Tống Duy Tân - Người học trò chí tình, chí nghĩa

Tống Duy Tân, sinh năm 1838 (có sách ghi năm 1837) ở làng Đông Biện, tổng Biện Thượng, nay là làng Bồng Trung, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc. Năm 1870, Tống Duy Tân đỗ cử nhân. Sau đó, năm 1875 ông thi đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Sau khi đỗ đại khoa, Tống Duy Tân được triều đình nhà Nguyễn phong Hàn lâm viện biên tu và giữ chức Thừa biện tại bộ Hình, sau đó giữ chức Tri phủ Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc)...

Ngôi nhà cổ bình dị là nơi Tống Duy Tân sinh ra và lớn lên (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc).

Do không đồng tình với thái độ của triều đình nhà Nguyễn với thực dân Pháp, Tống Duy Tân lấy cớ về chịu tang mẹ già (vợ cả của bố) ông cáo quan về quê dạy học. Tại quê nhà, Tống Duy Tân vừa dạy học, vừa bí mật chuẩn bị lực lượng chống thực dân Pháp. Năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, Tống Duy Tân được Tôn Thất Thuyết giao cho phụ trách chung phong trào chống Pháp xâm lược của văn thân Thanh Hóa, vừa trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh ở địa phương. Tống Duy Tân bị giặc Pháp bắt và bị hành quyết vào ngày 5/10/1892 tại tỉnh lỵ Thanh Hóa.

Tống Duy Tân nổi tiếng là người yêu nước, kiên cường chống giặc Pháp. Năm 1920, khi đang hoạt động ở nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc tức Bác Hồ của chúng ta đã đánh giá: “Tống Duy Tân là một nhà đại trí thức đấu tranh dũng cảm chống xâm lược Pháp” và khẳng định “Tôi tôn kính tất cả những Tống Duy Tân... cái chết của họ làm cho Tổ quốc họ sống lại, lòng can đảm của họ bất diệt” (Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch).

Tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm, can đảm trước kẻ thù của Tống Duy Tân đã được nhiều người biết đến. Bài viết này xin được nói về sự kiên trì học tập, sự chí tính, chí nghĩa với thầy học của Tống Duy Tân.

Tống Duy Tân sinh ra trên quê hương nổi tiếng có truyền thống học hành và khoa bảng. Từ các triều đại phong kiến, làng Bồng Trung đã có nhiều người đỗ đạt cao, trong đó có đỗ đại khoa. Dưới triều Nguyễn, làng có hai người đỗ đại khoa là Tống Duy Tân và Đỗ Thiên Kế, có 27 người đỗ cử nhân và trên 50 người đỗ tú tài. Riêng Tống Duy Tân đã phải bền gan, quyết chí, kiên trì học tập và mãi đến 37 tuổi mới đỗ đại khoa.

Theo phả ký họ Tống ở làng Bồng Trung do Tống Duy Tân chép vào năm Tự Đức thứ 25 (1872), trong đó có phần phụ thêm về tiểu phái của Tống Duy Tân để được dịch ra chữ Quốc ngữ, Tống Duy Tân chép về hoàn cảnh gia đình, về đường học hành của mình rất cụ thể.

Thân phụ Tống Duy Tân là cụ Năng Cán, cụ có 2 người vợ, người vợ thứ 2 sinh Tống Duy Tân, nhưng bà mất sớm khi Tống Duy Tân mới được 10 tuổi. Do hoàn cảnh bố mất sớm, nhà nghèo, cụ Năng Cán không được đi học vì thế cụ rất có chí cho con đi học để lập nghiệp về con đường học hành.

Năm 7 tuổi, Tống Duy Tân được bố cho đi học khai tâm với cụ Lạc người cùng làng. Đến năm 11 tuổi vào học với cụ Đốc Lê ở làng Biện Thượng. Cụ Đốc Lê tức Lê Khắc Úy, tên tục là Lê Văn Mặc, sinh năm 1815 ở làng Biện Thượng (kề với làng Đông Biện), nay là làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng. Lê Khắc Úy là thầy học của Tống Duy Tân trong những năm Tống Duy Tân bắt đầu đi học. Sau này cụ Lê Khắc Úy cũng đi thi và đỗ Tú tài vào năm Tự Đức thứ 8 (1855) và đến năm Tự Đức thứ 11 (1858) cụ thi đỗ Cử nhân và được triều đình bổ làm quan từ Huấn đạo huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) dần dần thăng lên Đốc học tỉnh Phú Yên.

