Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái ứng dụng hiệu quả phần mềm trợ lý ảo trong hoạt động xét xử

Trong thời đại công nghệ 4.0 ngày càng phát triển, sự ứng dụng của trí tuệ nhân tạo đã có những đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Và gần đây, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Yên Bái đã áp dụng thành công, hiệu quả phần mềm trợ lý ảo trong việc giải quyết các hoạt động xét xử. Điều này không chỉ giúp rút gọn quy trình và tìm hiểu dữ liệu thông tin một cách thuận lợi, mà còn nâng cao kỹ năng và hiệu suất làm việc của các thẩm phán.

Chỉ cần chiếc máy tính có kết nối mạng Internet, thẩm phán của TAND tỉnh Yên Bái có thể khai thác dữ liệu một cách triệt để phục vụ công tác chuyên môn thông qua phần mềm trợ lý ảo.

>>Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái nâng cao chất lượng xét xử

Trước kia, khi tới các văn phòng làm việc của các thẩm phán tại TAND tỉnh Yên Bái, dễ dàng nhận thấy sự bận rộn hiện rõ qua các tập tài liệu, hồ sơ và sổ sách. Khi ấy, người ta có thể nhầm tưởng, mỗi văn phòng là một thư viện mini mà độc giả chỉ có một người xoay "vòng vòng” trong những giấy tờ, văn bản. Nhưng từ khi phần mềm trợ lý ảo ra đời, công việc của các thẩm phán đã được thực hiện hiệu quả hơn, nhanh hơn, chính xác hơn và mọi tình tiết vụ việc đều được xử lý triệt để, xét xử thấu tình đạt lý và tiết kiệm thời gian, kinh phí.

Nhận xét về hiệu quả của ứng dụng trợ lý ảo trong thực tế hơn một năm qua tại tòa án, Chánh án TAND tỉnh Yên Bái Lê Thái Hưng chia sẻ: "Đối với TAND tỉnh Yên Bái, ứng dụng trợ lý ảo không chỉ là một bước tiến vượt bậc trong công nghệ, mà còn là một cách để thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa ngành tòa án. Qua việc áp dụng trợ lý ảo, Yên Bái đã chứng tỏ sự đổi mới và sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ để tăng cường hiệu suất làm việc và đảm bảo tính công bằng trong quy trình hoạt động xét xử".

Từ khi TAND Yên Bái triển khai phần mềm trợ lý ảo, tất cả các thẩm phán đều được cấp tài khoản và mật khẩu sử dụng, ban đầu mọi người còn bỡ ngỡ, nhưng khi quen rồi, thì thấy rất hiệu quả. Thông qua phần mềm trợ lý ảo, các thẩm phán không chỉ có thêm công cụ hỗ trợ, mà còn được sử dụng, khai thác nguồn kiến thức pháp luật đáng tin cậy đến từng điều khoản, từng thời điểm của văn bản luật có hiệu lực. Thẩm phán có thể nắm vững các quy định và tiêu chí pháp luật, từ đó đưa ra những quyết định phù hợp và công bằng hơn. Với những tình huống pháp luật phát sinh, nhưng mối quan hệ pháp luật giống nhau, thì trợ lý ảo sẽ cung cấp cho thẩm phán công cụ tham khảo cách giải quyết của các đồng nghiệp khác trên cả nước. Một tính năng nữa là trợ lý ảo cập nhật các văn bản mới tương đối nhanh, có những văn bản ban hành 4, 5 ngày đã có trên hệ thống.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, việc thẩm phán phải công khai bản án trên cổng thông điện tử rất thuận tiện. Khi chưa sử dụng phần mềm trợ lý ảo, các thẩm phán sẽ phải mã hóa dữ liệu trong bản án bằng viết tay, cả buổi chỉ làm được 3-4 bản án, nhưng nay trong khoảng 30-40 phút đã có thể mã hóa và đăng 10-15 bản án có hiệu lực pháp luật. Nhờ ứng dụng phần mềm khoa học nên số lượng công việc hành chính tư pháp giảm gần 30%.

Trước khi có trợ lý ảo, quy trình giải quyết án tại tòa án thường mất nhiều thời gian và công sức. Thẩm phán phải tìm kiếm thông tin, pháp luật liên quan đến vụ án một cách thủ công qua văn bản giấy, hồ sơ giấy, đôi khi gặp khó khăn trong việc xử lý số liệu lớn và phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng trợ lý ảo vào công việc, mọi thứ đã thay đổi. Trợ lý ảo có khả năng tự động thu thập, sắp xếp và phân tích thông tin từ các nguồn dữ liệu pháp luật. Nó cũng có khả năng gợi ý các quy định pháp luật liên quan và các bài án tương tự đã được xử lý trước đó. Điều này giúp thẩm phán tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Từ đó, tập trung hơn vào việc xem xét và đưa ra những quyết định chính xác.

Là người trực tiếp sử dụng, khai thác ứng dụng trợ lý ảo, thẩm phán trung cấp Đỗ Thu Hương - Phó chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Yên Bái cho biết "Đối với cá nhân, tôi coi đó như là "thư viện sống” để mình thỏa sức khai thác thông tin, trao đổi, tương tác đồng thời trao đổi trực tuyến với đồng nghiệp trong toàn quốc. Qua đó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng xét xử...”.

Thực tế, trong mỗi vụ án đều có những tình tiết riêng, khi giải quyết, xét xử các vụ án, thẩm phán phải tuân theo các quy định của pháp luật, lựa chọn áp dụng những quy định phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án để đưa ra phán quyết cuối cùng và phải chịu trách nhiệm trước phán quyết đó nên phần mềm "Trợ lý ảo” chỉ là một công cụ hỗ trợ mà không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi giải quyết, xét xử các vụ án.

Việc ứng dụng phần mềm trợ lý ảo trong hoạt động xét xử tại Yên Bái đã mở ra một cánh cửa mới cho sự phát triển của ngành. Đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất làm việc và đảm bảo tính công bằng trong quy trình xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án.

"Trợ lý ảo chỉ là một công cụ hỗ trợ, và quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay thẩm phán - con người là yếu tố tiên quyết. Trách nhiệm của con người là sử dụng công nghệ một cách thông minh và có trách nhiệm để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong quy trình tư pháp. Do đó, thời gian tới, TAND tỉnh Yên Bái tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp phần mềm "Trợ lý ảo” để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, xu thế phát triển của kỷ nguyên số, góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ công lý, xây dựng tòa án điện tử theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đối với hệ thống tòa án." - ông Hưng nhấn mạnh.

Thủy Thanh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/304949/toa-an-nhan-dan-tinh-yen-bai-ung-dung-hieu-qua-phan-mem-tro-ly-ao-tr111ng-hoat-dong-xet-xu.aspx