Tổ hợp phòng không: đến con ruồi cũng không thể bay lọt

Xin được giới thiệu với bạn đọc 2 bài viết của các chuyên gia quân sự Nga về tên lửa phòng không nhưng từ hai góc độ tiếp cận khác nhau.

Bài thứ nhất của Aleksandr Khramchikhin , Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự VHL Khoa học Nga đăng trên “Bình luận quân sự” Nga ngày 16/7/2017 với tiêu đề như trên. Hãy tạm coi đây là bản “sơ kết” (chắc chắn là không đầy đủ) “thành tích” của các tổ hợp tên lửa phòng không cho đến thời điểm này (7/2017).

“Đã có nhiều nỗ lực chế tạo tên lửa phòng ngay từ thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng lúc đó đã không một nước nào đạt trình độ công nghệ tương ứng. Thậm chí đến thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên cũng chưa có các tổ hợp tên lửa phòng không.

Lần đầu tiên các tổ hợp này được sử dụng nhiều là trong Chiến tranh Việt Nam và chúng đã có ảnh hưởng to lớn đến kết cục cuộc chiến, - từ đó đến nay, các tổ hợp tên lửa phòng không là một trong những lớp phương tiện kỹ thuật tác chiến quan trọng nhất.

S-75 – "VÔ ĐỊCH THẾ GIỚI" VĨNH VIỄN

Trong vòng hơn nửa thế kỷ qua đã có hơn 20 kiểu tổ hợp tên lửa phòng không và các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai đạt được thành tích thực sự trong tác chiến. Tuy nhiên, trong đại đa số các trường hợp rất khó để xác định kết quả một cách chính xác.

Thường là rất khó khẳng định một cách khách quan là chiếc máy bay hoặc máy bay lên thẳng cụ thể nào đó bị bắn hạ bằng loại vũ khí gì. Chưa kể đến việc các bên tham chiến cố tình nói dối nhằm mục đích tuyên truyền, và vì thế mà gần như không thể dựng lại được “một bức tranh thực sự khách quan”.

Vì những lý do đó, sau đây chúng tôi chỉ dẫn những số liệu đã qua kiểm chứng tương đối kỹ lưỡng và được tất cả các bên liên quan thừa nhận. Kết quả tác chiến thực sự của tất cả các tổ hợp tên lửa phòng không còn cao hơn nhiều, thêm nữa, trong một số trường hợp, - có thể gấp nhiều lần.

Tổ hợp tên lửa phòng không đầu tiên có thành tích trong tác chiến, không những thế, mà còn là thành tích vang dội, - đó chính là S-75 Xô Viết. Ngày 1/5/1960, tổ hợp này đã bắn hạ chiếc máy bay gián điệp U-2 của Mỹ trên bầu trời Ural và đã gây ra một vụ scandal quốc tế ầm ỹ.

Sau đó, S-75 còn bắn rơi thêm 5 chiếc U-2 – 01 chiếc vào tháng 10/1962 trên không phận Cuba (sau đó thì thế giới chỉ còn cách một cuộc chiến hạt nhân chỉ một bước chân như chúng ta đã biết), 04 chiếc còn lại –trên bầu trời Trung Quốc từ 9/1962 đến tháng 01/1965.

Nhưng “thời kỳ hoàng kim” của S-75 là thời kỳ tổ hợp này tham chiến tại Việt Nam, - trong các năm từ 1965 đến 1972 Liên Xô đã cung cấp cho Bắc Việt Nam 95 tổ hợp S-75 và 7.658 quả tên lửa có điều khiển đi kèm. Các khẩu đội tên lửa phòng không S-75 trong thời kỳ đầu do các trắc thủ Xô Viết điều khiển, nhưng sau đó đã được các chiến sỹ Việt Nam thay thế toàn bộ.

Theo các số liệu của phía Xô Viết, các tổ hợp này đã bắn hạ hoặc là 1.293, hoặc thậm chí tới 1.770 máy bay Mỹ. Còn chính người Mỹ thừa nhận tổn thất của mình từ các tổ hợp này là 150-200 máy bay.

Đến thời điểm hiện tại, số máy bay bị S-75 bắn rơi do chính người Mỹ thừa nhận là (theo từng kiểu máy bay cụ thể) như sau: 15 máy bay ném bom chiến lược B-52, 02-03 máy bay ném bom chiến thuật F-111, 36 máy bay cường kích A-4, 10 máy bay A-6, 18 chiếc A-7, 03 chiếc A-3, 03 chiếc A-1, 01 chiếc AC-130, 32 máy bay tiêm kích F-4, 08 chiếc F-105, 01 chiếc F-104, 11 chiếc F-8, 04 chiếc máy bay trinh sát RB-66, 05 chiếc RF-101 , 01 chiếc O-2 , 01 chiếc máy bay vận tải C-123 , 01 chiếc máy bay lên thẳng CH-53.

Như đã nói ở phần trên, kết quả thực sự của S-75 tại Việt Nam chắc chắn còn cao hơn rất nhiều, nhưng cụ thể là bao nhiêu – đến giờ thì không thể xác định chính xác được.

Lính tên lửa phòng không (các nước) A rập không bao giờ có thể so sánh được với các trắc thủ Xô Viết, với các chiến sỹ tên lửa phòng không Việt Nam về trình độ huấn luyện tác chiến, chính vì thế và kết quả tác chiến của họ khi sử dụng S-75 thấp hơn rất nhiều.

Trong cuộc “Chiến tranh tiêu hao “từ 3/1969 đến tháng 9/1971, các tổ hợp S-75 Ai cập đã bắn hạ không ít hơn 03 máy bay tiêm kích F-4 và 01 chiếc “Mister”, 01 máy bay cường kích A-4, 01 máy bay vận tải “Piper Cub” và 01 sở chỉ huy trên không C-97 trên bầu trời kênh đào Suez.

Kết quả thực sự có thể cao hơ, nhưng khác với Việt Nam ở chỗ là dù (hiệu quả tác chiến của S-75) có cao hơn, nhưng cùng không nhiều. Trong Cuộc chiên tranh tháng Mười 1973, S-75 Ai cập hạ ít nhất 02 chiếc F-4 và 02 chiếc A-4. Cuối cùng, vào tháng 6/1982, S-75 Syria hạ 01 chiếc tiêm kích Israel “Kfir–C2”.

S-75 Iraq trong Cuộc chiến tranh với Iran năm 1980 -1988 đã bắn rơi ít nhất 04 chiếc F-4 và 01 chiếc F-5E của Iran.

Kết quả thực tế có thể cao hơn vài lần. Trong Chiến dịch “Bão táp sa mạc” tháng 1-2 /1991, S-75 Iraq hạ 01 máy bay tiêm kích- ném bom Không quân Mỹ F-15E (số hiệu máy bay 88-1692), 01 máy bay tiêm kích hải quân Mỹ F-14 (số hiệu máy bay 161430), 01 máy bay ném bom của Anh “Tornado” (ZD717).

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/to-hop-phong-khong-den-con-ruoi-cung-khong-the-bay-lot-3340484/