Top 10 kỹ năng cha mẹ nên trang bị cho bé khi đi dã ngoài

Cho trẻ đi dã ngoại bên cạnh những lợi ích thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm. Cha mẹ nên trang bị những kỹ năng này để bé có thể tự bảo vệ bản thân trước những sự cố.

1. Để trẻ tự lập trong việc chuẩn bị vật dụng cần thiết khi đi dã ngoại

Trước mỗi chuyến đi, cha mẹ hãy hướng dẫn con chuẩn bị những vật dụng cần thiết. Hãy cùng thảo luận với con về những địa điểm con sẽ đến, những đồ dùng con sẽ cần và cần trong những trường hợp nào, sau đó để con tự chuẩn bị và sắp xếp các vật dụng đó vào ba lô cá nhân. Cha mẹ không nên làm giúp con vì con sẽ luôn dựa dẫm, phụ thuộc vào cha mẹ mỗi lần đi dã ngoại. Cha mẹ sẽ giám sát và kiểm tra cuối cùng để đảm bảo con không bị thiếu đồ trước khi đi.

Cha mẹ cũng nên hướng dẫn con để con biết xem hạn sử dụng của các loại thuốc uống và thuốc bôi, cách sử dụng một số vật dụng như bông gạc, thuốc sát trùng, thuốc chống côn trùng… để con có thể tự mình chăm lo cho bản thân và giúp đỡ các bạn trong trường hợp cần thiết.

2. Hướng dẫn con cách sử dụng các vật nguy hiểm

Nhiều cha mẹ thường ngăn cản con sử dụng những vật dụng có tính sát thương như dao, kéo, búa… vì sợ con sẽ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, đây lại là những vật dụng không thể thiếu khi đi dã ngoại. Vì vậy, thay vì việc cấm đoán con thì cha mẹ hãy hướng dẫn con cách sử dụng và cảnh báo với con mức độ nguy hiểm nếu sử dụng sai cách. Khi con đã đủ lớn, cha mẹ cũng có thể dạy con cách sử dụng cơ bản như cắt, thái, đóng đinh…

Cha mẹ nên trang bị cho bé các kỹ năng bảo vệ bản thân khi đi dã ngoại.

3. Hướng dẫn con phân biệt các loại côn trùng khi đi dã ngoại

Khi tham gia dã ngoại, con có thể sẽ gặp phải rất nhiều loại côn trùng như: Muỗi, ong, sâu, vắt…và các loài lưỡng cư như ếch, động vật bò sát như rắn, động vật gặm nhấm như chuột… Do vậy, trước khi con đi dã ngoại, cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu thêm về những loài động vật này và các kỹ năng phản ứng khi gặp chúng.

Cha mẹ hãy hướng dẫn con quan sát kỹ càng, cẩn thận mỗi nơi con dừng chân. Nếu có bụi rậm, con phải biết dùng cành cây dài khua vào bụi trước khi muốn ngồi gần hoặc lấy vật lỡ rơi vào bụi rậm. Khi thấy côn trùng, con phải tránh xa và biết cách hét to để cảnh báo mọi người. Trường hợp con bị cắn, con sẽ rất hoảng loạn nếu không có cha mẹ, thầy cô hay người hướng dẫn ở gần. Cha mẹ hãy chỉ cho con thực hiện các hành động sau: Rời khỏi vị trí có côn trùng, dùng nước bọt sát trùng nếu như quên mang theo thuốc, tuyệt đối không gãi vết cắn và lập tức báo ngay cho người lớn. Đây là một kỹ năng dã ngoại quan trọng mà con nên biết, vì vậy, cha mẹ hay thường xuyên thảo luận với con để con ghi nhớ và cho con tập thực hành khi ở nhà.

4. Hướng dẫn bé cách xử lý khi đi lạc

Một kỹ năng tự lập khi đi dã ngoại khác mà cha mẹ cần dạy con đó là hướng dẫn con cách xử lý khi bị lạc. Thông thường, các con sẽ đi lung tung, không định hướng để tìm đường do lo lắng, hoảng sợ. Tuy nhiên, đây là một hành động không hề tốt và có thể khiến con càng thêm hoảng loạn.

Do vậy, con cần phải học được kỹ năng kiểm soát cảm xúc và giữ bình tĩnh trong tình huống này. Cha mẹ hãy hướng dẫn con đứng yên ngay tại vị trí bị lạc. Nếu con bị lạc theo nhóm đông thì phải động viên nhau đứng yên, sẽ có người đến cứu. Đây cũng là thời điểm con cần đến kỹ năng giao tiếp, biết cách tạo chú ý để người lớn phát hiện và đến cứu.

Đi dã ngoại sẽ có nhiều cơ hội phát sinh những sự cố, vì vậy các bé cần cảnh giác cao độ.

5. Cảnh giác với người lạ

Ngày nay, trẻ em có thể phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như bắt cóc, bạo hành hay quấy rối và trẻ có thể gặp phải những tình huống xấu này nếu không biết cách phòng người lạ. Vì vậy, cha mẹ cần hướng dẫn con kỹ năng này để biết tự bảo vệ bản thân khi không có người thân bên cạnh không chỉ trong quá trình đi dã ngoại mà cả trong cuộc sống hàng ngày.

