọn và thực hiện chính sách bảo đảm nghiêm túc, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan. Qua đó, lựa chọn đúng và đủ số lượng chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt, đáp ứng nhu cầu của thành phố.

HĐND TP HCM cũng đã thông qua nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình tuyển chọn, mức thu nhập và chính sách đãi ngộ đối với công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị thành phố. Chính sách này cũng được áp dụng từ đầu năm 2024.

Theo đó, TP HCM sẽ hỗ trợ về thu nhập bằng 4 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người có trình độ tiến sĩ và tương đương; 3 lần đối với thạc sĩ và tương đương; 2 lần đối với các trường hợp còn lại. Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng ở TP HCM là 4,68 triệu đồng/tháng. Như vậy, người có trình độ tiến sĩ và tương đương có thể được hỗ trợ hơn 18,7 triệu đồng/tháng.

Theo TS Hoàng Thế Bân, mức thu nhập mới đã tiệm cận với các quốc gia đang phát triển, mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn và rộng mở không chỉ cho các chuyên gia, nhà khoa học mà còn với cả đội ngũ nhân viên hỗ trợ, tham gia dự án. Ngoài ra, việc đề cao vai trò, trách nhiệm cũng như trao quyền chủ động cho các đơn vị công lập của TP HCM sẽ nâng cao tính sáng tạo và chủ động trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học, mang lại hiệu quả tích cực.

"TP HCM sẽ trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn nhất thu hút chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đến sinh sống và làm việc" - TS Hoàng Thế Bân tin tưởng.

Ngoài chính sách trên, TP HCM còn áp dụng mức lương 60-120 triệu đồng/tháng cho lãnh đạo, quản lý tại các tổ chức khoa học - công nghệ. Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM nhìn nhận mức lương này sẽ thu hút được người tài, người đạt tầm cỡ quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, để TP HCM có được những nghiên cứu hiệu quả, chất lượng.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-chieu-hien-dai-si-196240206085846644.htm