Tóm gọn 'tinh linh ma quái' trên quỹ đạo Trái Đất, chuyên gia nói gì?

Phi hành gia Andreas Mogensen của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) đã ghi lại một hiện tượng ma quái bí ẩn trên quỹ đạo thấp của Trái Đất, được gọi là 'tinh linh đỏ'.

Đây là một dạng sự kiện lóe sáng ngắn ngủi (TLE), thường xuất hiện như những quầng sáng đỏ ma quái trên vùng giông bão và ở độ cao từ 40 đến 80km cách mặt đất.

Phi hành gia Mogensen quay được hình ảnh "tinh linh đỏ" bên trên một đám mây tích điện trong cuộc thí nghiệm có tên Thor-Davis được thực hiện bởi Đại học Bách khoa Đan Mạch. Sự kiện được ghi lại một cách chi tiết nhờ vào việc sử dụng máy quay hoạt động như võng mạc ở mắt người, có khả năng chụp tốc độ lên đến 100.000 khung hình/giây.

"Tinh linh đỏ" được phát hiện vào cuối thế kỷ 20 và thu hút sự quan tâm của giới khoa học và những người quan sát bầu trời, tuy nhiên, nó vẫn là một hiện tượng ma quái khó quan sát do sự ngắn ngủi và ở độ cao đặc biệt.

Những "tinh linh đỏ" này xuất hiện khi hiện tượng phóng điện phạm vi lớn xảy ra trong cơn bão. Ánh sáng lấp lánh màu đỏ cam tươi sáng, rộng hàng kilomet, cao đến 96km, xuyên qua tầng bình lưu, tầng giữa, kéo dài đến tầng điện ly. Các chuyên gia gọi nó là "sét màu đỏ".

Các nhà khoa học đã định nghĩa rằng sét màu đỏ được xếp vào nhóm sét dị hình. Sét màu đỏ cùng sét đen, sét xanh, sét bóng, sét hòn… đều là những hiện tượng kỳ lạ và hiếm có của tự nhiên.

Sét dị hình màu đỏ còn được gọi là Red Sprite (tạm dịch: Yêu tinh đỏ). Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, sét dị hình màu đỏ là hiện tượng phóng điện cực nhanh diễn ra ở vùng phía trên của khí quyển với độ cao khoảng 60-80 km.

Nó thường xuất hiện dưới dạng những sợi phân nhánh màu đỏ, phía trên khu vực có chớp đang hoạt động mạnh. Tia điện phóng vào khí quyển có thể dài tới 90 km, vùng sáng nhất nằm ở độ cao từ 65-75 km.

Sét dị hình màu đỏ xuất hiện là do nitơ lơ lửng ở độ cao lớn trong khí quyển Trái Đất. Khí này bị luồng điện kích thích và phát ra ánh sáng đỏ. Bản chất của sét dị hình màu đỏ là giải phóng các tia plasma lạnh, rất giống với quá trình phóng điện trong các ống huỳnh quang.

Các tia sét thường có màu đỏ, nhưng chúng rất khó quan sát bằng mắt thường mà chỉ có thể hiện màu sắc thực dưới ống kính của những chiếc máy ảnh, máy quay nhạy sáng.

Tương tự như sét thường, sét dị hình màu đỏ chỉ tồn tại trên bầu trời trong chưa đầy một giây. Do tốc độ và vị trí hình thành, sét dị hình rất khó quan sát từ mặt đất. Các phi hành gia từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là những người có nhiều khả năng quan sát thấy sét dị hình màu đỏ nhất.

Mời quý độc giả xem thêm video: Vật thể ma quái tiết lộ “tương lai” 5 tỉ năm sau của Trái Đất.

Thiên Trang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tom-gon-tinh-linh-ma-quai-tren-quy-dao-trai-dat-chuyen-gia-noi-gi-1934740.html