Cha mẹ hay hướng dẫn con khi linh cảm có người lạ theo dõi, con cần chạy ngay đến đám đông, báo với trưởng đoàn. Vì trẻ con rất dễ bị "dụ" khi cho quà và nhiệm vụ của cha mẹ là dạy con biết cách nói "không" đúng lúc, không nên nhận quà, tiếp xúc, trò chuyện với người lạ. Trường hợp bị bắt, con cần bình tĩnh và tìm cách bỏ chạy. Cha mẹ cũng nên dạy thêm cho con một số tư thế phản kháng. Chỉ có như vậy, con mới có thể tự lập khi đi dã ngoại mà cha mẹ không phải lo lắng nhiều.

6. Phòng tránh dị ứng và ngộ độc thức ăn

Sẽ có nhiều trẻ bị dị ứng với đồ ăn hoặc một thành phần nào đó của môi trường, nên cha mẹ cần lưu ý riêng với người phụ trách vấn đề này. Tuy nhiên, trẻ cũng phải tự nhận thức về vấn đề của mình để chủ động tránh xa các món ăn dễ gây dị ứng. Điều này khá khó, nhất là khi trẻ nhìn thấy các bạn được ăn nhưng mình lại không. Do đó, cha mẹ hãy kiên nhẫn giải thích để trẻ hiểu rõ về thể trạng của mình.

Cha mẹ hãy dạy trẻ các biểu hiện của ngộ độc thức ăn khá dễ nhận biết như đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, nôn mửa hay da mẩn ngưa. Người hướng dẫn sẽ dễ dàng nắm bắt tình hình và hỗ trợ trẻ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không biểu hiện rõ ràng và khó nhận biết, trẻ cần nghỉ ngơi khi thấy cơ thể "không khỏe" và báo với người lớn về tình trạng sức khỏe.

Đi dã ngoại có thể phát sinh sự cố nhưng những lợi ích mà nó đem lại cũng rất lớn.

7. Tập thói quen quan sát khi đi dã ngoại

Khi trẻ đi dã ngoại, trẻ có thể sẽ gặp phải nhiều địa hình không dễ di chuyển. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý con quan sát xung quanh để tránh những nguy hiểm té ngã do đường trơn, dốc, nhiều sỏi đá…

Con cũng có thể gặp nhiều loài động – thực vật mới lạ và tò mò muốn chạm vào. Tuy nhiên, có thể sẽ có nguy cơ những loài vật đó có độc và gây nguy hiểm cho con. Vì thế, cha mẹ cần nhắc nhở con nên tuân thủ hướng dẫn của người lớn, không tùy tiện chạm vào con vật hay loài cây nào đó.

Tính hiếu động, tò mò thường khiến trẻ thích thú, hiếu kỳ trước nhiều loại cây, trái, nấm... mọc hoang trong rừng. Trẻ cần được nhắc nhở thường xuyên, nghiêm cấm hái các loại trái cây/nấm gặp phải trên hành trình dã ngoại, kể cả những trái cây có hình dạng giống với nhiều loại quả thường dùng ở nhà. Không nên bứt lá, bẻ cành vì nhựa cây có thể chứa độc tố.

8. Tự sơ cứu khi đi dã ngoại

Khi chảy máu, trẻ cần rửa sạch vết thương; dùng bông lau nhẹ rồi băng bó lại bằng băng keo cá nhân (nếu vết thương nhỏ) hoặc bông băng y tế (nếu vết thương lớn); không nên quấn băng keo quá chặt. Trường hợp bị bỏng, trẻ cần nhanh chóng xối nước mát lên vết bỏng, giữ nguyên quần áo nơi bị bỏng nếu vết bỏng sâu. Sau đó, dùng bông gạc băng bó lại và lập tức báo cáo trưởng đoàn.

Các bé nên được trang bị các kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước những sự cố.

9. Dựng lều trại

Chọn vùng đất khô, thoáng, bằng phẳng nhất; không dựng lều gần cây cao, to, đề phòng cành khô rơi hay mưa lớn trút nước/sấm sét; tránh vùng cỏ rậm vì nơi đó thường có nhiều côn trùng. Không ăn uống trong lều vì mùi vị/ thức ăn vụn lôi kéo côn trùng. Không đốt lửa trong lều hay gần lều.

10. Nguy hiểm tự thân

Có nguy hiểm đến từ nỗi sợ hãi vô cớ, do trẻ thiếu tự tin và ám ảnh bởi lời dặn dò/ nghiêm cấm của phụ huynh; trong khi bản thân thì lại rất tò mò, thích khám phá. Đơn cử, trẻ muốn leo cây, đuổi bắt vật gì đó gặp phải trong chuyến đi, nhưng trước đó đã được phụ huynh cảnh báo/nghiêm cấm rằng việc này rất nguy hiểm.

Diễm Hằng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/top-10-ky-nang-cha-me-nen-trang-bi-cho-be-khi-di-da-ngoai-172231025164208857.htm