Toàn thế giới đã ghi nhận trên 138,2 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 14/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 138.285.424 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.976.162 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 111.193.920 người.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Ohio, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Ohio, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 577.226 ca tử vong trong tổng số 32.075.852 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 172.461 ca tử vong trong số 13.960.574 ca bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 184.372 ca mắc COVID-19 và 1.027 ca tử vong. Đây là ngày Ấn Độ có số ca mắc cao nhất từ trước tới nay và số ca tử vong cao nhất trong năm 2021. Ngày 14/4 là ngày thứ 8 liên tiếp và là lần thứ 9 trong tháng này có số ca mắc mới vượt mốc 100.000 ca ở Ấn Độ. Đứng thứ 3 là Brazil với 358.718 ca tử vong trong số 13.601.566 bệnh nhân.

Tại khu vực châu Á, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo ghi nhận thêm 8.122 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên là 892.880 ca. Theo DOH, tổng số ca tử vong tại Philippines cũng tăng lên 15.447 ca, cao hơn 162 ca so với một ngày trước đó. Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire nhận định tốc độ lây lan dịch bệnh tại nước này vẫn chưa giảm, số ca mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng. Theo quan chức này, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn xảy ra, các ổ dịch tại công sở đang là nguồn lây lan chính, chủ yếu là ở các bệnh viện và những không gian làm việc khép kín.

Cùng ngày, Malaysia ghi nhận thêm 1.889 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên 365.892 ca. Malaysia cũng ghi nhận thêm 8 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên là 1.353 ca.

Thái Lan đang cân nhắc áp đặt các biện pháp mới nhằm đối phó với việc số lượng các ca nhiễm COVID-19 mới đang gia tăng. Ngày 14/4, Thái Lan đã ghi nhận số lượng các ca nhiễm COVID-19 mới theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch này xuất hiện ở nước này đầu năm ngoái. Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) xác nhận thêm 1.335 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 35.910, trong đó có 97 ca tử vong.

Tại Nhật Bản, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Shigeru Omi cảnh báo nước này đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 4 của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh các biến thể có khả năng lây nhiễm cao của virus SARS-CoV-2 đang lây lan ở một số khu vực.

Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính quyền thành phố Matsuyama, miền Tây nước này, đã quyết định hủy lễ rước đuốc Olympic Tokyo. Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike cũng đã cam kết sẽ kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại thủ đô để đảm bảo Olympic sắp tới diễn ra an toàn. Bà nhấn mạnh từ nay đến ngày 11/5 tới sẽ là giai đoạn quan trọng để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 trước khi Olympic diễn ra. Theo thống kê, Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng trên 513.000 ca nhiễm và trên 9.500 ca tử vong do COVID-19.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàn Quốc cũng đang đứng trước nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ 4 khi số ca mắc mới đã vượt ngưỡng 700 ca/ngày. Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 14/4 cho thấy nước này có thêm 731 ca mắc mới, trong đó 714 ca lây nhiễm trong cộng đồng - mức cao nhất trong 3 tháng qua. Tình hình dịch bệnh hiện nay tại Hàn Quốc được cho là đang ở mức cần được chính phủ xem xét để nâng cấp độ giãn cách xã hội, song coi đây là "phương án cuối cùng" do cân nhắc thận trọng về những thiệt hại kinh tế.

Tại châu Âu, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 59.187 ca nhiễm mới, và 273 ca tử vong. Để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, Tổng thống Tayyip Erdogan đã thông báo một số biện pháp hạn chế mới và “đóng cửa một phần” đất nước trong 2 tuần đầu tiên của tháng lễ Ramadan.

Sau khi tình trạng khẩn cấp tại CH Séc kết thúc vào ngày 12/4, Chính phủ Séc thận trọng trong việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ Séc vẫn áp đặt lệnh cấm tụ tập trên 2 người cả ở trong nhà và ngoài trời, đồng thời nhấn mạnh lo ngại của các chuyên gia dịch tễ học về việc nới lỏng nhanh các biện pháp có thể làm đảo ngược chiều hướng tích cực của công tác phòng ngừa dịch bệnh.

Trong khi đó, sau khi nhận thấy tình hình dịch bệnh ở CH Séc được cải thiện đáng kể, Đức cho biết sẽ chấm dứt các biện pháp kiểm soát biên giới dài hạn với CH Séc vốn được áp dụng từ ngày 14/2. Thay vào đó, Đức sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm dịch thông qua các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên chuyên sâu tại khu vực biên giới Đức-Séc

Chính phủ Na Uy cũng đã cho phép các nhà hàng và quán bar trở lại phục vụ rượu cho tới 22h hàng ngày. Quốc gia Bắc Âu này cũng cho phép người dân được tiếp tối đa 5 khách đến chơi nhà cùng một thời điểm - tăng 3 người so với quy định trước đó, trong khi các sân vận động sẽ có thể đón tiếp 600 người, song phải chia thành 3 khu vực. Các quy tắc và khuyến nghị này sẽ được áp dụng trên toàn Na Uy, tuy nhiên các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như thủ đô Oslo và các khu vực lân cận có thể duy trì các biện pháp chặt chẽ hơn nếu cần thiết.

Chính phủ Thụy Sĩ thông báo sẽ nới lỏng đáng kể các biện pháp hạn chế bất chấp thực tế rằng tình hình dịch bệnh ở nước này vẫn rất bấp bênh và thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn trong những tuần gần đây. Theo đó, kể từ đầu tuần tới, các nhà hàng và quán bar tại Thụy Sĩ vốn phải đóng cửa kể từ tháng 12/2020 sẽ được hoạt động trở lại, áp dụng với khu vực ngoài trời. Các rạp chiếu phim và cơ sở giải trí khác cũng sẽ được mở cửa trở lại cùng các cơ sở thể thao trong nhà và ngoài trời.

Cũng trong ngày 14/4, các nguồn tin ngoại giao cho biết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí chính thức triển khai sáng kiến hộ chiếu vaccine để hướng tới mở cửa trở lại ngành du lịch vào mùa hè năm 2021. Đây là một phần trong nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan. Các nước sẽ thảo luận về chi tiết sáng kiến này với Nghị viên châu Âu (EP) trong tháng 5.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế El Alto-La Paz tại Bolivia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế El Alto-La Paz tại Bolivia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại khu vực châu Mỹ, số ca nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 gia tăng mạnh tại một số nước Nam Mỹ như Argentina, Uruguay, Brazil. Chính phủ Bolivia tuyên bố mở tuyến hành lang nhân đạo trên biên giới với quốc gia láng giềng Brazil nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông thực phẩm và thuốc men. Bolivia đóng cửa biên giới với Brazil kể từ ngày 2/4 vừa qua, nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 từ quốc gia láng giềng.

Về vấn đề vaccine ngừa COVID-19, giới chức Mỹ thông báo chương trình tiêm chủng đang được đẩy nhanh với 3,3 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Trong khi đó, Đại học Oxford của Anh đã quyết định mở rộng nghiên cứu trong việc sử dụng kết hợp các loại vaccine phòng COVID-19 để đánh giá việc kết hợp các vaccine có an toàn và giúp kéo dài thời gian miễn dịch ở người được tiêm chủng hay không.

Trần Quyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/toan-the-gioi-da-ghi-nhan-tren-1382-trieu-ca-nhiem-virus-sarscov2-20210414224019925.htm