Tổng thống Nga Vladimir Putin thuở hàn vi sau khi bức tường Berlin sụp đổ: Sẵn sàng phù suy

Đầu năm 1990, trung tá an ninh Vladimir Putin từ Đông Đức trở về thành phố quê hương Saint Peterburg (lúc đó cònđược gọi là Leningrad) trong bối cảnh Liên bang Xôviết đang trên đà tan vỡ không gì cưỡng nổi do chính sách của vị Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng Mikhail Gorbachev.

Anatoly Sobtchak và Vladimir Putin - tình thầy trò gắn bó.

Khi ấy ở Liên Xô, các cửa hàng rỗng không chẳng có gì để bán. Đồng tiền khan hiếm và liên tục mất giá. Những tiêu chí đạo đức quen thuộc dần dà bị phai nhạt và thay thế vào đó là luật rừng của thời kinh tế thị trường sơ khai vô cùng lạ lẫm đối với đa số những người Xôviết cũ. Nạn tội phạm và tội phạm có tổ chức gia tăng với tốc độ và cường độ tưởng không thể có gì ngăn chặn nổi. Xã hội bị mất lòng tin vào nhiều tiêu chí cũ nhưng lại không có chuẩn mực mới để vin vào mà sống.

Theo lời kể của bà Lyumila, gia đình Putin “hồi hương” chỉ với món tiền tiết kiệm để mua một cỗ xe Volga cà tàng. Họ vẫn dùng cái máy giặt second - hand sắm được ở Đức, đã được một gia đình người Đức sử dụng 20 năm rồi. Máy giặt này ở Nga còn “phục vụ” họ được thêm 5 năm nữa...

Công việc trong tương lai là một trong những suy tư lớn nhất xâm chiếm lòng Vladimir Putin lúc đó. Trở về nước, ông được cấp trên đưa ra cho hai phương án: hoặc lên Moskva hoặc ở lại quê hương. Thâm tâm thì Vladimir Putin vẫn thích Mátxcơva hơn vì trên thủ đô, triển vọng phát triển sẽ khá hơn. Nhưng rồi ông đã ở lại Leningrad, có thể vì ông nghĩ, trong cơ quan an ninh ông ở trên Moskva phần lớn là “con ông cháu cha”, ông một mình khó có thể làm gì đúng sở nguyện. Và Vladimir Putin đã chọn lối trở về trường đại học cũ vì tính toán rằng, trong giai đoạn chờ thời, có thể bảo vệ luận án phó tiến sĩ được. Và quả thực, theo lời Vladimir Putin kể trong Tự thuật, ông đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ về luật quốc tế (còn trong các bản tiểu sử chính thức của Bộ Ngoại giao Nga, Vladimir Putin có bằng phó tiến sĩ kinh tế).

Tuy nhiên, Vladimir Putin vẫn không an tâm công tác trong điều kiện như thế. Danh chính ngôn thuận thì ông vẫn là một sĩ quan KGB nhưng việc “giả trang” trong chức vụ trợ lý đối ngoại cho hiệu trưởng LGU không làm ông thích thú nữa. Mà Vladimir Putin lúc đó mới chỉ có 38 tuổi!

Cam chịu không phải là tính cách của viên trung tá KGB này. Ông bèn liên hệ với bạn bè cũ từng là chiến hữu hồi còn ở khoa luật LGU. Nhiều người trong số họ đã ra mở phòng luật riêng và làm ăn có vẻ như không đến nỗi nào. Một người mách cho ông biết rằng, vị giáo sư cũ của họ, Anatoly Sobtchak, lúc đó vừa trở thành Chủ tịch Ủy ban Xôviết thành phố, đang thiếu người tin cậy đỡ đần công việc.

Về sau, Vladimir Putin kể lại: “Cần phải nói rằng, khi đó Anatoly Sobtchak đã khá nổi tiếng. Tôi quả thực là rất chú ý theo dõi những việc ông ấy làm và lời ông ấy nói. Tất nhiên, không phải mọi sự ở ông ấy đều khiến tôi thích thú nhưng ông ấy khiến tôi kính trọng. Và thú vị hơn là ông ấy từng là giảng viên ở trường đại học mà tôi đã học”.

