Tòa nhà Quốc hội: Biểu tượng của tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam - Lào

Với tổng vốn đầu tư gần 112 triệu USD, công trình Nhà Quốc hội Lào không chỉ là quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa hai dân tộc mà còn là trụ sở văn phòng trọng điểm của Quốc hội Lào, góp phần xây đắp tình hữu nghị đặc biệt.

Tòa nhà Quốc hội Lào. Nguồn: TTXVN

Tòa nhà Quốc hội Lào. Nguồn: TTXVN

Nhà Quốc hội mới của Lào có diện tích 7.000m2 gồm 1 tầng hầm, 5 tầng nổi, 547 phòng chức năng, được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc thông minh tiên tiến. Công trình được xây dựng trên nền nhà Quốc hội cũ tại Quảng trường Thatluang, trung tâm Thủ đô Viêng Chăn, và có sức chứa lên tới 1.000 người.

Đây là nơi diễn ra các kỳ họp của Quốc hội Lào và là nơi làm việc của lãnh đạo Quốc hội, chuyên viên và cán bộ Văn phòng Quốc hội. Công trình có nhiều không gian đa năng, linh hoạt phục vụ tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế, hội họp, đào tạo, tổ chức sự kiện và nghi lễ quan trọng của đất nước Lào. Tòa nhà Quốc hội mới cũng là địa điểm quan trọng để du khách cũng như nhân dân Lào đến tham quan, nghiên cứu, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Kiến trúc công trình lấy cảm hứng từ lá Quốc kỳ hiện tại của Lào với thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống, là sự chắt lọc những đường nét kiến trúc, các họa tiết trang trí dân gian, mái dốc, mái ngói… kết hợp cùng các vật liệu xây dựng mới như nhôm, gỗ tự nhiên, đá… vừa thể hiện những nét tương đồng với thị hiếu kiến trúc của người Lào, vừa thể hiện nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước Lào. Có thể nói, công trình đã kết hợp được hài hòa giữa văn hóa, bản sắc truyền thống của Lào với các giải pháp công nghệ, thiết bị hiện đại, kỹ thuật, công nghệ quản lý thi công tiên tiến của Việt Nam.

Trong Nhà Quốc hội mới, một số không gian chính là Phòng họp Quốc hội và khu phụ trợ với điểm nhấn kiến trúc là hệ thống trần vòm mang hình thức kiến trúc đặc trưng của Phật giáo, bố trí các cửa sổ lấy sáng kết hợp hoa văn trang trí truyền thống của Lào. Kết cấu thép mái vòm phòng họp chính vượt nhịp 36m có trọng lượng hơn 265 tấn, với gần 42.000 chi tiết là kết cấu được sản xuất, gia công tại Việt Nam trước khi vận chuyển sang lắp đặt tại Lào. Trong phòng còn có cụm đèn chùm pha lê có đường kính 3m, cao 1,25m lấy ý tưởng thiết kế cách điệu từ hoa Chăm pa. Ngoài ra, gỗ ốp tường sử dụng trong phòng cũng kết hợp hoa văn trang trí tạo điểm nhấn văn hóa Lào.

Tiếp đến là Phòng họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các sảnh lớn và lối dẫn vào các công trình hỗ trợ với thiết kế kiến trúc cao, rộng kết hợp các hoa văn cách điệu lớn, được đục thủng và cửa sổ giả giúp tạo cảm giác thông thoáng và cung cấp ánh sáng tự nhiên…

Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane từng cho biết, nước này có kế hoạch xây dựng phòng truyền thống trưng bày ảnh và thông tin về sự hình thành và phát triển của Quốc hội Lào, cũng như sự hợp tác giữa Lào và Việt Nam và giữa Quốc hội Lào và Quốc hội Việt Nam. Nhà Quốc hội Lào mới sẽ góp phần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Quốc hội Lào trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Ông khẳng định, Nhà Quốc hội Lào mới là dự án có giá trị cao nhất mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Nó là một trong những biểu tượng hiếm có trong mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước anh em.

Có thể nói, Nhà Quốc hội Lào mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tiếp nối những công trình về giáo dục, y tế mà Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ Lào trước đây, để Lào có những cơ sở hạ tầng hiện đại, tiên tiến, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh và văn minh.

Năm nay, Việt Nam và Lào sẽ cùng nhau tổ chức 2 ngày lịch sử: 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Nhưng trên thực tế, mối quan hệ truyền thống, khăng khít, kề vai sát cánh giữa nhân dân hai nước đã được hình thành từ nhiều thập kỷ trước. Và chuyến thăm Lào của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ từ ngày 15 - 17.5 sẽ càng góp phần tích cực vào việc phát huy hơn nữa tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước.

NGỌC MINH tổng hợp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/toa-nha-quoc-hoi-bieu-tuong-cua-tinh-huu-nghi-tham-thiet-viet-nam--lao-i288522/