TP. HCM: Bị chặn dưới dạ cầu Rạch Chiếc, người dân khổ sở leo lề

Sau khi Sở GTVT và chủ đầu tư BOT Xa Lộ Hà Nội thông báo sẽ cho điều chỉnh giao thông, chặn lối đi tắt dưới chân dạ cầu Rạch Chiếc, nhiều người đi xe máy chật vật leo lề, người đi ô tô bức xúc vì bị 'ép' đi qua trạm thu phí.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo & Công luận, ngày 3/6, tại lối rẽ dưới chân dạ cầu Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức, TP. HCM), có rất nhiều phương tiện còn bỡ ngỡ với lộ trình giao thông mới tại khu vực cầu Rạch Chiếc nên đã phải quay đầu ngay dưới dạ cầu để di chuyển về đường song hành Xa lộ Hà Nội.

Bài liên quan

Sớm xử lý dứt điểm những vướng mắc tại 7 trạm BOT

Sau 31/7, sẽ phải “xả trạm” BOT nếu chưa có thu phí tự động không dừng

Gần 12.000 tỷ đồng xử lý bất cập tại 7 dự án BOT đường bộ

Xăng tăng, hàng hóa tăng theo, tiểu thương gồng mình cắt bớt lãi

Bảng thông báo điều chỉnh giao thông dưới dạ cầu Rạch Chiếc.

Hiện tại, công nhân đang hoàn thành các công đoạn trong việc xây lối chặn, không cho ô tô đi đường vòng để "né" trạm thu phí.

Đoạn đất gồ ghề, đầy bùn khiến việc lưu thông trở nên khó khăn hơn.

Nhiều người đi xe máy khổ sở đi qua đoạn đường bị chặn này.

Người dân dùng những viên đá to để làm bục tạo đà leo lề.

Tay lái phải mạnh thì mới có thể đi qua đoạn đường này.

Xe ba gác bị kẹt lại, không thể di chuyển nên đành quay đầu để đi lối khác.

Đối với những ai tay lái yếu, chỉ đành chần chừ một lúc lâu rồi ngán ngẩm đi lối khác.

Sau khi chủ đầu tư bắt đầu cho chặn lối rẽ trên đã khiến nhiều người dân trong khu vực và cư dân chung cư Him Lam, Phú An (gần trạm BOT) bức xúc vì cứ mỗi lần về nhà là mỗi lần bị thu phí.

“Tôi chạy taxi công nghệ được hơn 2 năm rồi, bình thường Sở Giao thông cho chạy bình thường chứ làm gì có chuyện chặn. Tôi đi vào trung tâm chứ đâu có đi về phía đông mà bắt đi qua trạm thu phí. Chặn kiểu này thì không biết đi sao, vòng xuống chân cầu thì bị phạt lỗi đi ngược chiều. Giờ bắt buộc phải đi qua trạm thu phí, mỗi lượt 25.000 đồng, đi khứ hồi thì hết 50.000 rồi. Ngày chạy được nhiêu tiền đâu, tiền xăng xe, ăn uống các thứ nữa”, anh Văn Ngữ (tài xế taxi công nghệ) chia sẻ.

Không chấp nhận bị "ép" trả phí, một tài xế đành đánh liều khi đường vòng.

Không may, phương tiện đã bị kẹt lại, không thể nhúc nhích. Tài xế đành gọi cứu hộ đến hỗ trợ.

Trước đó, chủ đầu tư BOT Xa Lộ Hà Nội bắt đầu cho chặn lối rẽ dưới chân dạ cầu Rạch Chiếc từ 29/5, lộ trình giao thông đường song hành Xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức) chính thức được điều chỉnh.

Theo đó, nhiều phương tiện lưu thông từ hướng TP. Thủ Đức đi vào trung tâm thành phố muốn né trạm BOT sẽ rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Bá và chạy vòng dưới chân cầu Rạch Chiếc. Dưới chân cầu Rạch Chiếc sẽ có một lối rẽ vào đường dẫn lên cầu.

Tương tự nếu muốn né trạm BOT theo chiều ngược lại, các phương tiện sau khi lưu thông qua cầu Rạch Chiếc sẽ rẽ phải vào đi đường Nam Hòa (cách trạm BOT Xa Lộ Hà Nội 500m). Cứ theo lộ trình trên, đã có hàng nghìn lượt xe ô tô “né” thành công trạm BOT đi lên cầu Rạch Chiếc mà không phải tốn tiền BOT.

Được biết, lãnh đạo Sở GTVT TP. HCM khẳng định phương án cấm xe lưu thông dưới dạ cầu Rạch Chiếc có tính an toàn cao, hạn chế ùn tắc giao thông.

Đại diện công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - nhà đầu tư BOT Xa lộ Hà Nội cũng cho rằng “không cố tình ngăn đường để tận thu” mà chỉ hoàn thành thi công theo đúng thiết kế được duyệt, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho tất cả các phương tiện.

Theo CII, các đường tạm hai bên cầu Rạch Chiếc mà hiện nay các chủ phương tiện không tiếp cận được hoàn toàn không có trong quy hoạch, chỉ là đường tạm để thi công cầu Rạch Chiếc trước đây.

Việc duy trì hệ thống đường tạm trong thời gian đầu để phục vụ công tác tuần tra, duy tu cầu Rạch Chiếc. Nay đường song hành ở khu vực này đã hoàn thành, nhiệm vụ của đường tạm đã xong, cần phải trả lại mặt bằng theo quy hoạch và đảm bảo an toàn giao thông khu vực.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-bi-chan-duoi-da-cau-rach-chiec-nguoi-dan-kho-so-leo-le-post197657.html