Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất: Nhìn lại để vững vàng bước tiếp

Chiều 16/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức họp Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất.

Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng chủ trì cuộc họp.

Gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, tổ chức sự kiện và thông tin, tuyên truyền

Theo báo cáo của thường trực tổ giúp việc Ban chỉ đạo, các hoạt động tổng kết sẽ được triển khai trên ba trụ cột, có sự gắn kết chặt chẽ, đó là: Nghiên cứu khoa học; các hoạt động, sự kiện; công tác thông tin, tuyên truyền.Từng tuyến nhiệm vụ đều được cụ thể hóa, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, thu hút sự tham gia của các cơ quan chủ chốt trong lĩnh vực VHNT.

Đối với tuyến nghiên cứu khoa học, nội dung tổng kết bao gồm 5 nhiệm vụ khoa học, với sự tham gia của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức các hoạt động tọa đàm về những vấn đề then chốt; tiến tới tổ chức hội thảo ở từng lĩnh vực VHNT, trên cơ sở đó, sẽ tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025): những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đồng chí trong Ban Chỉ đạo tại cuộc họp chiều 16/4 tại Hà Nội.

Tập trung làm rõ các nhóm vấn đề như bối cảnh lịch sử, sự phát triển của nền VHNT Việt Nam 50 năm qua; quá trình vận động, thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra trên các phương diện cơ bản như đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; sáng tác, lý luận, phê bình, phương thức truyền bá VHNT; vấn đề giới thiệu, quảng bá VHNT Việt Nam ra nước ngoài và tiếp nhận VHNT nước ngoài ở Việt Nam; thực trạng, xu hướng phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ và công chúng của VHNT; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển VHNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về các hoạt động, sự kiện, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương sẽ phát động, tổ chức trong các cấp hội và hội viên cả nước sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT với chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”, triển lãm, bình chọn, tôn vinh các tác phẩm VHNT tiêu biểu trong giai đoạn 1975-2025 có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chặng đường phát triển đáng tự hào qua nửa thế kỷ của nền VHNT Việt Nam.

Đặc biệt, trong dịp này sẽ có Hội nghị văn nghệ toàn quốc, tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu ở trong nước và nước ngoài. Tại Hội nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại; từ đó củng cố niềm tin, khát vọng cống hiến, cùng xác định tầm nhìn, tâm thế, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với tương lai đất nước và sự phát triển của VHNT nước nhà trong giai đoạn mới; tôn vinh những văn nghệ sĩ có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển nền VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.

Công tác thông tin, tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, trong đó trọng tâm là các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ tập trung phản ánh đậm nét nội dung, ý nghĩa, thành tựu của VHNT và vai trò, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà; tăng cường quảng bá các tác phẩm xuất sắc của nền VHNT Việt Nam nửa thế kỷ qua... Các nhà xuất bản tổ chức xuất bản mới hoặc tái bản các tác phẩm VHNT, công trình nghiên cứu tiêu biểu, xuất sắc 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp.

Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đảng ủy Công an Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương có một số nhiệm vụ: Tổ chức các hội thảo, tọa đàm tổng kết thành tựu và những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực VHNT của ngành, địa phương trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; phát động và tổ chức sáng tác các tác phẩm VHNT về chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách, nguồn lực thúc đẩy phát triển VHNT của ngành, địa phương; chăm lo đời sống, tạo điều kiện làm nghề cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ cao tuổi, có nhiều công lao, cống hiến, đóng góp; tăng cường giáo dục, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên trong các nhà trường; tổ chức triển lãm, biểu diễn nghệ thuật về chủ đề “50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất”; tuyên truyền sâu rộng về các hoạt động tổng kết...

Đánh giá toàn diện, đầy đủ về 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất

Tại cuộc họp, đại diện các địa phương, tổ chức hội cũng đã báo cáo công tác triển khai kế hoạch, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp nhằm triển khai kế hoạch hiệu quả nhất.

Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh về việc cần có nghiên cứu đánh giá toàn diện, đầy đủ về 50 năm nền VHNT Việt Nam và nên có sự thống nhất về mặt phương pháp triển khai kê hoạch, có bản đề cương tổng thể, có những tổng kết chuyên sâu ở từng chuyên ngành. Mục tiêu cuối cùng của việc triển khai kế hoạch là đánh giá được nền VHNT sau ngày thống nhất đất nước đến nay, đánh giá thành tựu, kết quả, nguyên nhân tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục; có thể phân chia từng giai đoạn phát triển và phải đặt bối cảnh phát triển trong tình hình chung của thế giới. Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nên chắp bút tổng kết và đây sẽ là bản tổng kết hết sức công phu, đồ sộ.

Đồng chí Trần Hồng Hà cho rằng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhưng quan trọng phải là chất liệu truyền thông. Vì vậy, phải gắn trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu lý luận, có sự gắn kết giữa các khâu nghiên cứu, tổng kết, lý luận và truyền thông.

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết trong cuộc họp.

Tổng kết cuộc họp, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp thu các ý kiến và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hơn trong quá trình triển khai kế hoạch.

Biểu dương sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan trung ương và địa phương, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong quá trình triển khai kế hoạch, phải thống nhất về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu của tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, gắn tổng kết này với các tổng kết quan trọng khác, trong đó có tổng kết Nghị quyết 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành, nhất là ngành chuyên môn, các địa phương quan tâm trong quá trình triển khai kế hoạch, huy động nhiều nguồn lực để tổ chức các hoạt động và các hoạt động của địa phương không trùng thời gian với các sự kiện có ý nghĩa quốc gia. Cần tổ chức thông tin và truyền thông sâu rộng ở trong nước và quốc tế. Hoạt động lý luận, phê bình VHNT đẩy mạnh, tích cực đấu tranh với các quan điểm, sai trái thù địch….

“Tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước là nhiệm vụ rất lớn, với các hoạt động phong phú, toàn diện, với tinh thần nhìn lại để vững vàng bước tiếp. Ở tất cả các tuyến nhiệm vụ, đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT, văn nghệ sĩ giữ vai trò nòng cốt. Đó thực sự là cuộc hội tụ của giới VHNT toàn quốc, để lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp mang tầm thế kỷ, quyết tâm cùng nhau cống hiến vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của các cơ quan, đơn vị liên quan”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tong-ket-50-nam-nen-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-sau-ngay-dat-nuoc-thong-nhat-nhin-lai-de-vung-vang-buoc-tiep-i728444/