Tòa nhận định: Phải có mức án nghiêm khắc nhất đối với Trương Mỹ Lan

Sau khi nghe HĐXX nhận định xong hành vi của mình, bị cáo Trương Mỹ Lan gây ồn ào và bị HĐXX nhắc nhở.

Ngày 11-4, TAND TP.HCM tuyên án vụ Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Sau khi nghe HĐXX nhận định xong hành vi của mình, bị cáo Trương Mỹ Lan đã có hành vi gây ồn ào khiến HĐXX phải nhắc nhở và đề nghị cảnh sát tư pháp đảm bảo trật tự phiên tòa.

Trước đó, HĐXX nhận định, quá trình điều tra, xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng không phạm tội tham ô tài sản và đưa hối lộ. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của các bị cáo và các tài liệu chứng cứ khác có cơ sở xác định việc truy tố bị cáo về tội danh này là không oan sai.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG GIANG

HĐXX ghi nhận bị cáo Lan có các tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, bị cáo phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức; hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và không có khả năng thu hồi...

Từ đó, HĐXX xét thấy, phải có mức án nghiêm khắc nhất đối với bị cáo Trương Mỹ Lan theo quy định của BLHS mới đủ tính răn đe.

Theo HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan là Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát trước khi hợp nhất đã tiến hành thu mua cổ phần của ba ngân hàng: Ngân hàng SCB, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất.

Khi Ngân hàng Nhà nước cho phép hợp nhất ba ngân hàng, bị cáo Lan đã lợi dụng chính sách tái cơ cấu lại ngân hàng đã thâu tóm số lượng lớn cổ phần của ngân hàng SCB sau hợp nhất. Tính đến tháng 10-2022, bị cáo Lan nắm giữ khoảng 91,5% cổ phần ngân hàng SCB.

Dù bị cáo Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng bị cáo này gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng nên bị cáo Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng này. Do đó bị cáo Lan thỏa mãn là chủ thể của tội tham ô tài sản.

Lợi dụng vai trò là cổ đông gần như tuyệt đối của ngân hàng SCB đã chỉ đạo các bị cáo: Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn… rút tiền ra khỏi ngân hàng SCB để phục vụ mục đích của mình. Do đó, VKSND Tối cao các bị cáo là có căn cứ.

HỮU ĐĂNG

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/toa-nhan-dinh-phai-co-muc-an-nghiem-khac-nhat-doi-voi-truong-my-lan-post784976.html