Thời còn ngồi trên ghế LGU, Vladimir Putin không mấy thân thiết với Anatoly Sobtchak. Thầy với trò ở đâu mà chả có những khoảng cách, về lễ nghĩa, về tuổi tác, về tâm tính... Anh sinh viên Volodia hình như cũng mới chỉ nghe thầy Sobtchak (lúc đó mới chỉ là phó giáo sư) giảng bài đâu đó có 1-2 học kỳ, chứ chưa từng được ông hướng dẫn viết luận văn phó tiến sĩ kinh tế như một số nhà báo giầu trí tưởng tượng đưa tin. Nhưng dầu sao, một “giọt” tình nghĩa thầy trò vẫn còn hơn cả một ao nước lã. Thế là vị Tổng thống tương lai tìm tới Xôviết Leningrad.

Anatoly Sobtchak từng được coi là một trong những gương mặt nổi bật nhất trong thời Liên bang Xôviết trên đường tan vỡ, người đầu trò trong vụ điều tra sự cố ở Tbilisi đêm 9/4/1981. Khi đó, quân đội trong lúc xua đuổi một vụ tụ tập bất hợp pháp ở thủ đô nước cộng hòa Gruzia đã làm chết 19 người và làm bị thương nhiều người khác.

Theo báo chí Nga, vị cựu giáo sư của LGU vừa hơi lãng mạn trong các tham vọng chính trị, vừa rất khôn khéo và khá thực dụng trong các nước cờ tỉ thí. Một tính cách phức tạp, khó lường trước được! Và đó có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến ông bị rơi vào cảnh “dở ta, dở Tây”. Giới trí thức Nga không thích Anatoly Sobtchak vì những biểu hiện “lụy người cấp trên” và thói coi mình cao hơn tất cả (vì tính này mà Anatoly Sobtchak bị đặt cho biệt danh “con công”)... Trên cương vị thị trưởng Saint Peterburg, với mục đích làm đẹp lòng Boris Yeltsin, Anatoly Sobtchak có lần đã từ chối tiếp Mikhail Gorbachev khi ông này tới “kinh đô phương Bắc”.

Trong cuốn Tự thuật, Vladimir Putin nhận xét: “Anatoly Aleksandrovich Sobtchak là một người khá phổi bò. Ông ấy luôn muốn ở trung tâm của sự chú ý, để ai cũng bàn tán về ông. Tôi có cảm giác rằng, với ông ấy, chỉ cần thiên hạ nói tới là được, còn chê hay khen thì không quan trọng”. Cách hành xử của ông thị trưởng này rất ngẫu hứng và đôi khi lại theo nguyên tắc "vui là chính". Anatoly Sobtchak sẵn sàng bỏ không đến dự cuộc họp của Hội đồng quốc phòng quân khu mà ông là một thành viên để ra sân bay đón nữ ca sĩ Alla Pugacheva mà ông yêu thích...

Ngay buổi gặp gỡ đầu tiên, Vladimir Putin đã gây được cảm tình với Anatoly Sobtchak và, vốn là người năng động, vị Chủ tịch đã mời ngay học trò cũ tới làm việc với vai trò trợ lý. Trước đề nghị chân thành này, vị Tổng thống tương lai không thể không nói rõ sự thật:

- Thưa thầy, quả thực là em rất muốn như thế, em cảm thấy rất thú vị khi được làm như thế. Nhưng có một chi tiết có lẽ sẽ gây cản trở cho việc chuyển công tác.

- Chi tiết gì?

- Em cần nói với thầy rằng, em không chỉ đơn giản là trợ lý đối ngoại cho hiệu trưởng LGU, mà còn là một sĩ quan trong biên chế KGB.

Vladimir Putin phải nói thật trước vì hơn ai hết, ông hiểu rằng, các nhà cải cách “làn sóng mới” như Anatoly Sobtchak thường rất ác cảm với KGB vì tất cả những chuyện đã xẩy ra trong quá khứ của quốc gia Xôviết. Thế nhưng, phản ứng của ông thầy trước thông tin mà người cựu sinh viên vừa đưa ra lại rất bất ngờ. Anatoly Sobtchak ngẫm nghĩ một thoáng rồi văng tục “Thì cứ dí ... vào nó!”. Tới bây giờ, Vladimir Putin vẫn chưa hết ngạc nhiên: “Chẳng gì thì tôi với ông ấy mới chỉ gặp nhau lần đầu tiên, ông ấy là giáo sư, tiến sĩ luật học, Chủ tịch Xôviết Leningrad - vậy mà ông ấy lại nói theo cách trắng phớ như vậy với tôi.” Hóa ra, các danh nhân nhìn gần đều bình dân như thế!

