Tổng thống Bolivia từ chức: Qua rồi 'sóng hồng' Mỹ - Latin?

Việc nhà lãnh đạo Bolivia Evo Morales từ chức ngày 10/11 sau 14 năm cầm quyền đã báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên cầm quyền của cánh tả Mỹ Latin. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Ông Evo Morales đã phải rời khỏi vị trí Tổng thống Bolivia sau 14 năm cầm quyền. (Nguồn: The Independent)

“Sóng hồng” (pink tide) được dùng để chỉ thế hệ chính trị gia thiên tả lên lãnh đạo tại các quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latin từ cuối những năm 1990 cho tới nay. Là người khởi xướng phong trào này, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, cùng với cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva và cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales, được cựu Tổng thống Brazil Cristina Fernandez Kirchner coi là “ba chàng lính ngự lâm” của cánh tả tại Nam Mỹ.

Nếu như ba chàng lính ngự lâm trong tác phẩm cùng tên của đại văn hào Alexander Dumas có mục tiêu cụ thể là xóa bỏ sự chuyên quyền của Hồng y Giáo chủ Richelieu, “ba chàng ngự lâm” của phe cánh tả Nam Mỹ có chung mục tiêu là thực thi các chính sách nhằm thay đổi cơ cấu nền kinh tế dựa trên phân phối tài sản và quốc hữu hóa doanh nghiệp, hạn chế và chống lại sự chi phối đến từ Mỹ. Trong thời gian cầm quyền, ba chính trị gia này đều đã mang đến nhiều thay đổi tích cực cho đất nước của họ.

Tuy nhiên, kịch bản nào rồi cũng có hồi kết. Ông Hugo Chavez mất vì bạo bệnh năm 2013. Năm 2018, ông Lula Da Silva, người từng có tên trong danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng nhất Thế giới của Time năm 2010, trở thành Tổng thống thứ năm của Brazil phải “vào tù ra tội” và đầu tiên bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng.

Nay, lại đến lượt ông Evo Morales cũng chẳng thể tránh khỏi số phận. Trước đó, ông đã gặp phải sự phản đối khi tiến hành thay đổi Hiến pháp để chạy đua cho một nhiệm kỳ thứ Tư. Tuy nhiên, ngay cả khi chiến thắng trong bầu cử hồi tháng 10 vừa qua, ông Morales vẫn buộc phải từ chức khi không còn nhận được sự ủng hộ của phe quân đội và cảnh sát.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của ông Morales nói riêng và các lãnh đạo thuộc phe “sóng hồng” nói chung?

Yếu tố đầu tiên cần đề cập là thời thế. Tốc độ phát triển kinh tế của những quốc gia Mỹ Latin trong giai đoạn cuối năm 1990 – 2010 được hưởng lợi không nhỏ từ giá cả tăng ổn định của tài nguyên thiên nhiên như dầu và kim loại. Chính sách của Trung Quốc hướng tới mở rộng quan hệ với các nước Nam Mỹ nhằm phục vụ nhu cầu phát triển, đồng thời làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại đây cũng đóng vai trò lớn trong sự bùng nổ của các nền kinh tế Mỹ Latin.

Tuy nhiên, thăng trầm của giá nguyên liệu thô thế giới thời gian trở lại đây đã khiến các quốc gia có cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu tài nguyên thô như Venezuela hay Bolivia gặp khó khăn. Sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực Mỹ Latin dưới thời Tổng thống Donald Trump và thay đổi chính sách của Trung Quốc cũng ít nhiều dẫn đến sự thay thời đổi thế như hiện nay.

Yếu tố thứ hai là nghị trình. Chính sách của phe “sóng hồng” gặt hái một số thành công ngắn hạn, song lại đuối sức về dài hạn. Cụ thể, trong hai nhiệm kỳ đầu, ông Evo Morales đã đạt được nhiều thành tựu đáng kinh ngạc khi xây dựng hệ thống giáo dục hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ mù chữ, xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc, bảo đảm quyền công dân và con người, nâng cao vai trò của phụ nữ trong quản lý nhà nước và hơn hết, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao.

Tuy nhiên, ở cuối nhiệm kỳ thứ hai và nhiệm kỳ thứ ba, người dân đã tỏ ra bất mãn với ông Morales do chưa khắc phục tình trạng thất nghiệp tràn lan, cơ sở hạ tầng yếu kém, cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, cho phép khai thác hydrocarbon tại các công viên quốc gia cùng vụ scandal cá nhân, có con riêng và ưu ái công ty của người tình. Những cam kết và chính sách giúp ông giành được sự ủng hộ giờ đây lại trở thành rào cản mà ông cần vượt qua. Việc Tổng thống Morales cố gắng níu kéo quyền lực bằng cách thay đổi Hiến pháp để tham gia tranh cử là giọt nước tràn ly.

Tìm kiếm sự ổn định kinh tế - xã hội hiện đang trở thành bài toán cấp bách nhất tại nhiều quốc gia Mỹ Latin hiện nay, từ Bolivia tới Venezuela, Brazil hay Chile. Ở thời điểm hiện tại, các chính trị gia cánh tả "mang màu sắc Mỹ - Latin" không còn là sự lựa chọn của người dân tại đây. Làn “sóng hồng” năm nào giờ đã tan thành bọt biển, song “trường giang sóng sau xô sóng trước”: Thay thế nó có thể sẽ là cơn sóng mới mang tên dân túy, như đã từng diễn ra tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới thời gian qua. Nhưng chắc hẳn, cũng như làn sóng hồng năm xưa, dân túy ở lục địa này sẽ mang nhiều nét riêng mà chỉ có Mỹ - Latin mới có.

Minh Vương

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-bolivia-tu-chuc-qua-roi-song-hong-my-latin-104314.html