Tôm từ đầm vào nhà kính

Ngoài nâng cao năng suất, nuôi tôm theo mô hình nhà kính còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giữa không gian hàng ngàn hecta đầm tôm ven biển, nhìn từ trên cao, 5 khu nhà kính nổi lên như 5 vỉ bánh tráng khổng lồ lấp lánh dưới ánh nắng vàng. Nhìn không khác những khu nhà kính trồng rau và hoa tại Đà Lạt nhưng bên trong là những đầm tôm với nhiều máy bơm ôxy chạy bọt trắng xóa. Một góc nhìn đẹp, nhẹ nhàng nhưng lại mang theo bao công sức vất vả trong nỗ lực chinh phục mô hình nuôi tôm hiện đại.

Lâu nay, những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ thường “5 ăn 5 thua” với đầm tôm của mình. Nếu con tôm bệnh chết là công sức cả mùa vụ đổ sông đổ biển. Chẳng hạn, tính đến đầu tháng 9.2016, nông dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thả nuôi 1.200 ha tôm vụ 2. Tuy nhiên, đã có 225 ha tôm bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân được người dân chia sẻ có thể là do nguồn nước sông bên ngoài bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi làm môi trường nước trong ao nuôi luôn biến động, dẫn đến xuất hiện một số bệnh trên tôm nuôi, nhất là bệnh đốm trắng xảy ra trên diện rộng. Rất nhiều hộ ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh... tạm ngưng nuôi vì thua lỗ kéo dài. Mặt khác, giá tôm từ đầu năm đến nay giảm mạnh, cộng với tình hình xuất khẩu khó khăn khiến người nuôi và doanh nghiệp chế biến điêu đứng.

Vì vậy, thời gian qua, một vài doanh nghiệp thử áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính “siêu thâm canh”. Kết quả bước đầu khá khả quan do giảm thiểu được rủi ro và kiểm soát tốt dịch bệnh. Do tôm nuôi mau lớn, thời gian nuôi ngắn nên một năm có thể nuôi từ 3-4 vụ.

Công ty Cổ phần Việt - Úc, một doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh tại Bạc Liêu, là đơn vị tiên phong ứng dụng mô hình nuôi tôm mới này. Công ty đã đầu tư hơn 180 tỉ đồng trên diện tích 50 ha, đạt sản lượng 40-80 tấn/ha/vụ, khoảng 300 tấn/ha/năm. Ước tính sản lượng tăng từ 10-15 lần so với cách nuôi tôm truyền thống của nhiều hộ dân. Mô hình tương tự đang được Công ty Hải Nguyên áp dụng trên diện tích hơn 60 ha, nhờ việc đầu tư mô hình khá hiện đại và khép kín nên có thể thả tôm thẻ chân trắng nuôi với mật độ cao từ 200-250 con/m 2 . Mỗi năm Công ty thu hoạch từ 900-1.000 tấn tôm, lợi nhuận hơn 100 tỉ đồng.

Đã có nhiều phương pháp như nuôi tôm trải bạt, nuôi tôm xen canh lúa, tôm ao đầm... với những ưu nhược điểm khác nhau. Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt - Úc, giải thích: “Tại Việt Nam, có nhiều mô hình nuôi tôm khác nhau như nuôi quản canh có mật độ 3-6 con/m 2 , bán thâm canh mật độ cao hơn có thể từ 70-100 con/m 2 . Còn mô hình nuôi siêu thâm canh sẽ có mật độ 300-500 con/m 2 . Khu nuôi siêu thâm canh được ứng dụng những công nghệ cao như: công nghệ nhà màng Israel, công nghệ lọc nước tuần hoàn theo chu kỳ của Đức và Mỹ, công nghệ vi sinh...”.

Đầm nuôi tôm trong nhà kính của Công ty Việt - Úc. Ảnh: doanhnhansaigon.vn

Theo ông Tuấn, quá trình triển khai công nghệ nuôi tôm theo mô hình mới cũng gặp nhiều khó khăn, trung bình chi phí đầu tư vào khoảng 7 tỉ đồng/ha, nếu so sánh với chi phí đầu tư mô hình khác cao hơn gấp khoảng 10 lần. Tuy nhiên, mô hình đầu tư này là hướng đi mới có thể giúp ngành nuôi tôm xuất khẩu của Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh để vượt qua những rào cản kỹ thuật và thương mại mà nhiều thị trường đang dựng lên. Bởi vì, mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng chi phí vận hành lại rẻ hơn nhiều và có thể giảm thiểu được rủi ro trong nuôi tôm.

Thực tiễn đã chứng minh từ khi triển khai mô hình mới, đến nay, Việt - Úc chưa phát hiện dịch bệnh ở tôm. Đặc biệt, tôm có chất lượng tốt hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì không sử dụng hóa chất, giá bán cao hơn so với giá tôm theo cách nuôi thông thường. Đặc biệt, nuôi tôm nhà kính còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế được các loại thuốc kháng sinh, hóa chất. Điều đó trở thành mối quan tâm lớn vì môi trường ven biển đã bị phá hủy trầm trọng và hậu quả là sự bùng nổ dịch bệnh. Các vi sinh vật gây bệnh ở đây thường là virus, vi khuẩn, nấm, tảo... Đây là hướng đi phù hợp với chiến lược tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng bền vững, đưa nuôi trồng thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

Hiện tại, Việt - Úc đang xây dựng khu sản xuất phức hợp trên diện tích hơn 310 ha tại xã Hiệp Thành (Thành phố Bạc Liêu), với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất con giống, nhà máy chế biến thức ăn, quản lý nuôi và chế biến hàng xuất khẩu. Với 2-3 vụ/năm, sản lượng dự kiến đạt khoảng 260.000 tấn tôm/năm và trở thành dự án nuôi tôm sạch lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dự kiến đến năm 2018, diện tích nuôi tôm trong nhà kính của Công ty sẽ đạt 1.000 ha.

Đánh giá về mô hình này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng “sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh cho con tôm Việt Nam”. Mặc dù chưa được nhân rộng trên cả nước nhưng hiện nay, nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh, theo công nghệ cao đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt tại Bạc Liêu, một trong những vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước. Trong đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Bạc Liêu sẽ phát triển 12.000 ha nuôi tôm, cơ sở hạ tầng vùng sản xuất con giống tập trung để thu hút doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng thủy sản đạt 370.000 tấn và sản lượng chế biến 78.000 tấn.

Chính phủ đã chấp thuận phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm Bạc Liêu và kết quả đạt được từ mô hình nuôi tôm nhà kính là một trong những nền tảng đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất thủy sản của Tỉnh. Qua đó, mô hình Bạc Liêu sẽ làm nền tảng cho các tỉnh lân cận như Sóc Trăng và Cà Mau áp dụng để tạo nên bước đột phá cho nghề nuôi tôm.

Đức Tài

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/kinh-te/tom-tu-dam-vao-nha-kinh-3316450/