Tối nay Việt Nam quan sát được màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên bầu trời

Trận mưa sao băng Perseids năm nay sẽ đạt cực đại vào đêm 12/8 và rạng sáng ngày 13/8, với số lượng khoảng 100 vệt sao băng mỗi giờ.

Theo Hội thiên văn Hà Nội (HAS), trong khoảng thời gian từ 12 tới 13/8, một trong những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng nhất trên bầu trời trong năm nay là mưa sao băng Perseid sẽ đạt mức cực đại ở khu vực Bắc bán cầu. Mưa sao băng Perseids diễn ra từ ngày 17/07 đến 24/08 hàng năm, tuy nhiên, số lượng sao băng cực đại sẽ tập trung vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13 tháng 8. Bạn có thể quan sát các sao băng Perseid trong khoảng thời gian nói trên, quan trọng nhất vẫn là thời tiết. Sau khi mức cực đại đi qua, có khả năng sao băng sẽ không xuất hiện nhiều nữa.

Đêm nay người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng màn trình diễn ánh sáng của mưa sao băng Perseids trên bầu trời.

Tên của sự kiện thiên thể rất được mong đợi này xuất phát từ nguồn gốc của nó ở chòm sao Perseus. Thiên thạch Perseids là những mảnh vỡ của một sao chổi lớn tên là Swift-Tuttle, quay quanh mặt trời 133 năm một lần. Khi đường đi của Trái đất giao với trường mảnh vỡ của sao chổi, trận mưa sao băng hàng năm sẽ xảy ra..

Mưa sao băng tạo ra những vệt sáng tuyệt đẹp khi các mảnh vụn đi qua bầu khí quyển của chúng ta. Một số vệt sẽ sáng hơn những vệt khác. Vì vậy, càng ít ánh sáng xung quanh khi quan sát mưa sao băng thì người quan sát càng có nhiều khả năng nhìn thấy các sao băng mờ hơn.

Trong khoảng thời gian mưa sao băng Perseid đạt cực đại, mặt trăng chỉ sáng 10%, đồng nghĩa với việc ánh trăng ít hơn và không át đi ánh sáng từ sao băng. Người xem do đó sẽ thuận lợi hơn trong việc xem mưa sao băng.

Lần cuối cùng sao chổi này đi ngang qua Trái đất là vào năm 1992. Tuy nhiên vào thời điểm đó, nó quá mờ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trong lần tiếp xúc tới vào năm 2126, ánh sáng của nó có thể sánh ngang với sao chổi Hale-Bopp từng đi qua Trái Đất năm 1997 nếu các dự đoán trên là chính xác.

Mưa sao băng Perseids xảy ra khi Trái đất di chuyển trên quỹ đạo, bay qua các mảnh vỡ không gian do sao chổi Swift-Tuttle để lại. Những mảnh vụn của sao chổi bị đốt cháy thành vệt sáng khi bay vào thượng tầng khí quyển của Trái đất ở tốc độ 210.000 km/h.

Bí quyết để quan sát một trận mưa sao băng là bầu trời càng quang đãng càng tốt. Miễn là nơi bạn quan sát thoáng đãng và không bị ô nhiễm ánh sáng, với điều kiện thời tiết tốt thì bạn hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng các sao băng ngoạn mục mà không phải đi đâu quá xa.

Thông thường, các sao băng sẽ phát ra từ chòm sao Perseus (Anh Tiên), tuy nhiên cũng có thể xuất hiện khắp nơi trên bầu trời. Bạn nên nằm xuống quan sát để có tầm nhìn lý tưởng nhất. Bạn không cần đến bất kì dụng cụ quan sát nào như ống nhòm hay kính thiên văn, bởi sao băng sẽ quan sát tốt nhất bằng mắt thường. Nếu bạn muốn chụp ảnh sao băng, đừng quên mang theo máy ảnh.

HAS khuyên, vì cực đại diễn ra từ đêm tới rạng sáng, nên để tránh nguy hiểm, bạn nên rủ một vài người bạn đi cùng. Không khí ấm cúng cũng giúp cho buổi quan sát của bạn trở nên hoàn hảo hơn.

Từ giờ tới cuối năm nay, người dân cũng có thể bắt gặp một số trận mưa sao băng lớn khác. Chúng bao gồm Orionids với mức cực đại vào 21/10, Southern Taurids vào 4 tới 5/11, Northern Taurids vào 11 tới 12/11, Leonids vào 17 tới 18/11, Geminids vào 13 tới 14/12 và Ursids từ 21 tới 22/12.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/toi-nay-viet-nam-quan-sat-duoc-man-trinh-dien-anh-sang-an-tuong-tren-bau-troi-169230812071714601.htm