Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh yêu cầu thiết lập các tiêu chuẩn an toàn đối với AI

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành một sắc lệnh hành pháp, yêu cầu đánh giá mới về an toàn đối với trí tuệ nhân tạo (AI), đặt ra hướng dẫn bảo vệ quyền công bằng và dân sự để chống các thuật toán phân biệt đối xử của AI, nghiên cứu tác động của AI đối với thị trường lao động.

Tổng thống Joe Biden ký ban hành sắc lệnh yêu cầu thiết lập các tiêu chuẩn an toàn đối với việc sử dụng AI hôm 30-10. Ảnh: AP

Tổng thống Joe Biden ký ban hành sắc lệnh yêu cầu thiết lập các tiêu chuẩn an toàn đối với việc sử dụng AI hôm 30-10. Ảnh: AP

Sắc lệnh được ông Biden ký hôm 30-10 là hành động đầu tiên của chính phủ Mỹ nhằm thiết lập các tiêu chuẩn an toàn đối với một công nghệ mang lại sự hứa hẹn lớn nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng.

Sắc lệnh yêu cầu các công ty phải báo cáo với chính phủ liên bang về những rủi ro mà hệ thống AI của họ có thể hỗ trợ các nước khác hoặc những kẻ khủng bố chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sắc lệnh cũng tìm cách giảm bớt mối nguy hiểm của công nghệ deepfake (mạo danh) có thể ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử hoặc lừa đảo người tiêu dùng.

Phát biểu tại lễ ký sắc lệnh tại Nhà Trắng, ông Biden nói: “Công nghệ deepfake sử dụng âm thanh và video do AI tạo ra để bôi nhọ danh tiếng, truyền bá tin tức giả và thực hiện hành vi lừa đảo”.

Ông bày tỏ lo ngại những kẻ lừa đảo có thể lấy giọng nói của người khác và thao túng nội dung, biến một phát biểu bình thường thành một thứ gì đó độc hại hơn và sẽ nhanh chóng lan truyền.

Sắc lệnh trên nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm chứng minh rằng Mỹ, được coi là cường quốc hàng đầu về công nghệ AI, cũng sẽ đi đầu trong việc đưa ra quy định quản lý AI.

Tuy nhiên, ông Biden nói rõ rằng ông xem sắc lệnh này là bước đầu tiên trong nỗ lực quản lý an toàn một công nghệ toàn cầu mang lại nhiều hứa hẹn như chẩn đoán bệnh tật, dự đoán lũ lụt và những tác động khác của biến đổi khí hậu, nhưng cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm đáng kể.

“Một điều rõ ràng là để hiện thực hóa hứa hẹn của AI và tránh những rủi ro, chúng ta cần quản lý công nghệ này”, ông nhấn mạnh.

Hiện tại, châu Âu cũng đang thúc đẩy các quy tắc riêng để quản lý AI. Tối 31-10, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến Anh để dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế về sử dụng AI an toàn do Thủ tướng Anh Rishi Sunak chủ trì.

“Chúng tôi có nghĩa vụ đạo đức xã hội để đảm bảo rằng AI được triển khai và nâng cao theo cách bảo vệ công chúng khỏi những tổn hại có thể xảy ra. Chúng tôi muốn những hành động mà chúng tôi đang thực hiện trong nước sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho hành động quốc tế”, bà Harris nói trước chuyến thăm.

Trong khi các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ đã cảnh báo họ sẵn sàng áp dụng luật hiện hành để giải quyết các hành vi lạm dụng AI và Quốc hội Mỹ đang nỗ lực tìm hiểu thêm về công nghệ AI để xây dựng luật mới, thì sắc lệnh trên có thể có tác động ngay lập tức hơn.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, sắc lệnh đặt ra những nhiệm vụ quan trọng dưới đây:

– Tạo ra các tiêu chuẩn an ninh và an toàn đối với AI, bao gồm yêu cầu một số công ty AI chia sẻ kết quả kiểm nghiệm tính an toàn với chính quyền liên bang trước khi chính thức ra mắt công cụ AI của họ.

– Ngăn chặn các rủi ro khi sử dụng AI để chế tạo các vật liệu sinh học nguy hiểm bằng cách phát triển các tiêu chuẩn mới mạnh mẽ để xét duyệt tài trợ của liên bang dành cho các dự án liên quan đến tổng hợp sinh học.

– Bảo vệ người Mỹ khỏi gian lận và lừa đảo do AI hỗ trợ bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn và phương pháp tốt nhất để phát hiện nội dung do AI tạo ra và xác thực nội dung chính thức. Bộ Thương mại Mỹ sẽ phát triển hướng dẫn về xác thực nội dung và hình mờ để gắn nhãn rõ ràng cho nội dung do AI tạo ra.

– Bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng, bao gồm tạo ra các hướng dẫn mà các cơ quan liên bang có thể sử dụng để đánh giá các kỹ thuật bảo vệ quyền riêng tư được sử dụng trong các công cụ AI.

– Thúc đẩy quyền công bằng và quyền dân sự bằng cách cung cấp hướng dẫn cho các chủ cho thuê bất động sản, nhà thầu liên bang và các chương trình phúc lợi liên bang để giúp ngăn chặn các thuật toán AI thúc đẩy sự phân biệt đối xử.

– Đảm bảo sự công bằng trong toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự bằng cách phát triển các biện pháp thực hành tốt nhất về sử dụng AI trong kết án, phóng thích trước thời hạn, trả tự do và giam giữ trước khi xét xử, dự báo tội phạm, phân tích pháp y…

– Hỗ trợ người lao động bằng cách đưa ra một báo cáo về tác động tiềm tàng của AI đối với thị trường lao động và nghiên cứu các giải pháp mà chính phủ liên bang có thể hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng khi AI gây xáo trộn thị trường việc làm.

– Thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh bằng cách mở rộng tài trợ cho nghiên cứu AI trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và hiện đại hóa các tiêu chí cấp thị thực cho lao động nhập cư chuyên môn cao ở lại Mỹ.

– Hợp tác với các đối tác quốc tế để triển khai các tiêu chuẩn AI trên toàn thế giới.

– Xây dựng hướng dẫn sử dụng và mua sắm AI của các cơ quan liên bang, đồng thời đẩy nhanh việc tuyển dụng nhân sự có tay nghề cao trong lĩnh vực này của chính phủ.

Sarah Kreps, giáo sư tại Viện Chính sách công nghệ tại Đại học Cornell, nhận định nhiều nhiệm vụ trong sắc lệnh trên sẽ khó thực hiện. Chẳng hạn, sắc lệnh kêu gọi các cơ quan chính phủ nhanh chóng tuyển dụng các chuyên gia AI nhưng họ sẽ khó cạnh tranh với các mức lương từ khu vực tư nhân.

Trong khi các doanh nghiệp thường khó chịu với quy định quản lý mới của chính quyền liên bang thì lãnh đạo ở các công ty như Microsoft, Google, OpenAI và Meta đều nói rằng họ hoàn toàn mong đợi chính phủ sẽ quản lý công nghệ AI. Họ hy rằng việc chính phủ chứng nhận an toàn đối một số sản phẩm dựa trên AI của họ có thể làm giảm bớt mối lo ngại của người tiêu dùng. Trước đó, CEO của Microsoft, Google, OpenAI và Anthropic cùng ba công ty khác khẳng định họ tự nguyện cam kết thử nghiệm an toàn và an ninh đối với hệ thống AI của họ.

Theo CNBC, NY Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tong-thong-joe-biden-ky-sac-lenh-yeu-cau-thiet-lap-cac-tieu-chuan-an-toan-doi-voi-ai/