Văng tục xong, Anatoly Sobtchak nói tiếp: “Tôi cần một trợ lý. Nói thực, tôi sợ ra phòng tiếp khách lắm. Tôi không biết có những ai ngồi ở đó nữa”.

Còn theo lời kể của Anatoly Sobtchak, ông nhớ Vladimir Putin khi Tổng thống Nga còn là sinh viên. “Một sinh viên tốt”. Theo ông, không phải Vladimir Putin đã tới điện Smolnyi tìm ông mà là ông tình cờ gặp lại người sinh viên cũ ở hành lang LGU vào đầu những năm 90, khi Vladimir Putin trở về thành phố quê hương sau một thời gian dài công tác tại Đức... Từ đó bắt đầu sự cộng tác giữa hai người...

Gặp Anatoly Sobtchak rồi, Vladimir Putin về xin phép chỉ huy của mình ở KGB. Đây là một tình huống tế nhị đối với một sĩ quan an ninh. Chẳng gì thâm niên của ông trong KGB đã lên tới gần 20 năm. Cần làm sao để tổ chức không nghĩ rằng mình bất mãn với sự phân công của họ. Trung tá Vladimir Putin dự định là nếu không được đồng ý thì ông sẽ xin chuyển ngành để đi làm công việc dân sự như ý. Thế nhưng, ông nhận được sự đồng ý rất nhanh: “Cần gì phải chuyển ngành? Cứ đi mà làm, chẳng có vấn đề gì đâu.” Về sau, Vladimir Putin nhận xét: “Các thủ trưởng của tôi toàn là những người tinh tế và hiểu rõ về khung cảnh xung quanh - họ không bắt tôi thực hiện một điều kiện nào cả. Chính vì thế nên về danh nghĩa tôi vẫn là nhân viên cơ quan an ninh nhưng trong thực tế tôi không hề tới cơ quan. Hơn nữa, trong thời điểm đó, mọi cơ quan nhà nước, kể cả các cơ quan an ninh, đều đang ở trong tình trạng rã đám”.

Thế là Vladimir Putin đã thực hiện xong bước ngoặt mà càng về sau càng có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp chính trị không định xây mà có của ông. Tưởng như đã bị loại ra khỏi mọi cuộc chơi có giá, ông đã tìm được bệ phóng tốt cho những thăng tiến nhanh tới chóng mặt trong tương lai. Cùng tắc biến!

Năm 1991, khi nổ ra chính biến tháng 8, Putin lại chính thức xin ra và được chấp thuận cho ra khỏi cơ quan an ninh, định bụng từ giã KGB vĩnh viễn. Lúc đó, ông vẫn chỉ là trung tá... Tuy nhiên, ông vẫn giữ cho mình thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông cất nó vào ngăn kéo bàn làm việc (theo lời kể của một vị tướng an ninh Việt Nam, cách đây vài năm, khi vị tướng này được Tổng thống Nga tiếp trong Điện Kremli, ông đã được ông Putin cho xem tận mắt cái thẻ đảng đó nằm trong ngăn bàn làm việc).

Vladimir Putin đã làm việc cùng với Anatoly Sobtchak 6 năm liền từ tháng 6/1990 tới mùa hè năm 1996. Thoạt tiên, ông chỉ là trợ lý về các vấn đề đối ngoại của Chủ tịch Xôviết thành phố. Từ sau ngày 12/6/1991, khi Anatoly Sobtchak đắc cử vào chức thị trưởng (với sự giúp đỡ đáng kể của học trò trong chiến dịch vận động tranh cử, theo lời của chính Vladimir Putin về sau kể lại), ông đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại của Hội đồng nhân dân thành phố Saint Peterburg vừa được thành lập. Từ năm 1994 tới 1996, Vladimir Putin là Phó Thị trưởng thứ nhất Saint Peterburg kiêm Chủ tịch ủy ban đối ngoại thành phố. Năng lực chính của Vladimir Putin lúc đầu chỉ là lòng trung thành: ông không bao giờ tỏ ra quan trọng mà chỉ coi mình như một “người thứ yếu” trong bộ máy. Ông cũng rất biết giữ bí mật và có một bộ não vững như thép. Đối với ông, chẳng có gì đáng gọi là nguy hiểm cả (chính vì nét tính cách không biết sợ là gì này nên hồi còn học trong một khóa đào tạo cán bộ phản gián, cấp chỉ huy đã phê bình ông về cái gọi là căn bệnh “coi thường nguy hiểm”).

