TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 17/10: BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 27 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Tiếp tục chương trình Phiên họp 27, sáng 17/10/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trước khi tiến hành bế mạc phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến về 02 nội dung theo dự kiến chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 17/10/2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 17/10/2023

Theo đó, tại phiên bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương (1) do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Đồng thời cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (2) do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung chi tiết:

9h51: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương.

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương.

9h52: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương

Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tại khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 giao Chính phủ: Khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ theo đúng quy định các khoản chi của ngân sách trung ương chưa phân bổ cho các Bộ, ngành, địa phương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất số tiền hơn 70,7 nghìn tỷ đồng. Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc xây dựng dự toán, khắc phục tình trạng số kinh phí chưa phân bổ lớn khi trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước. Căn cứ Nghị quyết số 70/2022/QH15, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội quyết định đối với số tiền tại Mục VI kèm theo Nghị quyết số 70/2022/QH15; đề nghị của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ khác của ngân sách trung ương. Trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa 02 kỳ họp Quốc hội, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các khoản chi nêu trên, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Căn cứ đề nghị bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 của 32 Bộ, cơ quan ở trung ương với tổng số kinh phí là 4.642.858 triệu đồng, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 205/TTr-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2023 trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương, tổng số kinh phí là 2.508.087,24 triệu đồng.
Căn cứ Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội, Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ; Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương là 2.508.087,24 triệu đồng.

Trên cơ sở nội dung báo cáo nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương như nêu tại Tờ trình này. Báo cáo Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương. Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm 2023) Quốc hội khóa XV.

9h56: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương.

Trình bày báo cáo thẩm tra việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 70/2022/QH15, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương là bảo đảm căn cứ pháp lý.

Về thời hạn và số kinh phí trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện để phân bổ ngân sách nhưng đến nay gần kết thúc năm ngân sách 2023 (05/10/2023) Chính phủ mới trình bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương, chỉ bằng khoảng 3,5% tổng số tiền chưa phân bổ là quá muộn so với quy định, gây lãng phí nguồn lực NSNN.

Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, không để tồn tại các khoản chi chưa xác định được nhiệm vụ, nội dung chi trong dự toán NSNN hằng năm để chờ phân bổ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về số kinh phí còn lại chưa trình UBTVQH, Quốc hội, làm rõ về khả năng sử dụng khoản kinh phí này trong niên độ NSNN năm 2023. Đa số ý kiến đề nghị, trường hợp không sử dụng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển cho các nhiệm vụ khác cần thiết, cấp bách, tránh gây lãng phí nguồn lực.

Có ý kiến đề nghị, đến nay đã gần hết niên độ NSNN năm 2023, trường hợp không phân bổ, không còn nhu cầu sử dụng cần hủy dự toán, giảm bội chi NSTW để chủ động trong việc huy động nguồn lực bù đắp bội chi, giảm chi phí lãi vay.

Về nội dung trình, Chính phủ trình bổ sung dự toán chi thường xuyên cho 35 bộ, cơ quan trung ương và 14 địa phương; đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, theo quy định tại khoản 5 Điều 19, khoản 4 Điều 25 Luật NSNN và quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 70/2022/QH15, Quốc hội không phân bổ chi tiết cho từng nhiệm vụ chi cụ thể của từng bộ, cơ quan trung và địa phương.

Để bảo đảm đủ căn cứ xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ bổ sung thuyết minh chi tiết từng khoản chi (tài liệu kèm theo là các văn bản của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, không phải là tài liệu chính thức của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Đồng thời, dự kiến ngày 23/10/2023, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 6, do vậy để bảo đảm chặt chẽ theo quy định, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Trên cơ sở tổng mức chi được Quốc hội quyết định, đề nghị giao Chính phủ rà soát, phân bổ chi tiết từng nhiệm vụ chi cụ thể cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, để sớm hoàn thiện thủ tục phân bổ, Quốc hội có thể phân bổ chi tiết cho từng nhiệm vụ chi của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương như đề xuất của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, trên cơ sở những lý do nêu trên, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung:

(1) Cho phép Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 tại Kỳ họp thứ 6.

(2) Giao Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn toàn việc rà soát số liệu, hoàn thiện thủ tục, bảo đảm đủ điều kiện để phân bổ và giao vốn đúng quy định pháp luật.

(3) Đối với số còn lại chưa phân bổ theo quy định tại Nghị quyết số 70/2022/QH15, đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Quá thời hạn theo quy định pháp luật, đề nghị hủy dự toán.

10h01: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung như: sự cần thiết và thẩm quyền bổ sung dự toán, hồ sơ tài liệu, tờ trình của Chính phủ đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét hay chưa...

