Tổng thống Mỹ thăm châu Âu: Một công đôi việc

'Ngã rẽ' đặc biệt tại Kiev, cùng sự lựa chọn Ba Lan làm điểm dừng chân phản ánh mong muốn của ông Joe Biden với Ukraine và toàn châu Âu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp nước chủ nhà Andrzej Duda trong cuộc hội đàm ngày 21/2 tại Warsaw, Ba Lan. (Nguồn: AP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden công du Ba Lan từ ngày 20-22/2. Tuy nhiên, điểm nhấn đặc biệt nhất của hành trình này lại đến từ chuyến thăm bất ngờ của nhà lãnh đạo xứ cờ hoa tới Kiev ngày 20/2, trước khi hạ cánh xuống Warsaw tối cùng ngày. Không sai nếu nói chính “ngã rẽ” đặc biệt này phản ánh thông điệp xuyên suốt trong chuyến thăm châu Âu của ông Biden: Ukraine và hơn thế nữa.

Củng cố “lá cờ đầu”

Vậy Ukraine đóng vai trò ra sao trong chuyến thăm Ba Lan của ông Biden?

Trước hết, trong lịch sử, Ba Lan từng đóng vai trò quốc gia ở “tiền tuyến” của châu Âu, nơi thường xuyên chứng kiến chiến tranh, xung đột gay gắt nhất lục địa này từ thế kỷ XIX tới hết Thế chiến II. Giờ đây, nước này không chỉ là thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà còn đóng vai trò then chốt trong nỗ lực viện trợ cho Ukraine. Ba Lan, với biên giới sát Ukraine và Kaliningrad (Nga), là điểm trung chuyển quan trọng để ông Joe Biden có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev.

Năm ngoái, theo đề xuất từ lâu của Ba Lan, Mỹ đã cân nhắc thành lập một căn cứ thường trực trên lãnh thổ Ba Lan, với lực lượng 10.000 người để đối phó với đe dọa từ Nga. NATO cũng thành lập bốn nhóm tác chiến mới ở Đông Nam châu Âu, tăng gấp đôi tổng số lực lượng của các nước đồng minh ở sườn phía Tây.

Đặc biệt, trong bối cảnh các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang dần cho thấy một số khác biệt về cách tiếp cận với vấn đề Ukraine, Ba Lan cùng khối Baltic cho thấy chủ trương cứng rắn tối đa với Nga. Warsaw đã tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng từ 3% lên 4% GDP - cao nhất trong NATO.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đánh giá, Ba Lan “đóng vai trò trung tâm hậu cần có tính sống còn cho các hỗ trợ quân sự đi vào Ukraine và đón tiếp lượng lớn người từ Ukraine”. Ba Lan là “tiếng nói mạnh mẽ, đại diện cho nỗ lực đoàn kết của phương Tây nhằm đảm bảo liên minh các nước và nỗ lực tập thể rộng lớn hơn cùng đoàn kết mạnh mẽ, ủng hộ Ukraine cho đến khi còn cần thiết”.

Trong bối cảnh đó, theo điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby, cuộc gặp của ông Biden với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda, buổi họp cùng Bucharest Nine (chín nước Đông Âu), cũng như phát biểu tại Warsaw đã tái khẳng định sự ủng hộ của Washington với các nước NATO ở khu vực.

Phó Thủ tướng Ba Lan Piotr Glinski chia sẻ, chuyến thăm rất quan trọng, bởi Washington nhận ra giá trị của quan hệ Mỹ-Ba Lan. Theo ông, “Mỹ đang sử dụng chúng tôi (Ba Lan) như một trung tâm và tôn trọng vị trí đối tác của chúng tôi”.

Khẳng định cam kết

Trong khi đó, yếu tố Ukraine trong chuyến thăm có phần trực diện hơn. Bản thân ông Biden không xa lạ với Kiev, từng đến thành phố này sáu lần khi còn làm Phó Tổng thống. Thậm chí, chiến dịch tranh cử tổng thống của ông năm 2020 còn bị các đối thủ chính trị khai thác do mối quan hệ của con trai ông, Hunter Biden với một số quan chức Kiev.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine sắp tròn một năm, sự hiện diện bất ngờ của ông Joe Biden, lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, tại Kiev truyền tải thông điệp: Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga về vật chất và tinh thần, dù buộc nhà lãnh đạo xứ cờ hoa phải mạo hiểm. Chuyến thăm là cách ông Biden thể hiện thái độ cứng rắn khi ông chủ Điện Kremlin có bài phát biểu về xung đột Nga-Ukraine một ngày sau đó.

Quan trọng hơn cả, chuyến thăm còn nhằm trấn an dư luận Mỹ về cam kết của Washington. Dù Quốc hội Mỹ tiếp tục phê duyệt viện trợ cho Ukraine, Washington bắt đầu gặp khó trong thuyết phục cử tri rằng Mỹ có lợi ích vượt ra ngoài Đông Âu. Theo thăm dò tháng 12/2022 của Ipsos (Mỹ), 48% người dân tin rằng, Mỹ nên hỗ trợ Ukraine chừng nào còn cần thiết. Con số này giảm so với 58% tháng 7/2022. Hiện một số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện bắt đầu công khai kêu gọi chấm dứt hỗ trợ tài chính bổ sung cho Kiev.

Theo chuyên gia Viktoria Zhuravleva, Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, chuyến thăm là “nỗ lực của ông Biden nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ ở Mỹ trước chỉ trích của đảng Cộng hòa”, “thể hiện rằng chính quyền Mỹ vẫn kiểm soát” quá trình viện trợ cho Ukraine.

Trong khi đó, chuyên gia Harry Kazianis của Trung tâm vì lợi ích quốc gia (CNI) tại Mỹ nhận định rằng giới chức Nhà Trắng đang thiếu vắng một chiến lược với mục tiêu cụ thể về Ukraine. Do đó, chuyến thăm Kiev có thể giúp củng cố hình ảnh trong nước và quốc tế của ông Joe Biden trước thềm bầu cử năm 2024. Tuy nhiên, nó cũng mở ra “Chiếc hộp Pandora” khi buộc nhà lãnh đạo này định hình rõ ràng hơn về mục tiêu, chiến lược của Mỹ về vấn đề Ukraine, góp phần khép lại xung đột này.

Mai Lan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-my-tham-chau-au-mot-cong-doi-viec-217624.html