Dần dà, từng bước một, Vladimir Putin nắm chắc những tinh tế trong công việc ở tòa thị chính. Ông có quan hệ rộng rãi với các cơ quan đại diện ngoại giao, giới khách sạn, sòng bạc, các tổ chức xã hội ... Ông cũng nắm chắc quyền chỉ đạo các cơ quan sức mạnh cũng như tư pháp và phối hợp hoạt động giữa họ cho nhịp nhàng và hợp với nhu cầu của thị trưởng. Một người bạn đồng liêu của đương kim Tổng thống Nga hồi còn làm ở Saint Peterburg đã nhận xét: “Ông đã nhanh chóng thấu hiểu các vấn đề kinh tế và ông đã là người đưa ra các quyết định”. Các dự án đầu tư lớn ở Saint Peterburg thời đó đều phải qua tay phó thị trưởng Vladimir Putin. Uy tín của ông ngày một được nâng cao, không chỉ trong con mắt Anatoly Sobtchak mà cả ở các đồng sự, những người về sau trong đội hình các nhà cải cách trẻ Saint Peterburg đã nhanh chóng trở nên thành đạt ở Mátxcơva.

Ngay tại Saint Peterburg, Vladimir Putin đã tỏ ra mình là một “chuyên gia thỏa hiệp” và rất khéo dàn xếp các vụ đụng độ bùng nổ giữa tòa thị chính với Hội đồng Xôviết thành phố. Thí dụ như năm 1995, ngân sách Saint Peterburg được thông qua trót lọt chủ yếu là nhờ công sức xuôi ngược của ông. Trong những ngày xẩy ra chính biến tháng 8 - 1991, chính với sự cố gắng dàn xếp của Vladimir Putin mà tại “kinh đô phương Bắc” đã không có đụng độ đẫm máu giữa những lực lượng ủng hộ và không ủng hộ GKPCh. (Ủy ban quốc gia về tình hình khẩn cấp).

Mặt khác, Valdimir Putin tỏ ra rất cứng rắn trong những vấn đề liên quan tới uy tín và thể diện của nước Nga. Ông không bị mặc cảm với người nước ngoài như nhiều chính khách xuất thân từ trường phái Xôviết khác...

Và Vladimir Putin trở thành nhân vật không thể thiếu được của chính quyền thành phố. Trong không ít vấn đề, ông nắm chắc công việc hơn chính thủ trưởng của mình nhưng lại không làm cho Anatoly Sobtchak phải lo lắng về việc này. Trái lại, thị trưởng Saint Peterburg thuở ấy lại rất tin tưởng ở người trợ thủ. Dần dà, học trò trở thành “đại diện chính” cho thầy trong nhiều lĩnh vực. Vladimir Putin thường được ngồi ghế chủ tọa nhiều cuộc họp quan trọng, thay thế Anatoly Sobtchak mỗi khi ông này vắng mặt. Rồi học trò lại trở thành “bộ lọc” của thầy. Người ta kể rằng, thị trưởng Sobtchak đã yêu cầu mọi tài liệu đưa lên cho ông ký đều phải có chữ ký nháy trước của Vladimir Putin.

Gương mặt rắn rỏi nhưng ít bộc lộ cảm xúc cùng với vai trò quyền lực kín đáo của ông đã khiến Vladimir Putin bị những người ác ý đặt cho biệt danh “vị giáo chủ áo xám”. Tuy nhiên, theo lời của Marina Entaltseva, người từng làm thư ký cho Vladimir Putin từ năm 1991 tới năm 1996, ông là một vị sếp nghiêm khắc nhưng rất có tình với mọi người. Ông chỉ nổi cáu khi gặp phải những ai tỏ ra quá đần độn. Nhưng cách nổi cáu của Vladimir Putin cũng lạ: ông không bao giờ cao giọng cả.

