Tội nghiệp

Ảnh minh họa: Internet

Tôi vuốt mái tóc khét nắng đỏ quạch, cứng như rễ tre của thằng An mà nghe lòng dào dạt cảm xúc yêu thương.Tôi thấy mình thật có lỗi, thật không đáng mặt làm anh chút nào.

Mẹ tôi đã bán cả đàn gà mà nó đào từng con trùn, mót từng gié lúa chăm chút hàng ngày cộng thêm số tiền bán đàn vịt nó chăn chạy đồng hơn ba tháng để cho tôi lên thành phố nhập học. Nó còn đập cả con heo đất, gom được một mớ tiền lẻ dành dụm từ những lần leo hái dừa cho hàng xóm để mua cho tôi mấy cái quần đùi và đôi dép mới. Tôi rưng rưng muốn khóc, không biết nói sao với đứa em trai chí tình, quá đỗi hiểu chuyện và sớm khôn trước tuổi vì vất vả, đói nghèo, vì thiếu vắng tình thương.

Ba bỏ rơi má con tôi từ khi thằng An mới thôi nôi. Má tôi cấy thuê, gặt mướn ngày mùa, chạy chợ gánh hàng bông bán quanh khắp xóm ban ngày, xúc tép, soi nhái những đêm mưa để nuôi anh em tôi khôn lớn. Tôi gầy guộc ốm yếu, còn An khỏe mạnh như nghé con. Má tôi thường nói: “Thằng An là con của đất. Hồi ba con bỏ đi, má bỏ nó lê la dưới đất chơi với con cả ngày, ăn khoai lang, uống nước cơm mà nó cứ chắc nịch như năn, như lác ngoài đồng bưng. Âu cũng trời thương má con mình!...”.

Lớn hơn một chút, nó đỡ đần hầu hết chuyện lớn, chuyện nhỏ trong nhà. Nó nghỉ học khi mới biết đọc, biết viết vì má tôi không thể lo nổi cho hai đứa con cùng lúc đến trường. Trước khi nghỉ học, nó nhìn tôi bằng ánh mắt buồn buồn, thủ thỉ: “Em không học được thì em làm thay phần anh; còn anh thì phải học gấp đôi, học luôn cả phần của em nữa”. Nó cầm tay tôi cười, nụ cười trấn an, già dặn trên khuôn mặt trẻ con đen sạm vì dãi nắng dầm mưa.

“An này. Anh đi học xa nhà, chỉ còn mỗi mình em gánh vác chuyện nhà trong ngoài phụ má. Em ráng...”. Tôi nghẹn ngào không biết nói gì với đứa em quen nhường nhịn lo toan. Ngày mai tôi rời nhà, trút gánh nặng gia đình trên vai đứa em trai chưa tròn mười ba tuổi.

An rúc vào lòng tôi như những khi mẹ vắng nhà, hai anh em dúm vào nhau trong bóng đêm cho đỡ sợ. Nó khóc, từng giọt nước mắt thấm qua lớp áo ấm nóng trên vai tôi. Tôi nhắm mắt nghe trái tim đau nhói, nghe lòng dấy ngập nỗi xót xa. Tôi nguyện với lòng sẽ cố hết sức học thật giỏi để lo cho má, cho em có cuộc sống thật sung túc, vui vẻ sau này,... Tôi quảy trên vai chiếc túi vải nhẹ tênh mà nặng trĩu tình yêu thương của má, của em.

Chiều nay, tôi được đứa bạn cùng lớp rủ về nhà chơi. Bữa cơm gia đình đầm ấm trong ngôi nhà sang trọng khiến tôi mủi lòng đến ứa nước mắt, nhớ bữa cơm sau cùng ở nhà. An hớn hở bưng cái thau nhôm tới trước mặt tôi, mở bung rổ tre đậy bên trên, vạch nhánh lá phủ khoe mấy con tép ruộng, mấy con cá rô, cá sặt, cá bãi trầu, cá tràu,... đủ kích cỡ đang nhảy xoi xói, cười thật tươi: “Em sẽ đãi anh một bữa ra trò”.

Một bữa ra trò của nó là tô canh tập tàng nấu với cá tràu cửng, là cá tạp, tép mòng kho khô trong cái ơ đất đen như nước da của nó. Nó gắp con cá rô to nhất cho vào chén của má, con cá rô to nhì vào chén của tôi, còn nó lấy đũa quẹt lớp nước mắm cô đặc trong lòng ơ đất có mấy con tép mòng mà và lấy và để, hít hà khen ngon. Má tôi buông đũa nghẹn ngào. Tôi ráng nuốt cho hết chén cơm, thương em đứt ruột. Anh nợ em biết bao tình nghĩa An ơi!

Đứa bạn huých nhẹ khuỷu tay vào hông nhắc nhở làm tôi giật mình. Thằng sinh viên nghèo như tôi mà không sao nuốt nổi hết chén cơm thơm phức cùng chả quế mịn màng, tôm kho tàu đỏ au, thịt bò xào ớt chuông xanh, vàng, đỏ. Phải chi má tôi, em tôi cũng được ăn bữa cơm như vầy ở quê nhà... Tôi buông đũa, nén tiếng thở dài trong lồng ngực. Phải chi ba tôi không bỏ rơi má con tôi thì gia đình đã không ra nông nỗi. Tôi biết má tôi vẫn hay khóc thầm giữa khuya, vẫn dõi mắt về phía chân trời mong ngóng ba tôi trở lại. Tôi biết thằng An buồn ngẩn ngơ nhìn đám con nít cùng trang lứa trong xóm xúng xính quần áo mới, cặp vở đẹp đến trường. Tội nghiệp má, tội nghiệp thằng An, tội nghiệp tôi... Tội nghiệp hết những ai giống như mồ côi chồng, mồ côi cha liêu xiêu trong bất hạnh.../.

Tuyết Mai

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/toi-nghiep-a167640.html