TP.HCM: Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang hoàn thiện đề án 'Thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung' thực hiện theo Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị.

Theo đó, liên quan đến việc xây dựng đề án nói trên, Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM giao Sở Nội vụ biên tập gọn lại đề án thành 2 nội dung chính là chính sách khuyến khích và chính sách bảo vệ. Đồng thời hoàn thành dự thảo Tờ trình của Ban cán sự đảng UBND Thành phố trước ngày 24/5/2024 để báo cáo, xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

TP.HCM đang xây dựng và hoàn thiện đề án bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

TP.HCM đang xây dựng và hoàn thiện đề án bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đề án "Thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung" do Sở Nội vụ TP.HCM xây dựng nhằm cụ thể hóa việc triển khai Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, Nghị định số 73 của Chính phủ, các kế hoạch liên quan của UBND TP.HCM.

Đề án nhằm tạo động lực thúc đẩy cán bộ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND Thành phố năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Phạm vi áp dụng của đề án là các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP.HCM.

Về mục tiêu, đề án sẽ xây dựng các chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Triển khai áp dụng thí điểm và đánh giá tác động, hiệu quả mang lại của các chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ; tạo cơ sở để các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp 100% vốn nhà triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Đề án đề xuất 5 nhóm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ gồm chính sách thưởng vượt trội; đào tạo, bồi dưỡng; cơ hội thăng tiến (quy hoạch, bổ nhiệm); xét duyệt đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước và chính sách bảo vệ.

Nhiều dấu ấn đổi mới, sáng tạo của TP.HCM

Trong quá trình hình thành và phát triển, TP.HCM đã ghi nhận những tấm gương cán bộ lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo và quyết đoán trong từng quyết sách, như quyết định "xé rào, bung ra", xây dựng đường dây 500 kV Bắc - Nam của cố Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt; quyết định ủng hộ và khởi xướng cho thời kỳ đổi mới ở TP.HCM từ trước năm 1986 của cố Chủ tịch UBND TP.HCM Mai Chí Thọ...

Từ năm 2017 đến nay, TP.HCM tiếp tục là địa phương đầu tiên đề xuất và được Trung ương chấp thuận việc triển khai tổ chức chính quyền đô thị với nội dung chính là không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường; thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển; thành lập thành phố Thủ Đức. TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên đề xuất thành lập Sở Du lịch để Chính phủ áp dụng chung cho cả nước; thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm và vừa được Quốc hội cho phép thí điểm thành lập Sở An toàn thực phẩm...

Phân tích về những nguyên nhân chủ quan, khách quan để xây dựng đề án, Sở Nội vụ TP.HCM cho biết: Thời gian gần đây, TP.HCM đang giảm bớt sự năng động, sáng tạo vốn có, một bộ phận cán bộ có tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền, có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các cơ quan khác...

Các chỉ số cải cách hành chính lần lượt tụt lùi, thua nhiều địa phương khác như trong năm 2022 chỉ số PCI của Thành phố chỉ đứng vị trí 27/63 tỉnh thành, chỉ số PAPI đứng thứ 42/63, chỉ số PAR Index đứng vị trí thứ 36/63, chỉ số mức độ hài lòng của người dân đứng thứ 43/63. Trong năm 2021 và 2022, có trên 195 cán bộ Thành phố bị xử lý kỷ luật, trên 10 cán bộ, công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp nhà nước bị khởi tố hình sự.

Cán bộ, công chức, viên chức tại TP.HCM đang đối mặt với khối lượng công việc quá tải, áp lực công việc quá lớn. Trung bình mỗi cán bộ thuộc TP.HCM phải phục vụ 700 người dân, cao gấp đôi so với cả nước; năng suất lao động của TP.HCM cao hơn khoảng 2,7 lần năng suất lao động của cả nước.

Do khối lượng công việc quá tải, cán bộ thuộc TP.HCM thường xuyên phải sắp xếp thời gian làm thêm buổi tối mỗi ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Trong khi đó, chế độ, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng. Theo Nghị quyết số 03 của Hội đồng nhân dân TP.HCM, cán bộ có mức thu nhập 13,58 triệu đồng/người/tháng, 14,75 triệu đồng/người/tháng đối với công chức, 14,42 triệu đồng/người/tháng đối với viên chức. Nếu không có Nghị quyết 03 này, mức thu nhập của các đối tượng trên lần lượt chỉ có 6,45 triệu đồng/người/tháng, 6,72 triệu đồng/người/tháng và 6,88 triệu đồng/người/tháng.

Đây là một trong nhiều lý do khiến cán bộ thuộc TP.HCM không còn thời gian cũng như động lực để đổi mới, sáng tạo, đề ra giải pháp, sáng kiến đột phá vì lợi ích chung.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-dam-chiu-trach-nhiem-170687.html