Tổng thống Trump tuyên bố từ bỏ TPP: Cửa hẹp cho nông sản Việt?

Trước thông tin Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi TPP trong ngày đầu tiên nhậm chức, hầu hết ý kiến chuyên gia đều cho rằng, trong tình huống đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ thêm thời gian để chuẩn bị cho hội nhập quốc tế. Việc xuất khẩu sang Mỹ có thể khó khăn hơn, nhưng không hẳn là sẽ “hết lối”.

Nốt lặng…

Ngày 22.11, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức 20.1.2017 tới đây.

Thủy sản được đánh giá sẽ không phải là ngành chịu ảnh hưởng nhiều từ TPP (ảnh minh họa chụp tại Tập đoàn Thủy sản Minh Phú). Ảnh: MPC

Tuyên bố này của ông Trump đã dập tắt hy vọng vị tổng thống mới của Mỹ sẽ “suy nghĩ lại” việc đàm phán thông qua TPP. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc ông Trump quyết tâm dừng TPP có khi lại là một “cơ hội khác” cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phân tích, năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước đang còn rất yếu. Do đó, có TPP hay không thì vẫn phải cải tổ, tái cơ cấu sản xuất nhanh chóng.

Vẫn còn “cửa” thông qua TPP
“Theo luật pháp của Mỹ thì vẫn có nhiều con đường thông qua TPP. Chẳng hạn, cơ quan hành pháp có thể trình lên Hạ viện, các nghị sĩ có thể đưa ra ý kiến tại Hạ viện, thậm chí người dân Mỹ nếu đồng lòng ký tên đủ một số lượng nhất định sẽ được trình lên Hạ viện xem xét. Sau khi Hạ viện và Thượng viện thống nhất thì có thể trình gửi Tổng thống Mỹ đặt bút ký. Nếu Tổng thống không thông qua thì có thể bàn bạc lại với 2 cơ quan này. Việc ông Trump tuyên bố từ bỏ TPP không hề đơn giản theo ý nghĩa chủ quan của ông ấy” - TS Bùi Quang Tín.

Ông Công cho ví dụ, ở Nhật, nông dân muốn làm nông phải có diện tích đất ít nhất đạt 35ha, có đầu tư nguồn nhân lực, học hành đàng hoàng. Trong khi đó, ở Việt Nam, mỗi hộ chỉ vài ba công đất, diện tích nhỏ dẫn tới việc cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật rất khó khăn.

“Hậu quả của việc này năng suất thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn, dẫn tới giá thành cao thì làm sao có thể cạnh tranh được với những quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp phát triển như Nhật, như Mỹ… trong khối TPP?”- ông Công đặt vấn đề.

Hơn nữa, hiện nay, ngành chăn nuôi chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, sản lượng xuất khẩu rất nhỏ. Những năm gần đây, các loại thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu vào Việt Nam cũng đã rất nhiều. Dù thuế nhập khẩu đang ở mức 15 – 25% tùy loại nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn tốn hàng trăm triệu USD. Đặc biệt, các sản phẩm thịt gà Mỹ, thịt heo, thịt bò Úc… có giá rất rẻ, chỉ ngang với giá thành sản xuất của Việt Nam.

Một khi TPP được thông qua, hàng rào thuế quan bị bãi bỏ, doanh nghiệp và nông dân Việt khó có thể cạnh tranh lại ngay trên sân nhà.

Còn theo GS Võ Tòng Xuân, trước đây khi Việt Nam bàn về TPP với Mỹ và các quốc gia trong nhóm, có thể thấy được nhiều điều có lợi cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là một số lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, dệt may... Tuy nhiên, muốn khai thác được những điều có lợi này không phải dễ, nếu bản thân doanh nghiệp Việt Nam không tiến bộ, đáp ứng các yêu cầu hội nhập. Ông Xuân kể, khi đi tư vấn, trợ giảng ở nhiều tỉnh thành, ông Xuân thấy bản thân các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn rất bị động, ỷ lại. Ngành nông nghiệp cũng chưa tạo được sự “tín nhiệm” của chính người dân trong nước.

“Nhiều người tiêu dùng vẫn chuộng các sản phẩm nhập khẩu hơn là sản phẩm trong nước. Thế nên nếu Mỹ không thông qua TPP thì cũng chưa thể nói là sẽ bất lợi với nền nông nghiệp Việt” - GS Võ Tòng Xuân nhận định.

Không TPP, vẫn phải hội nhập

Theo tiến sĩ Đặng Kim Khôi - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, TPP nói riêng cũng như hàng loạt hiệp định thương mại mà thời gian vừa qua Việt Nam ký kết và bắt đầu tham gia đã tạo ra một sân chơi với tính cạnh tranh rất lớn cho nông sản Việt Nam.

Những “sân chơi” này có điểm mạnh – điểm yếu khác nhau, tuy nhiên, để phát huy được các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong những sân chơi này, cần phải có những thay đổi tích cực và không chờ đợi.

Ông Nguyễn Trí Công cũng cho rằng, trong khi năng suất chăn nuôi heo của Canada đến 28 con/nái/năm thì con số này của Việt Nam chỉ mới xấp xỉ 14 con/nái/năm. Hay như so với Nhật, quy trình sản xuất, chăn nuôi tới chế biến, bảo quản của họ rất khắt khe. Ngoài ra, quản lý nhà nước của họ cũng đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh công bằng.

Theo ông Công, điểm sáng và cần được khuyến khích để phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay, nếu TPP không được thông qua, đó là số lượng các trang trại quy mô vừa đang tăng lên mạnh. Đây là xu hướng chung của nông nghiệp thế giới và cũng phù hợp để phát triển ở Việt Nam.

“Những trang trại chăn nuôi quy mô 1.000 – 2.000 nái đẻ dễ dàng để quản lý tốt và rất linh hoạt trước những biến động của thị trường cũng như các yếu tố khác. Do đó, có hay không có TPP, tôi cũng mong được Nhà nước hỗ trợ để những trang trại tầm trung này phát triển” - ông Công cho ý kiến.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín, khi ông Donald Trump lên làm tổng thống sẽ tính toán rất kỹ các chính sách quan hệ quốc tế để nước Mỹ được hưởng lợi nhiều hơn, nhà kinh doanh Mỹ được hưởng nhiều hơn. Do đó, các chính sách về thuế nhập khẩu, các hàng rào kỹ thuật… sẽ căng thẳng hơn. Tuy nhiên, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ như thủy sản, nông sản… không phải là mặt hàng chiến lược của Mỹ. Do đó, nước này sẽ không bảo hộ quá mức cần thiết như các ngành hàng khác.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/tong-thong-trump-tuyen-bo-tu-bo-tpp-cua-hep-cho-nong-san-viet-725363.html