Tội 'Hành hạ trẻ em' sẽ bị xử lý như thế nào?

Người phụ nữ trói bé trai vào cột điện để bạo hành gây phẫn nộ dư luận. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, hành vi bạo hành cháu bé như vậy sẽ bị CQCN xử lý thế nào?

Lê Thị Diễm Trang tại CQCA. Ảnh: CQCA cung cấp

Mới đây, CQ CSĐT CA quận 12, TP Hồ Chí Minh cho biết, đã bắt khẩn cấp bà Lê Thị Diễm Trang (35 tuổi, tạm trú quận 12) để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Lê Thị Diễm Trang chính là người phụ nữ đã rượt đuổi cháu T.P.C.T (8 tuổi) rồi chửi bới, đánh đập dã man dưới sự chứng kiến của nhiều người. Vụ việc người phụ nữ này bạo hành bé trai cũng được camera an ninh ghi lại.

Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, UBND phường An Phú Đông, quận 12 đã chỉ đạo CA phường và các đơn vị liên quan đến địa chỉ nơi xảy ra vụ việc ở khu phố 3 để xác minh. Theo UBND phường An Phú Đông, mẹ cháu bé đã mất, trong thời gian nghỉ hè, cha bé T đi làm nên có nhờ bà Trang (nhà kế bên) trông giữ và hướng dẫn ôn tập hè.

Tại CQCA, bà Trang thừa nhận có đánh bé T như trong đoạn clip. Bà Trang cũng khai nhận đã đánh cháu nhiều lần bằng chổi quét nhà, lấy cây đánh vào mông, đùi do bé không chịu học bài, xé sách vở, phá đồ trong nhà. Việc này cha cháu cũng biết những không nói gì. Hiện, CQCA đang tiếp tục điều tra vụ việc để xử lý theo theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật nghiêm cấm hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em dù bất cứ lý do gì. Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản pháp luật khác có liên quan đều quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Hành vi của Lê Thị Diễm Trang rất đang lên án, nếu không kịp thời được phát hiện thì rất dễ xảy ra hậu quả thương tâm như thương tích nặng, thiệt mạng, sang chấn tâm lý, hoảng loạn ở trẻ.

Với hành vi trói và đánh cháu bé nhiều lần như vậy, người phụ nữ trên có dấu hiệu của tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 BLHS năm 2015. CQĐT có thể khởi tố đối tượng về tội danh này.

Trường hợp cháu bé có thương tích thì dù thương tích dưới 11%, người phụ nữ này có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015 với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này CQĐT sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng này để tiến hành hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Nguyên, trường hợp bị chứng minh có tội hành hạ người khác, đối tượng có thể đối mặt với tình tiết tăng nặng là phạm tội với người dưới 16 tuổi quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 140 BLHS năm 2015, khung hình phạt từ 1-3 năm.

Ngoài ra, người phụ nữ còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường do xâm phạm sức khỏe của cháu bé theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015.

Chi phí bồi thường gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Ngoài ra, còn phải bồi thường chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại...

"Qua sự việc cho thấy, các bậc cha mẹ cần xem xét tránh gửi con cho những cá nhân, tổ chức dạy học, dạy kèm không có thẩm quyền, không có chức năng. Bởi những cá nhân và tổ chức này không đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, người dạy thiếu chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, dẫn tới hiệu quả không cao và tiềm ẩn các rủi ro, hệ lụy đáng tiếc như vụ việc trên" - luật sư Nguyên nêu quan điểm.

“Dù bị xử lý về hành vi gì, tội danh nào thì hành vi của đối tượng là rất tàn nhẫn và rất đáng lên án. Các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em cũng cần phải lên tiếng về vụ việc này đồng thời có những biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời đối với cháu bé để tránh những nguy cơ tiếp theo có thể xảy ra”, luật sư Nguyên kiến nghị.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/toi-hanh-ha-tre-em-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-350194.html