TP. HCM chi 350 tỷ đồng nâng cấp giao thông

Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã thông qua khoản đầu tư 350 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực khai thác tại các tuyến đường thường xuyên gây ùn tắc giao thông, xảy ra tai nạn giao thông.

Theo UBND TP. HCM, hiện nay, trên địa bàn thành phố có một số tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ, mặt đường thường xuyên ngập nước, chưa có các công trình tiện ích trên tuyến. Hệ thống đèn tín hiệu giao tại các nút giao chưa hoàn chỉnh, trở thành điểm đen về tai nạn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đối với người dân.

Dự án này nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại các giao lộ đông người, dễ xảy ra tai nạn giao thông, tạo thuận lợi trong quá trình điều tiết giao thông, góp phần làm giảm các vụ tai nạn giao thông tại các giao lộ chưa có đèn tín hiệu giao thông; giúp người dân khi tham gia giao thông và vận chuyển hàng hóa lưu thông thuận lợi, thông suốt.

Dự án do Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Về nguồn vốn thực hiện, UBND TP. HCM dự kiến bố trí trên cơ sở khả năng cân đối vốn ngân sách thành phố giai đoạn trung hạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030. Theo đó, năm 2024 bố trí 3 tỷ đồng, năm 2024 bố trí hơn 292,3 tỷ đồng và năm 2025 là hơn 54,6 tỷ đồng.

Quá trình triển khai, dự án sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 50 đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến đường số 10 với quy mô 870m x 11m.

Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 15, đoạn từ đường Nguyễn Văn Khạ đến văn phòng ấp Bến Cỏ và đoạn từ cầu Rạch Sơn đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi (bao gồm cải tạo, mở rộng cầu Rạch Sơn) với quy mô 4.785m x 11m.

Cải tạo, nâng cấp đường chui dưới dạ cầu Phú Hữu phía vòng xoay Liên Phường (TP Thủ Đức) với quy mô 600m x 8,85m.

Xây dựng mới đường gom cầu Kênh Tẻ (phía quận 7), với quy mô 1500m x 9m.

Xây dựng 2 cầu bộ hành tại địa điểm trên Quốc lộ 1K (gần trường THCS Xuân Trường, thành phố Thủ Đức) và trên Tỉnh lộ 8 (trước Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi).

Cùng với đó, tiến hành lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 76 giao lộ trên địa bàn thành phố.

Định hướng phát triển đô thị TP. HCM dự kiến hình thành và phát triển 5 phân vùng.

Đó là phân vùng đô thị trung tâm, gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân và một phần quận 12.

Phân vùng đô thị phía Đông là TP. Thủ Đức. Phân vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc gồm 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn và một phần quận 12.

Phân vùng đô thị phía Tây có phạm vi phần lớn là huyện Bình Chánh. Phân vùng đô thị phía Nam có quận 7, 2 huyện Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh.

Chính quyền TP. HCM tính toán khu trung tâm hiện hữu sẽ hạn chế tối đa việc phát triển mới. Không gian dọc sông Sài Gòn được chọn là động lực, điểm nhấn cho quy hoạch.

Trần Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tp-hcm-chi-350-ty-dong-nang-cap-giao-thong-d110999.html