Tổng Thanh tra Chính phủ: 'Tham nhũng - tội phạm không biên giới'

Tham nhũng gây trở ngại cho các hoạt động của nền kinh tế vĩ mô, kìm hãm hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ lẻ.

Đó là một trong những nhận định của ông Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ, tại phiên khai mạc phiên họp Nhóm công tác về Chống tham nhũng và Hội thảo thúc đẩy sự cam kết trong chống tham nhũng của APEC, ngày 18/2.

Phiên họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cấp cao APEC(SOM 1) và các cuộc họp liên quan đang diễn ra tại TP Nha Trang, Khánh Hòa.

Phát biểu trước đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC tham dự sự kiện, ông Sáu nhấn mạnh: “Tham nhũng là một tội phạm không biên giới, và như công ước của liên hiệp quốc về chống tham nhũng đã khẳng định tính nghiêm trọng của các vấn đề do tham nhũng gây ra có thể đe dọa sự ổn định an ninh xã hội , xâm phạm các thể chế và các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý, cản trở sự phát triển bền vững và nguyên tắc nhà nước pháp quyền".

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu (trái) trao đổi với các đại biểu tham gia phiên họp Nhóm công tác về Chống tham nhũng của APEC

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu sôi động hiện này, tội phạm tham nhũng liên kết với các tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm quốc tế rửa tiền làm thất thoát và sử dụng sai trái một nguồn lực quan trọng của các quốc gia, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ổn định chính trị và phát triển bền vững của các quốc gia, làm cạn kiệt nguồn đầu tư nội địa, làm giảm đáng kể các nguồn đầu tư của nước ngoài.

"Tham nhũng không chỉ gây trở ngại cho các hoạt động của nền kinh tế vĩ mô mà còn kìm hãm hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp, của hàng hóa bị suy giảm vì chi phí cao do các thủ tục rối rắm và các chi phí hối lộ, bôi trơn.

Chính phủ Việt Nam coi tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, thường xuyên và cấp bách dù khó khăn, phức tạp, lâu dài”, ông Phan Văn Sáu nhấn mạnh.

Theo đánh giá của ông Sáu, thì công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Các biện pháp phòng ngừa được điều chỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được phát hiện, điều tra, xử lý với bản án nghiêm minh, có tác dụng răn đe, ngăn chặn tham nhũng.

Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia trong phòng, chống tham nhũng từ cả khu vực công và tư, các tổ chức phi chính phủ, báo chí độc lập

Luật phòng chống tham nhũng cũng đã quy định nhiều biện pháp hiệu quả nhằm khuyến khích và đảm bảo sự tham gia hiệu quả, tích cực, chủ động của người dân trong phòng, chống tham nhũng.

Ông Phan Văn Sáu cho biết: “Kết quả của Hội thảo sẽ là đầu vào của Nhóm công tác của phòng, chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch của APEC xây dựng các văn bản mang tính chất định hướng, hay cam kết để đảm bảo sự tham gia hiệu quả, an toàn của xã hội; trong đó có doanh nghiệp vào phòng chống tham nhũng trong thời gian tới”.

Vấn đề chống tham nhũng càng trở nên nhức nhối hơn, khi trong một diễn biến liên quan, tại buổi công bố khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM đã tiết lộ, một hình thức phiền hà khác khiến không ít doanh nghiệp Nhật khó chịu đó là những khoản chi phí không chính thức vào các dịp lễ, Tết.

“Dịp trước Tết nguyên đán vừa qua, các doanh nghiệp Nhật phản ánh phải chi khoản phí không chính thức. Dù điều này ở Việt Nam là bình thường nhưng không phải thông lệ quốc tế”, ông Takimoto Koji chia sẻ.

Theo ông Takimoto Koji, nếu Việt Nam muốn bằng với các nước trong khu vực cần phải thay đổi, xử lý triệt để điều này.

Mộc Miên (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tong-thanh-tra-chinh-phu-tham-nhung--toi-pham-khong-bien-gioi-3329426/