Tốc độ Mach 27 của Avangard khiến hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trở nên vô ích

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã hết lời ca ngợi vũ khí siêu thanh Avangard của nước này, khẳng định nó có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương.

Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh vũ khí siêu thanh Avangard của Nga đã vô hiệu hóa các khoản đầu tư hàng tỷ USD của Mỹ và các đồng minh phương Tây vào công nghệ phòng thủ tên lửa. .

“Nếu bạn kiểm kê các khoản tiền mà Mỹ đã chi cho hệ thống phòng thủ tên lửa được công bố rộng rãi của họ và so sánh nó với giải pháp chính của chúng tôi để vượt qua - Avangard, một tên lửa liên lục địa với đầu đạn dạng tàu lượn siêu thanh - thì sẽ thấy sự khác biệt".

"Về cơ bản, chúng ta đã vô hiệu hóa nỗ lực của Washington, khiến Mỹ lãng phí mọi khoản đầu tư đáng kể của họ vào hệ thống phòng thủ tên lửa này”, ông Putin chỉ ra.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định tên lửa Mỹ sẽ không đủ khả năng đánh chặn vũ khí siêu thanh mới nhất do nước này chế tạo.

Tiểu đoàn ICBM trang bị Avangard ban đầu được triển khai vào tháng 9/2020 tại tổ hợp phóng tên lửa Yasnensky cách Moskva khoảng 1.200 km về phía Đông Nam, theo sát là tiểu đoàn thứ hai được giao nhiệm vụ chiến đấu vào tháng 6/2022.

Là một phương tiện bay siêu thanh có phạm vi xuyên lục địa, Avangard được thiết kế để đạt tốc độ Mach 27 và thực hiện những thao tác vô cùng phức tạp trên đường đi một cách liên tục.

Khả năng thực hiện các thao tác bay linh hoạt nghìn km trong không gian, ở độ cao rất lớn, khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương gần như không thể theo dõi chứ chưa nói đến việc đánh chặn.

Vận tốc cao của Avangard cho phép thực hiện các chuyến bay xuyên lục địa trong vòng chưa đầy 10 phút, mỗi chiếc mang theo đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ lên đến 2 megaton.

Các hệ thống tên lửa siêu thanh như vậy về cơ bản có tầm bắn không giới hạn, cho phép chúng tiếp cận mọi mục tiêu như lục địa Mỹ hay châu Âu từ những quỹ đạo không thể đoán trước.

Giới chuyên gia ước tính rằng các ICBM lớn hơn của Nga như RS-28 Sarmat có thể mang theo tới 10 phương tiện dạng tàu lượn siêu thanh Avangard tại khoang chứa đầu đạn của chúng.

Tuy nhiên hệ thống đáng gờm này có một lỗ hổng đáng chú ý - khả năng tấn công vào các hầm chứa tên lửa mang chúng, hoặc bị đánh chặn tên lửa trong giai đoạn phóng ban đầu trước khi chúng rời khỏi bầu khí quyển để triển khai đầu đạn lượn siêu thanh.

Kể từ khi được ra mắt vào tháng 3/2018, Avangard thường xuyên được coi là biểu tượng sức mạnh của Nga nhờ khả năng tấn công phi thường của nó. Tổng thống Putin ví tác động lên các mục tiêu giống như “một thiên thạch kéo theo một quả cầu lửa”.

Hơn nữa, ông Putin còn đề cập đến tính vô song của Avangard: “Không có gì giống như vậy. Chúng có thể xuất hiện trong những năm tới, nhưng hiện tại vẫn chưa có ai sở hữu. Nếu không có sự phát triển của vật liệu mới thì việc tạo ra loại vũ khí này sẽ không thể thực hiện nổi”.

Năm 2019, ông Putin đã so sánh tầm quan trọng chiến lược của hệ thống Avangard với vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô phóng, vũ khí siêu thanh này mang lại cho nước Nga ưu thế rất lớn trong cuộc đua với Mỹ về triển khai đòn tấn công từ ngoài không gian.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/toc-do-mach-27-cua-avangard-khien-he-thong-phong-thu-ten-lua-my-tro-nen-vo-ich-post570140.antd