Vladimir Putin không bao giờ tỏ ra là mình có tham vọng “qua mặt cấp trên”. Hình như ông thuộc típ người chỉ cờ tới tay mới phất và phất rất hay, nhưng lại không có tính đi tranh cờ với người khác. Có phải vì thế chăng nên Vladimir Putin, như chính ông tự nhận, “không biết tiến hành các chiến dịch vận động bầu cử”? Một lần, ông đã nhận lãnh đạo chiến dịch bầu cử tại Saint Peterburg cho phong trào Ngôi nhà của chúng ta là nước Nga (NDR) của vị Thủ tướng lúc đó là Victor Chernomyrdin. Kết quả là NDR đã bị thất bại ở “kinh đô phương Bắc”...

Chính ở thời cầm quyền của cặp Anatoly Sobtchak và Vladimir Putin, trong những năm từ 1990 tới 1995, tại Saint Peterburg đã thành lập tới gần 6000 xí nghiệp cổ phần, chiếm một nửa số xí nghiệp cổ phần của toàn nước Nga. Đích thân Vladimir Putin đã lãnh đạo Hiệp hội các ông chủ xí nghiệp cổ phần, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công việc kinh doanh... Cũng thời đó, Saint Peterburg đi trước cả nước Nga và cho mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên.... Tóm lại, “kinh đô phương Bắc” đã đi đầu trong cải cách cơ chế kinh tế ở nước Nga. Theo sáng kiến của Vladimir Putin và được sự hỗ trợ của Anatoly Sobtchak, năm 1994, LGU đã mở được một khoa mới đào tạo các cán bộ đối ngoại mà ngày nay đang làm việc tại nhiều nơi của nước Nga... Trước đó, đào tạo cán bộ đối ngoại vốn là “đặc quyền” của riêng Trường đại học quan hệ quốc tế Mátxcơva (MGIMO)...

Chính Vladimir Putin, bất chấp mọi sức ép, đã rất khéo léo tổ chức cho người thầy cũ thoát thân khi ông này bị lâm nạn. Theo lời kể của Vladimir Putin, chuyện xẩy ra như sau: thất thế, Anatoly Sobtchak viện cớ ốm và vào nằm viện dưới sự chăm sóc và điều trị của một bác sĩ quen thuộc với cả ông lẫn Vladimir Putin. Tới ngày 7/11/1996, dịp kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại, khi mà mọi người Nga, kể cả các chính khách, đều vui vẻ chơi và uống rượu là chính, bạn bè từ Phần Lan đã gửi tới một chiếc máy bay và đón Anatoly Sobtchak đi sang Paris... Không khí ngày lễ làm các cơ quan chức năng lơi là cảnh giác và chỉ tới ngày 10/11 mới phát hiện ra sự lọt lưới của Anatoly Sobtchak. Nhưng khi đó thì đã muộn để làm việc gì đó hại ông cựu thị trưởng Saint Peterburg vì ông đã cao chạy xa bay.... Tại Paris trong ba năm liền, Anatoly Sobtchak với các mối quan hệ đa dạng và vốn liếng danh tiếng đã thu gom được vừa không thiếu việc làm, vừa không thiếu tiền. Đài truyền hình Nga ORT thường xuyên phái phóng viên của mình thường trú ở Pháp phỏng vấn ông để ông bình luận chơi mỗi khi ở nước Nga xảy ra chuyện gì đó bất thường. Một chính khách cấp cao thì trong tình huống nào cũng sướng!..

Tháng 7/1999, Anatoli Sobchak đã có cơ hội trở về Nga. Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang, vừa chân ướt chân ráo về tới quê hương, vị cựu thị trưởng Saint Peterburg đã lăn ra đột tử ngày 19/2/2000, theo công bố chính thức, vì một cơn đau tim bất ngờ tại khách sạn trong lúc tới một thành phố nhỏ có tên là Svetlogorsk để vận động bầu cử cho Vladimir Putin. Những kẻ thù của hai người đã tung ngay ra những lời đồn đại rằng, Anatoly Sobtchak chết “vì đã biết quá nhiều chuyện quá khứ” (?). Khi Vladimir Putin, trên cương vị Quyền Tổng thống xuống viếng cố nhân, cơ quan an ninh Nga đưa ra tin bọn tội phạm định tổ chức ám sát cả ông... Cho tới bây giờ, Vladimir Putin vẫn giữ những ký ức tốt đẹp nhất về Anatoly Sobtchak, người mà ông luôn coi là một bậc “đàn anh” trên chính trường.