Về hình thức của Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc có nên tập hợp các vấn đề ngân sách để có một Nghị quyết riêng về ngân sách hay không. Hiện nay Chính phủ còn có một số Tờ trình liên quan đến thu, chi ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để trình Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề này cũng như các nội dung các đại biểu quan tâm.

10h04: Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh Kiểm toán nhà nước cho biết, Kiểm toán nhà nước đã nghiên cứu, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ ngày 5/10/2023, về cơ bản Kiểm toán nhà nước đã thống nhất nội dung mà Ủy ban Tài chính và Ngân sách vừa cáo cáo UBTVQH.

Kiểm toán nhà nước đề nghị cần làm rõ việc bổ sung dự toán do những nhiệm vụ mới phát sinh hay là các nhiệm vụ đã được xác định từ trước nhưng chưa có đủ hồ sơ để phân bổ ngay từ đầu năm 2023… Từ đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu và các bộ ngành địa phương để rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, với số tiền 508 tỷ đồng sau khi được phân bổ, đề nghị các bộ ngành, các cơ quan Trung ương tập trung triển khai giải ngân ngay khoản này, tránh chuyển nguồn sang các năm sau.

Theo ý kiến của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, số còn lại chưa phân bổ chiếm 96,45%, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị cần có giải pháp đối với khoản này. Trong khi đó từ nay đến hết năm còn 2 tháng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh băn khoăn liệu có phân bổ, giải ngân được hết trong năm 2023 hay không?

10h08: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, lý do chậm giải ngân là do các bộ ngành chậm ban hành các cơ chế chính sách, bổ sung; chậm ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật..

10h11: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, rà soát, bổ sung đầy đủ hồ sơ tài liệu theo đúng quy định.

Bộ Tài chính, Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng dự toán, điều hành ngân sách, khắc phục tình trạng số kinh phí chưa phân bổ lớn như một khoản dự phòng thứ 2 của ngân sách khi trình Quốc hội. Đồng thời, dự báo tính toán không sát dẫn đến gần hết năm số ngân sách, kinh phí còn chưa có nhu cầu sử dụng, chưa đủ điều kiện phân bổ còn rất lớn, cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ để đảm bảo sử dụng hợp lý các nguồn bố trí.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội và chịu trách nhiệm đối với từng khoản đề nghị bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương, về tính chính xác của số liệu, sự cần thiết, tính đầy đủ, hợp lệ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

10h20: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội

Tiếp tục Phiên họp thứ 27, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Dự nội dung phiên họp có Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh; đại diện các bộ: Thông tin và Truyền thông, Ban Nội chính Trung ương.

Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo.

10h21: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến góp ý của 63/63 Đoàn đại biểu Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội; các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiếp tục đề nghị bổ sung một số nội dung vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6.

Về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 6, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp thu ý kiến của Chính phủ và một số cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị điều chỉnh dự kiến nội dung như sau:

- Bổ sung việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

- Bổ sung 03 Báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về: Lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm; Tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11; Tiến độ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh

- Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thể hiện trong Nghị quyết chung của Kỳ họp (không ban hành Nghị quyết riêng).

Về dự kiến chương trình chi tiết, trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến góp ý, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến tiếp thu, điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét một số nội dung cho phù hợp, trong đó, không bố trí trình bày các báo cáo về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 mà chỉ bố trí Quốc hội thảo luận nội dung này cùng với các nội dung về kinh tế - xã hội; bố trí Quốc hội thảo luận riêng tại Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); đồng thời đề nghị:

- Giữ nguyên tổng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 03 ngày.

- Tách riêng việc trình bày các báo cáo hằng năm về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước với các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22,5 ngày; khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29/11/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội; Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt, cụ thể:

- Đợt 1 là 15 ngày: Từ ngày 23-10 đến ngày 10-11-2023;

- Đợt 2 là 7,5 ngày. Từ ngày 20-11 đến sáng ngày 29-11-2023.

Về chuẩn bị tài liệu kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chù nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu để kịp trình Quốc hội. Đến thời điểm này các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Mặc dù công tác chuẩn bị kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, các cơ quan hữu quan chuẩn bị từ sớm nhưng hiện nay vẫn còn tài liệu của 6 nội dung của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Quốc hội xem xét, quyết định và 28 nội dung gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu vẫn chưa được gửi Văn phòng Quốc hội để gửi các vị đại biểu Quốc hội (có phụ lục kèm theo); nhiều báo cáo thẩm tra và một số báo cáo của Chính phủ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hơn nữa để hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung, kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc Kỳ họp.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh,… Đến nay, đã cơ bản hoàn tất để sẵn sàng phục vụ kỳ họp.

