Top 10 loài rắn nguy hiểm nhất hành tinh, chớ dại động vào

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có tới 5.4 triệu người bị rắn cắn, dẫn đến cái chết của khoảng 138.000 người. Dưới đây là 10 loài rắn nguy hiểm nhất, nếu gặp cần phải né ngay và luôn.

1. Rắn Taipan nội địa. Rắn Taipan nội địa (Oxyuranus microlepidotus) là một trong những loài rắn độc nhất thế giới. Chúng sống ẩn mình trong các khe đất sét của vùng ngập lũ ở Queensland và miền Nam nước Úc. Khi cảm thấy bị đe dọa, nó sẽ cuộn cơ thể thành hình chữ S, giống như một lò xo bị nén, trước khi phóng ra với một cú đớp cực nhanh.

Thành phần chính bên trong nọc độc của loài rắn này là enzym hyaluronidase. Enzym này làm tăng tỷ lệ hấp thụ chất độc trong cơ thể nạn nhân. Thông thường, chỉ cần một giọt nọc độc của nó là đã đủ giết chết con mồi. Ngay cả một người trưởng thành cũng sẽ rơi vào tình trạng hôn mê, dẫn tới tử vong nếu vô tình dính phải nọc độc đáng sợ này.

2. Rắn mamba đen. Loài rắn nguy hiểm nhất Châu Phi - rắn mamba đen (Dendroaspis polylepis) - có thể giết chết một người chỉ với hai giọt nọc độc. Rắn dài trung bình khoảng 2,5m và có thể di chuyển với vận tốc 19km/h.

Những con rắn mamba đen được sinh ra với hai đến ba giọt nọc độc trong mỗi chiếc nanh. Đến tuổi trưởng thành, chúng có thể tích trữ tới 20 giọt trong mỗi răng nanh. Nếu không được điều trị, vết cắn của loài rắn Châu Phi này có thể gây chết người.

3. Rắn Boomslang (Dispholidus typus). Loài rắn này có thể được tìm thấy ở khắp châu Phi, và là một trong những loài rắn độc nhất thế giới. Nọc độc của nó chứa chất chống đông máu, khiến nạn nhân chết do xuất huyết trong và ngoài.

Nạn nhân trúng vết cắn của rắn Boomslang sẽ ngay lập tức bị xuất huyết trầm trọng. Máu sẽ rỉ ra từ mắt, mũi, nướu răng... và thậm chí có trong nước tiểu, nước bọt và chất nôn của nạn nhân, cho đến khi họ tử vong.

4. Rắn lục Russell. Khoảng 58.000 ca tử vong ở Ấn Độ là do rắn cắn mỗi năm và loài rắn lục Russell (Daboia russelii), hay còn gọi là rắn hổ bướm, là nguyên nhân gây ra phần lớn các trường hợp tử vong này. Loài này được coi là một trong những loài rắn lục nguy hiểm nhất.

Nọc độc của loài rắn này có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng khủng khiếp: suy thận cấp tính, chảy máu nghiêm trọng và tổn thương đa cơ quan. Một số thành phần của nọc độc liên quan đến đông máu cũng có thể dẫn đến đột quỵ cấp tính, và trong một số trường hợp hiếm hoi, các triệu chứng tương tự như hội chứng Sheehan, trong đó tuyến yên ngừng sản xuất một số hormone nhất định. Nạn nhân thường chết vì suy thận.

5. Rắn lục vảy cưa. Rắn lục vảy cưa (Echis carinatus) được cho là loài chịu trách nhiệm lớn nhất các vụ tử vong liên quan đến rắn ở Ấn Độ. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 trên Tạp chí Động vật có nọc độc và Độc tố, thay vì âm thanh "rít" như nhiều loài rắn khác, loài rắn này tạo ra tiếng "rè rè" bằng cách cọ xát các vảy răng cưa đặc biệt khi bị đe dọa.

Một khi bị loài rắn này cắn, bạn sẽ bị sưng và đau cục bộ ở khu vực đó, sau đó là khả năng xuất huyết. Vì nọc độc gây rối với khả năng đông máu của con người, nó có thể dẫn đến chảy máu trong và cuối cùng là suy thận cấp tính.

