TP Cao Lãnh: nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đến với nhiều đối tượng

Hơn 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) của Chính phủ, tỉnh và TP Cao Lãnh được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) truyền tải đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hàng chục ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo,…

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn TP Cao Lãnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình TDCS, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội…

Mô hình tổ chức của NHCSXH trên địa bàn TP Cao Lãnh hiện nay gồm bộ máy quản trị là Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH TP Cao Lãnh và bộ máy điều hành tác nghiệp là Bộ phận cho vay trực tiếp tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp.

Tính đến ngày 30/11/2023, tổng dư nợ cho vay ủy thác qua tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) nhận ủy thác tại TP Cao Lãnh là gần 394,2 tỷ đồng với 10.900 khách hàng (KH) đang còn dư nợ, chiếm 97,4% tổng dư nợ TDCS trên địa bàn.

Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) dưới sự chứng kiến của đại diện tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và trưởng khóm, ấp, ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch xã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua, góp phần đảm bảo vốn TDCS đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời.

Đến 30/11/2023, toàn địa bàn thành phố có 217 Tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả, tại 76 khóm, ấp, trực thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 10.900 thành viên, bình quân mỗi tổ có 46 thành viên.

Đến 30/11/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn TP Cao Lãnh đạt gần 404,7 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với năm 2003.

Qua 20 năm thực hiện TDCS theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, trên địa bàn thành phố đã tập trung nguồn lực tín dụng, cho vay được 62.420 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay 912.274 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 496.844 triệu đồng, dư nợ bình quân là 37 triệu đồng/hộ.

Ông Bạch Văn Béo - Phó Chủ Tịch UBND xã Mỹ Ngãi, TP Cao Lãnh cho biết, nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, những năm qua, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Những đồng vốn chính sách đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn… có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hầu hết các hộ được vay vốn đều nhận thấy rằng, vào thời điểm khó khăn nhất thì những đồng vốn từ NHCSXH là “cứu cánh”, cụ thể như: hỗ trợ kích cầu vốn để đầu tư mua vật tư, phân bón, phương tiện, mua bán nhỏ… Nhờ những đồng vốn ban đầu của ngân hàng cho vay, các hộ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, dần dần ổn định cuộc sống.

Chị Huỳnh Thị Kiều Tiên, ở ấp 2, xã Mỹ Ngãi, trước đây thuộc diện hộ nghèo, được xét vay vốn TDCS để đối ứng với tiền mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho gia đình chị. Có nhà, vợ chồng chị có thêm động lực để làm ăn và đã thoát nghèo năm 2022. Chị Tiên bộc bạch: “Nhờ vốn vay NHCSXH mà vợ chồng tôi có nhà, có điều kiện để làm ăn, nuôi 3 đứa con. Tôi đang vay NHCSXH 50 triệu đồng để thuê đất canh tác lúa. Ông xã tôi hàng ngày chăm sóc lúa, làm thợ hồ, làm thuê. Còn tôi thì ngoài đi giúp việc, khi ở nhà tranh thủ đan giỏ, tách vỏ hạt điều… Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, không lo thiếu trước hụt sau như trước. ”

Ngoài đi làm bên ngoài, vợ chồng chị Huỳnh Thị Kiều Tiên và anh Ngô Thanh Sang nhận hạt điều về tách vỏ cải thiện thu nhập

Anh Đoàn Quang Huy (tổ 18, khóm Mỹ Phú, phường Mỹ Phú) chia sẻ, từ hộ cận nghèo, anh được xét vay vốn NHCSXH để mua bán tạp hóa, vươn lên thoát nghèo. Cũng từ nguồn vốn TDCS, vợ chồng anh Huy đăng ký 1 sạp ở chợ Mỹ Phú để mua bán dừa tươi, mua máy nạo cơm dừa bán. Công việc ngày càng phát triển, vợ chồng anh đăng ký thêm 1 sạp để mua bán dừa, sắm chiếc xe tải nhỏ đi mua dừa về bán ...

Chị Bùi Thị Kim Tiến (vợ anh Đoàn Quang Huy) nạo cơm dừa bán tại chợ Mỹ Phú (ảnh 2)

Nguồn vốn TDCS đã được đầu tư đến các xã, phường trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn ưu đãi một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 20.546 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho 9.872 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho 5.560 lao động, 663 lao động vay vốn làm chi phí đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; 8.779 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo 15.869 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 1.533 ngôi nhà cho hộ nghèo, nhà tránh lũ, nhà ở xã hội...

Vốn TDCS đã góp phần giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, từ đó từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi.

Thành Nam

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giam-ngheo-ve-thong-tin/tp-cao-lanh-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-kip-thoi-den-voi-nhieu-doi-tuong-119188.aspx