Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới gần 483 triệu ca

Đến 6 giờ sáng 29/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 482.772.722 ca, trong đó có 6.150.624 người tử vong.

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 482.772.722 ca, trong đó có 6.150.624 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 417 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 59 triệu ca và trên 60.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 28/3, thế giới có 74 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.

Trong 1 ngày qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 214.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 330 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn.

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 26 triệu trường hợp và 399.482 ca tử vong. Trong ngày 28/3, Việt Nam có số ca mắc mới (91.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Philippines ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (131 ca).

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Nhân viên y tế và các bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Ruijin, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày 24/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

VTV cũng đưa tin, Mỹ tiếp tục là quốc gia đứng đầu về số ca mắc COVID-19 với 81.621.888 ca, trong đó có 1.003.467 ca tử vong. Cuối tuần qua, Hawaii là bang cuối cùng nới lỏng các quy định hạn chế. T

Ngày 28/3, Bộ Y tế Campuchia thông báo chỉ phát hiện 54 ca nhiễm mới (đều nhiễm biến thể Omicron) và không có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, giới chức Campuchia cảnh báo biến thể lai giữa Omicron và Delta, có tên gọi Deltacron, đã xuất hiện ở biên giới Thái Lan và có nguy cơ xâm nhập vào nước này theo dòng người lao động từ Thái Lan về nước đón Tết Khmer truyền thống vào tháng tới.

Tại Trung Quốc, giới chức thành phố Thâm Quyến ngày 27/3 thông báo địa phương này đã nối lại hoạt động làm việc và sản xuất như thường lệ, đồng thời nới lỏng biện pháp hạn chế ăn uống tại các địa điểm trong nhà. Trong khi đó, chính quyền thành phố Thượng Hải thông báo phong tỏa từng phần từ ngày 28/3 để phục vụ việc triển khai xét nghiệm COVID-19 trên toàn thành phố. Giới chức khẳng định biện pháp trên nhằm hạn chế virus lây lan, bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân và đạt mục tiêu sớm đưa số ca mắc bệnh trong cộng đồng về 0.

Xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc. Ảnh: AP

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày 28/3 lần đầu tiên sau 25 ngày giảm xuống dưới ngưỡng 200.000 ca, một dấu hiệu cho thấy giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đã qua. Phát biểu tại một cuộc họp cùng ngày, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kwon Deok-cheol cho biết làn sóng lây nhiễm đã đạt đỉnh vào tuần trước và hiện chuyển sang xu hướng giảm sau 11 tuần.

Còn tại Jordan, chính phủ nước này đã cho phép các hoạt động tập trung đông người trong nhà và ngoài trời dưới mọi hình thức. Tại những địa điểm ngoài trời, người dân không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, người dân đã có thể tới cầu nguyện tại các đền thờ Hồi giáo và những địa điểm thờ tự khác.

Tại Anh, chuyên gia Paul Hunter, giáo sư chuyên ngành bệnh truyền nhiễm tại Đại học East Anglia, nhận định làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron ở nước này đã đạt đỉnh và có thể sẽ dần hạ nhiệt trong các tuần tiếp theo. Giáo sư Hunter cho rằng, biến thể dòng phụ BA.2 của Omicron đang yếu dần trong cộng đồng, song trước mắt các ca nhập viện và tử vong liên quan đến COVID-19 vẫn có thể tiếp tục tăng.

Dữ liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho thấy tại Anh và xứ Wales, cứ 16 người thì có 1 người dương tính với biến thể phụ BA.2, và tại Scotland, cứ 11 người thì sẽ có 1 trường hợp dương tính. Tuy nhiên, theo Giáo sư Hunter, số ca từ giữa tháng 3 và tỷ lệ lây nhiễm đã giảm hơn một nửa. Ông cho rằng xu hướng dịch tại Anh sẽ diễn biến tương tự như tại Đan Mạch và Hà Lan – nơi có số ca nhiễm BA.2 giảm sau khi đạt đỉnh. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 sẽ vẫn tiếp tục tăng ở nhóm người cao tuổi, dù tỷ lệ có thể giảm so với trước đó.

BP (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/tong-so-ca-mac-covid-19-tren-toan-cau-da-len-toi-gan-483-trieu-ca-20220329082601.htm