Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và 'canh bạc Trung Quốc'

Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đặt cược lớn vào Trung Quốc. Vì sao như vậy?

Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đặt cược lớn vào Trung Quốc. Vì sao như vậy?

Ông Erdogan muốn thực hiện một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng nhằm giành lại sự ủng hộ. Ảnh: Sputnik

Trong hơn 1 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, đồng tiền quốc gia mất giá thê thảm và nợ nước ngoài. Những rắc rối kinh tế này khiến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Đảng Công lý & Phát triển (AKP) cầm quyền của ông phải trả giá đắt. Trong cuộc khảo sát hồi tháng 8 do Cty bỏ phiếu MetroPOLL thực hiện, tỷ lệ ủng hộ ông Erdogan đã giảm xuống còn 44% - giảm gần 10 điểm so với 1 năm trước. Và trong mùa hè này, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai khiển trách chính phủ của ông Erdogan khi họ bỏ phiếu bầu ứng cử viên phe đối lập Ekrem Imamoglu làm thị trưởng thành phố Istanbul trong cuộc bầu cử khu vực.

Ông Erdogan đang tìm cách để đòi lại nền tảng chính trị và vượt qua các đối thủ. Vũ khí mới nhất trong cuộc đấu tranh này là chương trình nghị sự kinh tế mới cực kỳ tham vọng, có thể giành lại tính năng động đã bị mất của đất nước.

Kế hoạch tham vọng

Kế hoạch 3 năm, được Bộ trưởng Tài chính (và cũng là con rể của ông Erdogan) Berat Albayrak tiết lộ hồi đầu tuần, đưa ra một chương trình kinh tế mới, một dự án giảm lạm phát quốc gia từ tỷ lệ hiện tại gần 13% xuống còn 6% vào năm 2021, và dưới 5% vào năm 2022. Kế hoạch cũng nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia (hiện tại chưa đến 1%) lên 5% vào năm tới - và sau đó giữ vững tốc độ tăng trưởng này. Theo ước tính của chính phủ, điều đó sẽ tạo ra khoảng 1 triệu việc làm mới mỗi năm.

Những lời hứa như vậy rõ ràng là nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã lên tiếng về sự lãnh đạo chuyên quyền của ông Erdogan. Tuy nhiên, chính phủ ông Erdogan chưa thể ngay lập tức thực hiện kế hoạch trong bối cảnh tình hình tài chính đang gặp khó khăn. Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gánh khoản nợ nước ngoài hơn 440 tỷ USD từ các tổ chức cho vay như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gấp đôi mức nợ trung bình hàng năm của nước này trong giai đoạn 1989-2018. Khoảng một nửa số nợ này được tính bằng USD, và hơn 100 tỷ USD sẽ phải hoàn trả trong năm nay, tạo ra gánh nặng tài chính lớn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ rộng rãi từ nước ngoài.

Bị Mỹ, Châu Âu xa lánh

Trước đây, Ankara có thể tìm đến Washington để nhờ giúp đỡ. Nhưng mối quan hệ song phương mạnh mẽ trước đây giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi nhanh chóng trong những năm gần đây vì một loạt các bất đồng. Trong số này, có lẽ đáng chú ý nhất là quyết định của ông Erdogan trong mùa hè này, tiếp tục mua hệ thống phòng không của Nga động thái mà các nghị sĩ Mỹ coi là một vụ thử nghiệm định hướng chống phương Tây ngày càng sâu sắc của Ankara.

Viện trợ của Châu Âu đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm đi đáng kể. Ankara là nước nhận viện trợ lớn nhất của EU trong số các quốc gia thành viên tương lai, với khoảng 4,5 tỷ USD hỗ trợ trước khi gia nhập, được phân bổ trong giai đoạn 2014-2020. Nhưng trong những năm gần đây, Brussels cho rằng sự hào phóng của mình chỉ đơn giản là đã thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những cải cách cần có về luật pháp, xã hội dân sự và quản lý. Do đó, Châu Âu đang ngày càng xa lánh Ankara trong các kế hoạch tài chính của mình; chẳng hạn, khi Ủy ban Châu Âu công bố chiến lược Western Balkan 2021-2027 vào năm ngoái, kế hoạch đã không đề cập đến bất kỳ khoản viện trợ nào cho Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Erdogan, sự phụ thuộc nhiều hơn vào các tổ chức quốc tế cũng không phải là một giải pháp khả thi. Ông Erdogan không muốn phụ thuộc quá nhiều vào các gói cứu trợ của IMF, cho rằng chúng là một âm mưu khiến Ankara bị “bao vây”.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ankara đã dựa vào các nguồn hỗ trợ trong khu vực, đặc biệt là tiểu vương quốc Qatar. Sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Qatar trong thời gian gần đây về ngoại giao với các quốc gia khác trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, đã giúp Ankara nhận được gói viện trợ trị giá nhiều USD từ Doha, giúp nước này tạm thời thúc đẩy nền kinh tế ốm yếu. Nhưng ngay cả Qatar, cũng có những giới hạn của nó, và hầu như không có gì chắc chắn rằng Doha sẽ sẵn sàng tiếp tục tài trợ cho các khoản chi tiêu trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như chủ nghĩa phiêu lưu nước ngoài ở Syria và các nơi khác của Ankara.

Bắt tay với Trung Quốc

Tất cả điều đó đã buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải nhìn về phía đông, về phía Trung Quốc và Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Thật vậy, mối quan hệ kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Bắc Kinh đã ấm lên. Mùa hè này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã rót khoản tiền mặt trị giá 1 tỷ USD vào nền kinh tế đang bị bao vây của Thổ Nhĩ Kỳ. Các khoản hỗ trợ kinh tế khác cũng được thực hiện sau đó, bao gồm gói hỗ trợ 3,6 tỷ USD cho ngành năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, và các khoản tiền cứu trợ cho các ngân hàng hoạt động kém.

Quan hệ đối tác sâu sắc này đánh dấu sự thay đổi lớn về chính sách của Ankara. Cách đây không lâu, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận thức được “tác dụng phụ” của các khoản tiền hỗ trợ từ Trung Quốc. Các quan chức Ankara cho rằng, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào Bắc Kinh hiện có thể thấy trên khắp Trung Á là một cảnh báo đối với đất nước họ. Nhưng sự tuyệt vọng buộc ông Erdogan phải chấp nhận rủi ro. Tầm nhìn chính sách đối ngoại đầy tham vọng hiện nay của ông Erdogan, bao gồm việc mua máy bay chiến đấu tiên tiến từ Nga và kế hoạch ổn định miền bắc Syria trị giá hàng tỷ USD, khiến Ankara khó có thể tự mình bước đi.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_213785_tong-thong-tho-nhi-ky-va-canh-bac-trung-quoc-.aspx