Tổng giám đốc CII cùng vợ hoàn tất thoái vốn, chuyển sang vị thế có lợi hơn cổ đông đại chúng

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII cùng vợ đã đăng ký mua trái phiếu chuyển đổi. Tạm thời ông Bình và vợ đã chuyển vị thế từ cổ đông sang thành chủ nợ của công ty.

Tổng Giám đốc cùng vợ thoái sạch vốn, cổ phiếu CII lao dốc

Sau khi bán ra toàn bộ 10 triệu cổ phiếu, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (Mã CII) đã mua lại trái phiếu chuyển đổi của công ty như đã hứa.

Cụ thể, trước đó ông Bình đã bán hơn 6 triệu cổ phiếu CII, giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,13% vốn điều lệ xuống còn 0%. Bà Hằng, vợ ông Bình bán 4 triệu cổ phiếu CII, giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,41% xuống còn 0%. Cả hai giao dịch được thực hiện từ 10/10 đến 23/10.

Tổng giám đốc CII thoái vốn toàn bộ, mua trái phiếu chuyển đổi (Ảnh TL)

Bài liên quan

Tổng Giám đốc CII nói gì về việc bán toàn bộ cổ phiếu CII ngay trước thềm đại hội

Công ty con của CII đăng ký mua 4,2 triệu cổ phiếu NBB bất chấp kinh doanh ‘èo uột’

Tự tin nhận 6 dự án BOT 75.000 tỷ dù vay nợ chồng chất, TGĐ của CII liền thoái sạch vốn

Nợ vay leo thang lên 13.000 tỷ, CII vẫn dự định phát hành 7.000 tỷ trái phiếu để tái cơ cấu

Trong buổi họp ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, ông Bình đã lên tiếng trấn an cổ đông. Theo ông Bình thì việc bán cổ phiếu đi là để ông có nguồn vốn mua trái phiếu chuyển đổi mà CII sắp phát hành. Theo ông Bình thì vị thế của ông với công ty không thay đổi sau các giao dịch này.

Tuy nhiên, từ ngày 10/10 đến ngày 23/10, khi giao dịch bán cổ phiếu của ông Bình và vợ diễn ra, mã CII đã liên tiếp giảm giá từ 18.400 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 15.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, CII đã giảm 15,2% trong thời gian ông Bình thoái vốn.

Như vậy, về cơ bản thì trong thời gian từ 10/10 - 23/10, cổ đông đại chúng của CII đang chịu thiệt do giá cổ phiếu sụt giảm.

Mua trái phiếu chuyển đổi, vị thế của TGĐ Bình và vợ với CII thay đổi như thế nào?

Giữ đúng lời hứa trước đó của mình, ông Lê Quốc Bình đã đăng ký mua 10 triệu quyền mua trái phiếu chuyển đổi mã CII42301. Bà Hằng, vợ ông Bình cũng đăng ký mua 6 triệu quyền mua trái phiếu chuyển đổi CII42301. Thời gian đăng ký giao dịch từ 26/10 - 9/11.

Trái phiếu mã CII42301 được CII phát hành với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Như vậy, ước tính ông Bình và vợ sẽ bỏ ra 162 tỷ đồng để mua vào lượng trái phiếu chuyển đổi này.

Sau khi giao dịch hoàn tất, ông Bình và vợ sẽ trở thành trái chủ, tương đương vị thế là chủ nợ của CII. Trong trường hợp chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, ông Bình và vợ sẽ một lần nữa trở thành cổ đông của công ty.

Tuy nhiên, nếu trái phiếu không chuyển đổi thành cổ phiếu, với vị thế trái chủ, ông Bình và vợ sẽ được ưu tiên trả nợ trước các cổ đông khác nếu CII bị phá sản. Đây vẫn là điều mà nhiều cổ đông CII cảm thấy băn khoăn khi ông Bình bán sạch cổ phiếu để mua trái phiếu chuyển đổi.

CII thoát lỗ Quý 2 chỉ nhờ doanh thu hoạt động tài chính

Kết quả kinh doanh Quý 2/2023 của CII ghi nhận doanh thu thuần 843,4 tỷ đồng, giảm khoảng 15,2% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm phần lớn với 641,6 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 250,6 tỷ đồng, giảm 55,4% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm sâu, từ 45,5% xuống chỉ còn 23,9%.

Đáng chú ý trong đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ 259,5 tỷ lên 461,9 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng tới 128,2%. Phần lớn doanh thu tài chính này là từ hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn, tiền gửi và trái phiếu.

Ngược lại, chi phí tài chính cũng tăng 41,2%, lên mức 454,8 tỷ đồng. Trong đó riêng chi phí lãi vay đã chiếm 363,6 tỷ đồng. Như vậy, riêng chi phí lãi vay, mỗi ngày CII đang phải trả tới 4 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng trong kỳ lần lượt ghi nhận ở mức 35,8 tỷ và 121,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Quý 2 đạt 83,3 tỷ đồng, giảm 34,3% so với cùng kỳ. Có thể thấy rằng nếu không nhờ khoản doanh thu tài chính 461,9 tỷ đồng thì CII gần như cầm chắc thua lỗ trong Quý 2.

Một điểm đáng chú ý nữa đó là trong cơ cấu tài sản của CII, công ty đang vay nợ ngắn hạn 6.039,4 tỷ đồng. Số nợ ngắn hạn này đã tăng 615,6 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ dài hạn cũng chiếm 7.112,3 tỷ đồng. Tổng nợ ngắn hạn và dài hạn của CII lên tới 13.151,7 tỷ đồng, cao hơn so với vốn chủ 62,2%.

Đây là một rủi ro tương đối lớn và trong ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, CII cũng từng công bố tài liệu họp nhấn mạnh về việc cần phải tái cơ cấu nguồn vốn để giảm tỷ lệ nợ vay trong nguồn vốn.

Du Uyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-giam-doc-cii-cung-vo-hoan-tat-thoai-von-chuyen-sang-vi-the-co-loi-hon-co-dong-dai-chung-post269727.html