6. Hổ mang chúa. Rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) là loài rắn độc dài nhất thế giới với kích thước lên tới 5,4 m. Thị lực ấn tượng của loài này cho phép nó phát hiện một người đang di chuyển từ khoảng cách gần 100m.

Khi bị đe dọa, rắn hổ mang chúa sẽ sử dụng xương sườn và cơ đặc biệt ở cổ để "phùng mang", là vùng da quanh đầu. Sự “tai tiếng” của nó không phải đến từ hiệu lực của nọc độc mà là lượng nọc độc được tiêm vào nạn nhân: Mỗi vết cắn chứa khoảng 7ml nọc độc và con rắn có xu hướng tấn công với ba hoặc bốn vết cắn nhanh chóng. Thậm chí một vết cắn có thể giết chết một người trong 15 phút và một con voi trưởng thành chỉ trong vài giờ.

7. Rắn cạp nong. Rắn cạp nong (Bungarus fasatus) là loài di chuyển chậm vào ban ngày và thường tấn công khi trời tối.

Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí PLOS Neglected Tropical Diseases, nọc độc của loài rắn này có thể làm tê liệt các cơ và ngăn cản cơ hoành chuyển động. Điều này ngăn không khí đi vào phổi, dẫn đến ngạt thở và tử vong.

8. Rắn cạp nia. Loài này phân bố chủ yếu ở các vùng đồng bằng tại các nước như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Chúng có thể sống ở các bụi cây, trong các đống gạch, lỗ chuột, thậm chí là bên trong ngôi nhà.

Ban ngày tỏ ra ngoan ngoãn, nhưng đến ban đêm là thời điểm nó thống trị. Nọc độc của loài rắn cạp nia chủ yếu là các loại độc tố gây tê liệt thần kinh. Khi bị cắn, nạn nhân thường bị đau bụng dữ dội kèm theo đó là bại liệt. Sau 4 - 8h, nạn nhân có thể bị tử vong nếu không được chữa trị kịp thời, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết là do suy hô hấp.

9. Rắn tử thần (Acanthophis)là một chi của họ Rắn hổ. Chúng có nguồn gốc từ Úc, New Guinea và các đảo lân cận, và là một trong những loài rắn độc nhất trên thế giới. Rắn tử thần có nguồn gốc từ Úc, là loài rắn đất độc nhất ở Úc và trên toàn cầu. Có cơ thể dày với các dải màu đỏ, nâu, xanh đen và xám.

Rắn tử thần là một bậc thầy về thuật ngụy trang, chúng thường giấu mình dưới các đống lá lỏng lẻo và các mảnh vụn ở trong rừng, bụi cây và trảng cỏ. Thức ăn chính của chúng là chim và các động vật có vú nhỏ. Các vết cắn của loài rắn này gây tê liệt thần kinh và sau khi bị cắn khoảng 6h nếu không được chữa trị, nạn nhân sẽ bị tử vong.

10. Rắn biển Belcher là loài rắn nguy hiểm nhất dưới nước. Nó có cơ thể mỏng, có màu hơi vàng hoặc xanh tối, thường được tìm thấy ngoài khơi bờ biển miền bắc nước Úc và Đông Nam Á.

Sở hữu lượng độc cực mạnh, chỉ với một vài miligam đã có thể giết chết hàng nghìn người, nhưng may mắn thay giống như hầu hết các loài rắn biển khác, rắn biển Belcher tương đối vô hại và tránh tiếp xúc với con người, chỉ khi nào cảm thấy bị đe dọa chúng mới tấn công lại. Nếu không may bị loài rắn này cắn, vết thương sẽ không gây ra đau đớn gì lớn nhưng đừng coi thường, bạn cần gọi nhân viên y tế để chữa trị ngay lập tức, nếu không chỉ trong vòng 30 sau khi bị cắn bạn có thể bị tử vong.

Lê Trang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/top-10-loai-ran-nguy-hiem-nhat-hanh-tinh-cho-dai-dong-vao-1775032.html