Tổng thống Nga Putin nêu điều kiện quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moscow ngày 14/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc họp với các thành viên Chính phủ ngày 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay nước này sẵn sàng ngay lập tức quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc nếu tất cả các điều khoản của thỏa thuận được thực hiện và “bản chất nhân đạo” của thỏa thuận được khôi phục.

Theo Tổng thống Nga, các nước phương Tây đã bóp méo hoàn toàn bản chất của thỏa thuận và kết quả là các công ty châu Âu đã thu được lợi nhuận từ thỏa thuận này, trong khi phía Nga lại chịu tổn thất.

Như vậy, để Nga quay trở lại tham gia thỏa thuận ngũ cốc thì các điều kiện sau phải được thực hiện, bao gồm: gỡ bỏ trừng phạt đối với việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga; gỡ bỏ mọi trở ngại đối với các ngân hàng Nga cung cấp thực phẩm cho thị trường thế giới, bao gồm việc kết nối với SWIFT.

Bên cạnh đó, cần nối lại việc cung cấp cho Nga các linh kiện, phụ tùng máy móc nông nghiệp và sản xuất phân bón; giải quyết tất cả các vấn đề về thuê tàu và bảo hiểm xuất khẩu thực phẩm của Nga; khôi phục hoạt động của đường ống dẫn Amoniac Tolyatti-Odessa; gỡ bỏ phong tỏa tài sản của Nga liên quan đến nông nghiệp; khôi phục bản chất nhân đạo ban đầu của thỏa thuận ngũ cốc.

Tổng thống Nga cũng bác bỏ tầm quan trọng toàn cầu của ngũ cốc Ukraine, coi điều này là suy đoán và sai lầm. Ông Putin lý giải: “Nga chiếm 20% thị phần lúa mì toàn cầu, trong khi Ukraine chiếm chưa đến 5%. Những con số này nói lên tất cả”.

Từ đó, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng “chính Nga đã đóng góp to lớn cho an ninh lương thực toàn cầu. Và bất kỳ tuyên bố nào cho rằng chỉ có ngũ cốc Ukraine mới cung cấp lương thực cho những người đói trên toàn thế giới là suy đoán và sai lầm”.

Nga cũng sẵn sàng thay thế ngũ cốc Ukraine trên thị trường toàn cầu, cả về thương mại và miễn phí, nhất là khi Nga dự kiến có một vụ thu hoạch kỷ lục tiếp theo trong năm nay. Tổng thống Putin cũng cáo buộc phương Tây cản trở việc cung cấp phân bón miễn phí của Nga cho các nước nghèo nhất.

Theo ông Putin, trong số 262.000 tấn sản phẩm bị ngăn chặn tại các cảng châu Âu, chỉ có 2 lô được gửi đi, bao gồm 20.000 tấn đến Malawi và 34.000 tấn đến Kenya.

Cùng ngày 19/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen làm xấu đi triển vọng an ninh lương thực toàn cầu và làm gia tăng nguy cơ lạm phát giá lương thực.

Một người phát ngôn của IMF cho biết thể chế tài chính toàn cầu này sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình khu vực và những tác động của diễn biến địa chính trị đối với tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.

Người phát ngôn này khẳng định việc ngừng Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen kiến ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm cho các quốc gia có thu nhập thấp vốn phụ thuộc nhiều vào các chuyến hàng từ Ukraine, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine hồi năm ngoái đã chứng kiến các cảng trên biển Đen của Ukraine bị các tàu chiến phong tỏa cho đến khi Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được ký kết vào tháng 7/2022, cho phép các chuyến hàng ngũ cốc quan trọng đi qua. Ngày 17/7, Nga đã từ chối gia hạn thỏa thuận này sau 3 lần đồng ý gia hạn thỏa thuận này.

Trong tuyên bố mới nhất ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết nếu bản ghi nhớ (MoU) giữa Nga và LHQ về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này không được thực hiện đầy đủ trong vòng 3 tháng tới, Moscow sẽ không đàm phán về thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua biển Đen.

Bà Zakharova nêu rõ Nga chỉ đồng ý trở lại đối thoại về khôi phục sáng kiến ngũ cốc sau khi có các kết quả cụ thể trong việc thực hiện phần thỏa thuận liên quan đến Nga, chứ không phải những "cam đoan" hay "hứa hẹn" của LHQ và phương Tây.

Trong diễn biến khác, theo hãng tin Reuters, ngày 19/7, Mỹ đã công bố viện trợ an ninh bổ sung trị giá khoảng 1,3 tỉ USD cho Ukraine. Gói này bao gồm vũ khí phòng không, máy bay không người lái (UAV) và đạn dược.

Lầu Năm Góc cho biết việc công bố này là sự khởi đầu của quá trình ký kết hợp đồng nhằm cung cấp thêm các vũ khí ưu tiên cho Ukraine.

Gói viện trợ bao gồm 4 Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Na Uy (NASAMS) kèm đạn dược; đạn pháo cỡ nòng 152mm; thiết bị rà phá bom mìn; các UAV Phoenix Ghost do AVEVEX, một công ty tư nhân ở bang California, chế tạo cùng các UAV Switchblade của công ty AeroVironment.

Việc cung cấp những vũ khí và hệ thống này phụ thuộc vào tình trạng sẵn có và thời gian sản xuất chúng.

Mỹ đang sử dụng nguồn tài chính trong chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh cho Ukraine (USAI), cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp quốc phòng thay vì lấy từ kho vũ khí của quân đội Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói viện trợ nói trên một ngày sau cuộc họp trực tuyến của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine - bao gồm các đồng minh hỗ trợ Ukraine - trong bối cảnh quân đội Ukraine đang tiến hành cuộc phản công trong cuộc xung đột với Nga.

Trong tài khóa 2023, trên cơ sở USAI, Lầu Năm Góc đã cung cấp hơn 10,8 tỉ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong 7 gói riêng biệt. Gói mới công bố là gói thứ 8. Trong tài khóa trước kết thúc vào ngày 30/9/2022, Washington đã chi 6,3 tỉ USD để mua sắm vũ khí cho Ukraine.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/301015/tong-thong-nga-putin-neu-dieu-kien-quay-tro-lai-thoa-thuan-ngu-coc.html