Khi Anatoly Sobtchak bị thất cử vào mùa hè năm 1996, Vladimir Putin, mặc dù được Vladimir Yakovlev, vị lãnh đạo mới đắc cử ở Saint Peterburg mời ở lại tiếp tục làm việc trên cương vị cũ (phó thị trưởng) nhưng ông đã từ chối vì cho rằng mình phải chịu trách nhiệm chính trong thất bại cay đắng của ông thầy cũ. Trong quá trình lãnh đạo cuộc vận động tranh cử, ông đã sử dụng một thủ pháp tâm lý theo kiểu “một mất, một còn” là buộc tất cả các cán bộ và nhân viên của bộ máy thị chính dưới quyền mình cam kết sẽ ký tên vào đơn xin từ chức một khi Anatoly Sobtchak bị thất cử. Theo ông, cùng làm nên cùng chịu, chứ không thể bỏ bạn đi tìm vinh hoa một mình. Nói vậy nhưng về sau, khi mọi sự đã ngã ngũ, ông lại ủng hộ hết lòng một số người từng là thuộc quyền của ông nhưng vẫn có ý định ở lại cộng tác với chính quyền mới vì theo ông, cần phải có các chuyên gia lo việc cho một thành phố lớn như Saint Peterburg chứ! Nói chung, tính đồng đội nhân ái của vị Tổng thống tương lai đã được thể hiện rõ ngay từ khi ông còn trẻ. Ông thường nghiêm khắc với mình hơn với những người khác.

Mang một va li nhỏ kiểu cặp xách tay của nhà ngoại giao đựng đầy tiền tiết kiệm được cùng vợ con về “ngồi chơi xơi nước” tại trại nghỉ ngoại ô Saint Peterburg mà ông đã chắt chiu xây dựng được trong những năm làm phó thị trưởng, Vladimir Putin có lẽ đã cố gắng ngẫm nghĩ về những sự đã qua để rút ra bài học kinh nghiệm cần thiết cho tương lai, mặc dù như lời ông nói, phương châm hành sự mà ông muốn tuân thủ suốt đời là không bao giờ ân hận về quá khứ, về những việc đã diễn ra. Đây đúng là tinh thần mà một bài hát phổ biến thời Xôviết từng cổ xúy: Mọi sự còn ở phía trước, hãy mơ ước và đợi chờ!

Họa vô đơn chí, đúng lúc này nhà nghỉ của ông lại bị cháy do chập điện ở phòng tắm hơi kiểu Phần Lan. Theo lời kể của Vladimir Putin, đám cháy bùng ra khi ông vừa xông hơi với chồng người thư ký cũ, ra sông tắm và trở vào nhà. Bản lĩnh một điệp viên dầy dạn đã giúp ông không đánh mất tự chủ trong tai nạn mà đã bình tĩnh xông lên tầng hai đưa người thân ra khỏi ngôi nhà đang bốc lửa. Đồng thời, ông Putin vẫn nhớ lao vào đám cháy tìm cái cặp đựng tiền tiết kiệm rồi mới ra ngoài... Còn vợ ông, bà Luydmila, khi thoát khỏi đám cháy rồi thì câu đầu tiên thốt lên là: “Thực may, không ai làm sao cả, còn nhà cháy thì thôi, kệ nó!” ở đời, người làm ra của, chứ của có làm ra người bao giờ đâu! Kể ra, Vladimir Putin được bà vợ "thoáng" như thế thì cũng sướng.

Rồi Vladimir Putin được các bạn đồng nghiệp cũ, lúc đó đã khá “chắc chân” xung quanh Tổng thống Boris Yeltsin mời lên Moskva. Và bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời ông, dẫn ông lên những đỉnh cao mà trước đó chưa bao giờ ông mơ tới…

Nguyễn Trung Tín

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tong-thong-nga-vladimir-putin-thuo-han-vi-sau-khi-buc-tuong-berlin-sup-do-san-sang-phu-suy/116744