Ngôi nhà Tống Duy Tân làm cho thầy học tại làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.

Sau 3 năm học với cụ Đốc Lê, năm 14 tuổi Tống Duy Tân vào học với cụ Tú Tài ở Cát Xuyên, huyện Hoằng Hóa, năm 15 tuổi vào học với cụ Tú tài ở huyện Nga Sơn. Từ năm 17 tuổi, Tống Duy Tân bắt đầu đi tập huấn với các quan Huấn giáo ở huyện Yên Định. Từ năm 20 tuổi đi học với các thầy tại Nam Định. Đến năm Bính Dần (1866) Tống Duy Tân đã cùng con trai là Tống Duy Tuynh khi đó mới 7 tuổi đến học và tu nghiệp văn bài trường ốc với cụ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Nhưng học được ít lâu, bố ở nhà bị bệnh nặng, Tống Duy Tân phải về chăm sóc và tự học.

Tống Duy Tân tự thấy bước đường về học hành và thi cử của mình quá chậm, đã làm cho bố rất phiền lòng. Đến trước lúc nhắm mắt, bố còn trối lại rằng: “Mày theo học đã nhiều năm mà vẫn chưa đỗ đạt gì, nay đã đến nước này... nhưng vì công lao học hành bấy lâu nay, cũng nên đạt được chút khoa danh nho nhỏ thời mới nên ở làng. Nếu không đạt được thời đem vợ con đến Sơn Tây làm nghề làm thịt chó làm sinh kế cho xong”. Tống Duy Tân ghi lại: “Nghe lời cha dặn như còn ở bên tai, như dặn đứa trẻ lên 9, lên 10 tuổi. Thương thay! Đau thay!”. Không phụ lòng cha, ông kiên trì học tập, cố công rèn luyện, cuối cùng đã đạt được kết quả.

Tống Duy Tân là người học trò quý trọng và chí tình, chí nghĩa với thầy học. Thấy hoàn cảnh gia đình quan Đốc Lê (Lê Khắc Úy) có nhiều khó khăn, sau khi Tống Duy Tân thi đỗ và đi làm quan, gia đình Tống Duy Tân lại có điều kiện về kinh tế, vì nhờ có bà nội để lại cho một số ruộng đất, nên Tống Duy Tân đã làm cho thầy ba gian nhà gỗ, xây tường, lợp ngói khang trang. Ngôi nhà hiện ở xóm Hát, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) và về sau con cháu quan Đốc Lê có làm thêm một gian buồng. Hiện ông Lê Hồng Thái là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Lê Khắc Úy đang ở và trông coi ngôi nhà này.

Đến nay, người nhà quan Đốc Lê và dân làng Bồng Thượng, Bồng Trung còn nhắc về cử chỉ cao đẹp, tấm lòng tôn sư trọng đạo của Tống Duy Tân. Đó là khi Tống Duy Tân đỗ đại khoa đi kiệu từ phủ lỵ Quảng Hóa về, khi qua nhà quan Đốc Lê, Tống Duy Tân cho hạ kiệu và vào nhà mời thầy cùng lên kiệu ngồi với mình để rước về làng. Thậm chí, chính Tống Duy Tân đã đứng ra làm ma chay cho thân mẫu của thầy Úy. Những hành động tôn sư trọng đạo ấy của Tống Duy Tân vẫn được người đời sau nhắc đến với sự kính trọng lớn.

Tấm gương Tống Duy Tân người học trò chí tình, chí nghĩa với thầy học sáng mãi muôn đời là thế.

Bài và ảnh: Lê Khắc Tuế (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/tong-duy-tan-nbsp-nbsp-nguoi-hoc-tro-chi-tinh-chi-nghia/29076.htm