10h34: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung thảo luận

Điều hành thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây, kết quả họp Đảng đoàn Quốc hội, đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý lại nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 để báo cáo với Quốc hội xem xét quyết định tại phiên họp trù bị. Nội dung này cũng đã được Bộ Chính trị cho ý kiến và đánh giá cao dự kiến chương trình của kỳ họp.

Sau khi rà soát lại một số các nội dung, dự kiến thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này là 22,5 ngày, khai mạc ngày 23/10 và bế mạc 29/11.

10h38: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần sắp xếp thời gian, thời điểm cho việc lấy phiếu tín nhiệm để đảm bảo hợp lý trong quá trình tổ chức, triển khai.

Về nội dung giám sát, việc xây dựng cơ chế đặc thù tiếp tục triển khai, đẩy nhanh giải ngân và nâng cao chất lượng thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ gửi hồ sơ tài liệu muộn, thiếu đánh giá tác động, thiếu ý kiến của các bộ, ngành, thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện áp dụng chính sách. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng chưa nên đưa nội dung này vào Nghị quyết giám sát, đề nghị giao Chính phủ xây dựng hồ sơ về nghị quyết thí điểm để trình Quốc hội tại Kỳ họp kế tiếp.

10h46: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ cơ bản đồng tình với các nội dung Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV mà Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa trình bày...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhất trì với nội dung sự kiến sắp xếp của Chương trình Kỳ họp; cho rằng tiến độ trình các nội dung thảo luận ở Tổ và Hội trường đã đảm bảo hợp lý.

Tuy nhiên, nội dung về thí điểm một số cơ chế, chính sách liên quan đến công trình giao thông, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần rà soát, chỉnh lại tên nội dung này theo tinh thần mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận để đảm bảo tính chính xác.

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, nếu được, kiến nghị trong phiên thảo luận tổ và thảo luận hội trường về dự án Luật Thủ đô nên kết hợp thảo luận cả Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện 3 nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng.

10h49: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu

Để đảm bảo công tác y tế và phòng chống dịch trong trời gian diễn ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác y tế phục vụ kỳ họp. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ chuyển dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, do đó, Bộ Y tế đề xuất không tổ chức xét nghiệm COVID-19 trước và sau kỳ họp.

Liên quan đến dịch bệnh Đậu mùa khỉ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết đây là dịch bệnh Nhóm B, Bộ Y tế đã có kế hoạch đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh nói chung chứ không đề cập riêng đến dịch bệnh Đậu mùa khỉ. Bộ Y tế cũng sẽ sớm ban hành kế hoạch triển khai công tác y tế và phòng chống dịch trong trời gian diễn ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

10h51: Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, Bộ Công an được giao nhiệm vụ cơ quan chủ trì soạn thảo một số dự án luật, đến thời điểm này đã thực hiện đúng theo quy định được giao.

Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an về đảm bảo an ninh, trật tự, Bộ Công an đang tiến hành triển khai thuận lợi, đúng kế hoạch, không có vướng mắc phát sinh.

10h52: Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu

Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn chỉ đạo tuyên truyền đậm nét trước, trong và sau Kỳ họp, đưa ra định hướng tuyên truyền cho các cơ quan báo chí. Tại các hội nghị giao ban báo chí, Ban Tuyên giáo luôn quán triệt các cơ quan báo chí tuyên truyền một cách chính xác, đồng bộ, thống nhất, đúng định hướng.

Ban Tuyên giáo cũng phối hợp với Văn phòng Quốc hội biên soạn các tài liệu tuyên truyền, tổ chức các hội nghị định hướng tuyên truyền để đảm bảo công tác chuẩn bị, thông tin tuyên truyền cho kỳ họp được tiến hành hiệu quả, đạt kết quả tốt.

10h55: Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang nhất trí với chương trình Kỳ họp thứ 6 mà Tổng Thư ký vừa trình bày. Đồng thời bày tỏ đồng tình chương trình hợp lý, khoa học, và sắp xếp được nghỉ ngày thứ 7 để ĐBQH có thời gian nghiên cứu tài liệu nhiều hơn.

Về nội dung, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang cho biết, qua theo dõi, nhân dân rất quan tâm đến nội dung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Qua những nhiệm kỳ gần đây, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang nhận thấy, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đảm bảo thời gian, trả lời rõ, nhanh, gọn, đảm bảo chất lượng. Do đó, đồng tình tin tưởng, Kỳ họp này, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng chất lượng và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cho rằng nhân dân cũng rất quan tâm đến việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang nêu rõ, đây là một hình thức dân chủ trực tiếp, mong rằng, việc tổ chức lấy phiếu thực chất và đảm bảo kết quả.

