Tô mộc - vị thuốc chữa bệnh phụ nữ

Tô mộc là vị thuốc có tác dụng hành huyết, thông lạc, khử ứ, chỉ thống, tán phong, hòa huyết, dùng cho phụ nữ sau sinh huyết ứ trệ, kinh nguyệt bế, ung thũng (nhọt sưng), bị đánh tổn thương…

1. Đặc điểm của cây tô mộc

Cây tô mộc còn có tên gọi khác là cây gỗ vang. Tên khoa học Caesalpinia sappan L. thuộc họ Vang Caesalpiniacea.

Tô mộc (Lignum Caesalpiniae sappan) là gỗ phơi khô của cây gỗ vang hay cây tô mộc.

Cây tô mộc là một cây cao 7 - 10m, thân có gai.

Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trong nước ta vì gỗ được dùng làm thuốc nhuộm gỗ và làm thuốc với tên tô mộc. Người ta dùng gỗ chẻ mỏng phơi khô.

Cây tô mộc cho vị thuốc chữa bệnh phụ nữ.

Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh, trong cây tô mộc có tanin, acid galic, chất sappanin, chất brasilin và tinh dầu.

Phòng đông y thực nghiệm Viện vi trùng Việt Nam đã nghiên cứu thấy nước sắc tô mộc có tác dụng kháng sinh mạnh đối với vi trùng Staphylococcus 209P, Salmonella typhi, Shiga flexneri, Shigella sonnei, Shigella dysenteria Shiga, Bacillus subtilis.

Tác dụng kháng sinh này không bị nhiệt, dịch vị và dịch tụy tạng phá hủy.

Tính vị theo đông y của tô mộc: Vị ngọt, bình, không độc, vào ba kinh tâm, can và tỳ. Có tác dụng hành huyết, thông lạc, khử ứ, chỉ thống, tán phong, hòa huyết, dùng cho phụ nữ sau sinh huyết ứ trệ, kinh nguyệt bế, ung thũng, bị đánh tổn thương.

Không ứ trệ không dùng tô mộc.

Nhân dân dùng tô mộc làm thuốc săn da và cầm máu dùng trong các trường hợp tử cung chảy máu, đẻ mà mất máu quá nhiều, choáng váng, hoa mắt.

Còn dùng chữa lỵ ra máu, chảy máu trong ruột.

Một số vùng nhân dân dùng tô mộc nấu với nước uống thay chè.

Phụ nữ có thai không dùng được tô mộc.

Ngày uống 6 - 30g, dưới dạng thuốc sắc.

Nước sắc gỗ vang còn dùng để nhuộm đỏ gỗ trước khi đánh vecni.

Vị thuốc tô mộc.

2. Bài thuốc chữa bệnh có tô mộc

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu một số bài thuốc trị bệnh có tô mộc như sau:

2.1. Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều hoặc đẻ xong đau bụng từng cơn

Tô mộc 10g, huyền hồ 6g, sơn tra 10g, hồng hoa 3g, ngũ linh chi 8g, đương quy thân 10g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.

2.2. Đẻ xong ra huyết nhiều

Tô mộc 12g, sắc với 200ml nước còn 100ml. Chia 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.

Nếu bụng ậm ạch do huyết ứ thì dùng bài sau: Tô mộc 16g, đương qui 16g, xích thược 14g, xuyên khung 14g, hồng hoa 6g, đào nhân 6g, thán khương 6g, cam thảo 4g. Tất cả các vị cho vào ấm đổ 550ml nước, sắc nhỏ lửa còn 150ml, chia 2 lần uống ngày một thang. Uống liền 1 tuần.

Vị thuốc huyền hồ kết hợp với tô mộc và các vị thuốc khác chữa kinh nguyệt không đều.

2.3. Hoạt huyết thông kinh: Dùng cho phụ nữ huyết trệ bế kinh, đau bụng.

Bài 1 - Hoàn thông kinh: Xích thược 12g, quy vĩ 12g, ngưu tất 12g, đào nhân 12g, hổ phách 2g, sinh địa 16g, xuyên khung 6g, hồng hoa 6g, tô mộc 6g, hương phụ 6g, ngũ linh chi 8g. Tất cả nghiền thành bột mịn, làm hoàn. Mỗi lần 12g, ngày uống 2 - 3 lần, chiêu với nước.

Bài 2: Tô mộc 12g, rễ bưởi bung 12g, thiên niên kiện 8g, rễ sim rừng 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Bài 3: Tô mộc 10g, hồng hoa 10g, uất kim 10g, nga truật 10g, nhục quế 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Bài 4: Tô mộc 10g, mộc thông 10g, bạch đồng nữ 10g, mai mực 12g (bỏ vỏ cứng, tán bột để riêng). Sắc ba dược liệu lấy nước, uống với bột mai mực. Chữa phụ nữ bạch đới, nam giới tiểu đục.

2.4. Trừ ứ, trị chấn thương: Dùng cho chấn thương do đánh, ngã.

Bài 1 - Bột bát ly: Xạ hương 0,4g, tô mộc 20g, đinh hương 20g, đồng thiên nhiên 12g, nhũ hương 12g, một dược 12g, huyết kiệt 12g, hồng hoa 8g, mã tiền chế 4g. Các vị tán bột.

Mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần, uống với rượu trắng. Trị thương tích do ngã, đòn đánh.

Bài 2 - Thuốc sắc nhị vị sâm tô: Đảng sâm 12g, tô mộc 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Trị chấn thương phổi, nôn ra máu nhiều, khí hư huyết ứ, mặt đen tức ngực, thở hổn hển.

Bài 3: Tô mộc 8g, tang chi 20g, tang ký sinh 15g, ké đầu ngựa 10g, hoàng bá 10g, cối xay 10g, vòi voi 10g, cam thảo đất 10g. Sắc uống trong ngày. Ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần, uống khi thuốc còn ấm. Chữa phong thấp thể nhiệt tý, đau nhức nhiều.

Bài 4: Tô mộc 10g, đan sâm 12g, xuyên khung 12g, ngưu tất 12g, uất kim 8g, trần bì 6g, hương phụ 6g, quế chi 4, gừng tươi 4g. Sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần, uống khi thuốc còn ấm. Chữa liệt dây thần kinh VII ngoại biên do sang chấn.

Vị thuốc xích thược trong bài Hoàn thông kinh dùng cho phụ nữ huyết trệ bế kinh.

3. Lưu ý khi dùng tô mộc

Không có ứ không dùng.
Không dùng cho phụ nữ có thai.
Không dùng cho bệnh nhân đang xuất huyết.
Theo một số đề tài của Trung Quốc dùng tô mộc liều cao (trên 50g/ngày), kéo dài có thể gây ung thư với phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Hải Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/to-moc-vi-thuoc-chua-benh-phu-nu-169240303083105821.htm