Tổn thương da bằng sản phẩm làm sạch

Đừng vệ sinh da quá kỹ, đặc biệt là với các vùng da nhạy cảm như da mặt. Rửa mặt nhiều lần khiến da mất đi độ ẩm, mất cân bằng hệ vi sinh và dễ gây kích ứng.

Rửa mặt nhiều lần với các dung dịch làm sạch không phù hợp sẽ khiến da mất cân bằng độ ẩm và dễ bị kích ứng. Ảnh: T.N.

Chuyện này xảy ra một vài lần mỗi tuần. Một bệnh nhân bước vào phòng khám của tôi với tình trạng phát ban nghiêm trọng. “Tôi đã làm sạch da”, bệnh nhân đó giải thích trong khi chúng tôi đang xem xét làn da sần sùi và bị kích ứng nặng nề. “Nhưng dù tôi đã rửa sạch vài lần mỗi ngày thì tình hình vẫn không khá hơn”.

Tôi giải thích với bệnh nhân đó rằng vấn đề ở đây không phải là chỗ phát ban bị bẩn. Vấn đề là cô đã tắm rửa quá nhiều. Cô đang làm tổn thương da bằng sản phẩm làm sạch cô đang dùng, điều đó khiến cho da trở nên nhạy cảm và dễ phát ban. Dù cô có tắm rửa bao nhiêu lần thì tình hình vẫn không cải thiện, vì "nguyên nhân chính là làm sạch".

Trong xã hội hiện nay, chúng ta bị ám ảnh về sự sạch sẽ như một thứ thuốc tiên có thể chữa được mọi bệnh tật. Một trong những lý do khiến bệnh nhân của tôi tắm rửa quá nhiều là họ tin rằng điều đó sẽ khiến họ khỏe mạnh hơn - và đẹp hơn. Tắm rửa, làm sạch, tẩy da chết, khử trùng, dù có sử dụng cụm từ nào thì chúng ta cũng đang làm điều đó quá nhiều, và điều đó đã góp phần vào sự lan truyền đại dịch da nhạy cảm.

Cách giải quyết chính là phân biệt giữa vệ sinh vừa đủ và sạch sẽ quá mức. Tôi thích cách suy nghĩ của Tiến sĩ Sally Bloomfield, một chuyên gia của Vương quốc Anh trong lĩnh vực phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bà cho rằng chúng ta nên tách biệt hai khái niệm vệ sinh và sạch sẽ.

Theo bà, "vệ sinh vừa đủ" bao gồm những hoạt động cần thiết để bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh truyền nhiễm, rửa tay sau khi đi tàu điện ngầm về nhà là một ví dụ cho hoạt động giữ vệ sinh, bởi vì khi đó bạn đang loại bỏ vi khuẩn mình chạm phải ở thang cuốn, tay vịn trên tàu và các nút bạn nhấn trên máy bán vé.

Cuốn sách Để yên cho da khỏe đẹp mang tới những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ da liễu. Ảnh: H.H.

Ngược lại, Bloomfield cho rằng "sạch sẽ quá mức" là không có bụi bẩn, là cảm giác tươi mới, là khao khát nhận được sự chấp nhận từ xã hội: “Do vậy, chúng ta cần phân biệt các thói quen liên quan đến sự sạch sẽ, theo hướng không có bụi bẩn, diện mạo bên ngoài, sự chấp nhận của xã hội, cảm giác tươi mới và những hành động cần thiết để bảo vệ ta khỏi bệnh truyền nhiễm.”

Hoạt động tắm rửa giữ gìn sự khỏe mạnh và vệ sinh ít khắc nghiệt hơn quá trình gội rửa mà xã hội khiến ta tin rằng sẽ giúp ta sạch sẽ. Trên thực tế, chúng ta bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ đến mức điều đó khiến chúng ta không còn khỏe mạnh nữa.

Trong rất nhiều trường hợp, ta đã tắm rửa quá nhiều và làm hại đến lớp bảo vệ cơ thể giúp chúng ta tránh khỏi các yếu tố gây hại. Với danh nghĩa sạch sẽ, ta đã để da tiếp xúc với nhiều sản phẩm gây hại cho lớp bảo vệ mà lẽ ra có nhiệm vụ phục hồi da.

Vì đâu mà chúng ta đã tiến đến tình trạng không cảm thấy sạch sẽ nếu không ngâm mình trong xà phòng ít nhất một lần mỗi ngày? Thói quen vệ sinh và chăm sóc da của chúng ta đã thay đổi chóng mặt trong 120 năm trở lại đây. Trên thực tế, trong hàng thiên niên kỷ trong quá trình tiến hóa của động vật có vú, chúng ta cũng không can thiệp quá nhiều vào làn da.

Sandy Skotnicki & Chrsitopher Shulgan/ Huy Hoàng Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/ton-thuong-da-bang-san-pham-lam-sach-post1455043.html