Qua nắm tình hình, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang cho biết, tình hình nhân dân trước kì họp cơ bản ổn định, nhiều vấn đề đã được các địa phương giải quyết tại cơ sở, hy vọng tại Kỳ họp này, nhân dân theo dõi nội dung Kỳ họp nhiều hơn. Ban Dân vận Trung ương đã có kế hoạch tiếp tục vận động nhân dân, nắm tính hình, theo dõi sát kết quả của Kỳ họp thứ 6 này.

10h58: Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu

Báo cáo tại phiên họp Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao nhiệm vụ cho Thành phố Hà Nội chuẩn bị các điều kiện, phối hợp với các ngành đểm đảm bảo an ninh trật tự, môi trường, chỉnh trang để đảm bảo phục vụ tốt nhất kỳ họp thứ 6.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, UBND Thành phố đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, các quận huyện thực hiện. Đến nay công tác triển khai đã thực hiện theo đúng yêu cầu đề ra.

11h00: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Bộ Tư pháp nhất trí với dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6. Với 6 nội dung Bộ Tư pháp được giao chủ trì, đến thời điểm này đã báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội với chất lượng và tiến độ cao nhất.

Trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 6, Bộ Tư pháp sẽ bố trí tối đa lực lượng để phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các Bộ, ngành kịp thời chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật bảo đảm yêu cầu, tiến độ đề ra.

11h01: Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh bày tỏ cơ bản thống nhất với các nội dung dự kiến Kỳ họp thứ 6 và Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã chuẩn bị cơ bản các nội dung báo cáo chuẩn bị phục vụ Kỳ họp sắp tới và đã gửi các báo cáo này đến Quốc hội. Đối với hai nội dung báo cáo đang trong quá trình chuẩn bị, Kiểm toán Nhà nước sẽ cố gắng hoàn thành để gửi Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

11h03: Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu

Báo cáo tai Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 6. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, Chính phủ phải chuẩn bị 81 báo cáo, tờ trình để báo cáo Quốc hội, gửi Đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng từ sớm, đến nay đã gửi 79/81 hồ sơ. Trong 79 hồ sơ, các bộ, ngành đang tập trung hoàn thiện 10 tờ tình, báo cáo (chủ yếu về kinh tế - xã hội, đầu tư công, ngân sách).

Còn 2 báo cáo về Quy hoạch không gian biển quốc gia và Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa con người Việt Nam đang được Hội đồng thẩm định quốc gia họp và đang trong quá trình hoàn thiện để gửi Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ họp, tăng cường công tác tiếp công dân, đảm bảo an ninh trật tự, công tác y tế, công tác thông tin tuyên truyền về nội dung kỳ họp…

11h09: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 27

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau 4,5 ngày làm việc tích cực khẩn trương và hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp thứ 27. Đến nay tất cả các công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 đã hoàn tất và sẵn sàng cho ngày khai mạc vào 23/10 tới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đối với từng nội dung của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã có kết luận. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm ban hành thông báo kết luận nội dung phiên họp để các cơ quan có cơ sở triển khai thực hiện, hoàn thiện các hồ sơ tài liệu trình Quốc hội.

Về chương trình kỳ họp, trên cơ sở kết quả của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Tổng Thư ký đã tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với dự kiến chương trình.

Đối với một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự kiến sẽ đưa vào trong dự thảo Nghị quyết giám sát để trình Quốc hội xem xét về chủ trương việc thực hiện thí điểm thực hiện khoán gọn chương trình theo địa bàn cấp huyện ở một số địa bàn để có cơ sở cho Chính phủ tổ chức thực hiện. Ngoài ra với một số kiến nghị chính sách khác, đề nghị Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình Quốc hội xem xét quyết định vào kỳ họp.

Về dự án Luật Căn cước công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của cơ quan trình và căn cứ vào kết quả của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tên dự án luật có trong chương trình để bảo đảm phù hợp.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với thời gian bố trí cho phiên chất vấn là 2,5 ngày. Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong dự kiến các nội dung trọng tâm của chất vấn và trả lời chất vấn, trong phiếu xin ý kiến của Tổng Thư ký cần phải viết cụ thể hơn về mặt nội hàm, về nội dung. Đồng thời trước phiên chất vấn phải có báo cáo liên quan đến từng lĩnh vực của các bộ, ngành.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về nội dung của kỳ họp sẽ phải chấp hành nghiêm Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, không bổ sung thêm nội dung vào chương trình trừ trường hợp cấp thiết, cấp bách, có ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Đảng đoàn Quốc hội sẽ có phiên họp với Ban Cán sự đảng Chính phủ để có trao đổi về việc tổ chức kỳ họp

Nêu rõ, công tác chuẩn bị cho kỳ họp đến nay đã cơ bản hoàn tất, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan đến công tác bảo đảm cho kỳ họp tiến hành một cách thuận lợi nhất, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối và thành công tốt đẹp nhất.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80995