Tổng giám đốc Công ty AIC nói gì về nghi vấn máy tính bảng?

Dư luận hiện đang xôn xao trước thông tin Sở GDĐT TPHCM phối hợp với Cty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đưa ra đề án sách giáo khoa (SGK) điện tử cho học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 3 trên địa bàn TP với tổng kinh phí 4.000 tỉ đồng. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra quanh đề án này. Có hay không sự móc ngoặc giữa Sở GDĐT với AIC để bán máy tính bảng chất lượng kém, giá cao cho HS? Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC - về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty AIC

Sau cuộc hội thảo SGK điện tử và máy tính bảng của Sở GDĐT TPHCM ngày 18.8 vừa qua, dư luận xôn xao thông tin cho rằng mục tiêu của hội thảo là để bán máy tính bảng. Trong đó Cty AIC đã mua với giá 900.000 đồng từ Đài Loan để đưa vào các trường tiểu học của TPHCM với giá từ 3-5 triệu đồng. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi thực sự rất ngạc nhiên. Trước tiên tôi xin khẳng định rằng, Công ty chúng tôi chưa bao giờ nhập loại máy tính bảng nào 7 inch với giá 900.000 đồng/chiếc để đưa vào bất cứ dự án giáo dục nào tại TPHCM hay các địa phương khác. Chúng tôi có mua máy tính bảng và nhập qua cảng Hải Phòng về là để phục vụ cho các công việc nội bộ của công ty chúng tôi, để chạy thử các phần mềm thử nghiệm và tặng cho cán bộ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập công ty, tuy nhiên loại máy tính bảng này cũng không phải là 7 inch và cũng không có giá 900.000 đồng/chiếc như các thông tin đã đưa.

Hơn nữa, đề án 123 của Sở GDĐT TPHCM bây giờ mới là giai đoạn hội thảo để lấy ý kiến, sau khi lấy ý kiến xong mới xây dựng và hoàn thiện đề án, sau đó mới trình các cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt, từ việc phê duyệt đó đến việc xây dựng ra các dự án thành phần rồi mới xây dựng kế hoạch để đấu thầu, rồi tổ chức đấu thầu công khai, trong đó nhà thầu nào đáp ứng được các yêu cầu với mức giá hợp lý nhất và chất lượng tốt nhất sẽ được lựa chọn để đưa sản phẩm vào cho dự án. Vậy thật khó để có thể tin rằng, một sản phẩm như dư luận đang đặt ra được mua với mức giá 900.000 đồng bỗng dưng đã được đưa vào để bán cho học sinh tiểu học TPHCM trong khi không có bất cứ một cơ sở nào.

Bên cạnh đó, tất cả những người tham dự hội thảo đều biết rõ: Sở GDĐT TPHCM tổ chức hội thảo lần này là lần thứ hai để lấy ý kiến. Lần thứ nhất tổ chức vào ngày 18.7.2014 do công ty AVITECH và Intel trình bày, lần thứ hai là do Samsung và tư vấn nước ngoài trình bày về toàn bộ mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo bằng kinh nghiệm của các nước trên thế giới, trong đó việc sử dụng máy tính bảng hoặc máy tính cùng với sách giáo khoa điện tử là một trong các giải pháp để ứng dụng CNTT nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Công ty tôi đến dự với tư cách là khách mời, trong đó tôi có trực tiếp phát biểu tại hội thảo là đề xuất thành phố nếu như có phê duyệt đề án thì nên lựa chọn các hãng lớn, có chất lượng tốt trong đó nên ưu tiên cho SamSung và Intel là 2 hãng lớn đã đầu tư tại Việt Nam và nên mua trực tiếp từ các hãng này mà không cần thông qua chúng tôi để có thể có mức giá hợp lý nhất cho học sinh.

Bà có nghe dư luận nói công ty AIC và NXB Giáo dục ký hợp tác độc quyền và “bắt tay nhau”, nghĩ ra đề án đưa SGK điện tử và máy tính bảng vào trường học, sau đó lôi kéo TPHCM thực hiện ?

- Thông tin này tôi biết được trên báo chí ngày 25.8. Công ty chúng tôi là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và việc chúng tôi ký kết hợp đồng với NXB Giáo dục để nghiên cứu và sản xuất SGK điện tử hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, được pháp luật cho phép. Khi ký kết chúng tôi công bố công khai, rất nhiều báo chí thời điểm đó đã thông tin rộng rãi.

Việc doanh nghiệp chúng tôi và NXB Giáo dục hợp tác với nhau không liên quan gì tới việc TPHCM thực hiện đề án 123. Không có căn cứ nào cho thấy Công ty AIC hay NXB Giáo dục “bắt tay”, “đi đêm” hay thậm chí “xúi giục” TPHCM triển khai đề án để bán thiết bị.

NXB Giáo dục được cho phép để xây dựng bộ sách giáo khoa điện tử, trên thực tế đã có một công ty có cổ phần của NXB Giáo dục ban hành phiên bản Classbook đi kèm với máy tính bảng được bán ra thị trường từ năm 2013 với giá hơn 4 triệu đồng. Đến nay chúng tôi được biết sản phẩm này đang được cài vào máy tính bảng có chip của Intel bán tại địa bàn TPHCM với giá 5.800.000 đồng/máy (có showroom tại 40 Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM).

Điều này chứng minh rằng, NXB Giáo dục không hợp tác độc quyền với chúng tôi toàn bộ sách giáo khoa điện tử của họ như báo chí nói và sách giáo khoa điện tử có thể đi kèm với máy tính bảng của nhiều hãng khác nhau để đưa vào thị trường, chứ không phải đi cùng với các sản phẩm công ty chúng tôi theo hình thức xúi giục hay chỉ định .

Nhiều nước tiên tiến trên thế giới không phủ nhận vai trò của các thiết bị thông minh trong đổi mới giáo dục nhưng không phải nước nào cũng thành công. Thái Lan mới đây đã xóa máy tính bảng, xây lớp học thông minh. Bà có lo ngại Việt Nam sẽ “dẫm vào vết xe đổ” như Thái Lan không?

- Báo chí dẫn ví dụ Thái Lan thất bại khi xây dựng phòng học thông minh với máy tính bảng và SGK điện tử. Tôi cho rằng thông tin đó chưa đủ vỉ khi chuyển đổi mô hình giáo dục, đầu tư cho trường học thông minh có nước thất bại nhưng có nhiều nước thành công như Anh hoặc Hàn Quốc. Vậy vì sao các nước như Thái Lan thất bại, ngoại trừ yếu tố chính trị, tôi cho rằng còn có nguyên dân là vì họ đã không đặt phòng học thông minh trong giải pháp tổng thể và chưa có bước đi phù hợp. Rút kinh nghiệm này, chúng ta cần tiến hành đồng thời các giải pháp đồng bộ từ việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống trang thiết bị, trung tâm cơ sở học liệu, hệ thống các chương trình quản lý, hệ thống các chương trình kết nối giao lưu quốc tế, bên cạnh đó cần phải đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên để có thể sử dụng và khai thác hết các ưu điểm của hệ thống.

Xin cảm ơn Bà!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/tong-giam-doc-cong-ty-aic-noi-gi-ve-nghi-van-may-tinh-bang-238032.bld