Tổ hợp lệnh trừng phạt từ phương Tây với dầu Nga phản tác dụng, hoạt động 'vì những lý do sai lầm'? Sẽ có khủng hoảng?

Theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đối với dầu của Nga cho đến nay dường như không mang lại hiệu quả như mong muốn nếu không muốn nói là phản tác dụng.

Lệnh trừng phạt Nga chỉ có thể được coi là thành công nếu chúng dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế quốc gia này. (Nguồn: RIA Novosti)

Lệnh trừng phạt Nga chỉ có thể được coi là thành công nếu chúng dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế quốc gia này. (Nguồn: RIA Novosti)

Các nước phương Tây dự trữ hàng trước khi áp dụng lệnh cấm vận và giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga, do đó, chưa thấy được ngay lập tức tác động của quyết định này.

Ngày 5/2, các nước Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã áp đặt lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, cùng với việc áp giá trần toàn cầu để gây thêm áp lực lên nguồn doanh thu của Moscow.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành lo ngại rằng, động thái này có thể phản tác dụng và có tác động sâu sắc hơn đến thị trường năng lượng châu Âu so với lệnh cấm tương tự có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 đối với dầu thô của Nga. Trong khi đó, liên minh gồm 27 quốc gia thành viên vẫn đang nhập khẩu gần một nửa lượng dầu diesel từ Moscow.

Theo lệnh trừng phạt mới nhất (được coi là một phần của gói trừng phạt thứ sáu đã được thống nhất vào tháng 6 năm ngoái), các nước EU và G7 sẽ ngừng mua các sản phẩm tinh chế của Nga như dầu diesel, dầu khí và dầu nhiên liệu.

Đồng thời, mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giảm giá như dầu nhiên liệu cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 5/2.

Theo lệnh trừng phạt, các công ty vận chuyển và bảo hiểm phương Tây sẽ bị cấm bảo hiểm hoặc vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ của Nga trừ khi chúng được mua bằng hoặc thấp hơn giá trần.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, giá trần nhằm cắt giảm doanh thu của Nga "đồng thời đảm bảo thị trường năng lượng toàn cầu ổn định".

Các chính phủ phương Tây cũng sẽ xem xét mức trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga nhằm giảm doanh số bán hàng của nước này.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt cho đến nay đã không có hiệu quả như mong muốn vì giá thị trường đối với dầu của Nga vẫn thấp hơn đáng kể so với mức giá trần.

Để trả đũa, Moscow đã áp đặt lệnh cấm cung cấp dầu cho các quốc gia và công ty tuân thủ giá trần của EU.

Theo đó, quyết định của Nga có hiệu lực vào ngày 1/2, cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu "ở tất cả các giai đoạn" nếu các hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp tuân theo giá trần. Lệnh cấm sẽ được duy trì trong 5 tháng.

Giá dầu tăng đột biến có thể phủ bóng lên lệnh trừng phạt

Julien Mathonniere, một nhà kinh tế thị trường dầu mỏ tại Energy Intelligence Group ở New York (Mỹ), nhận định: “Giới hạn giá dường như đang hoạt động, nhưng nó hoạt động vì những lý do sai lầm”.

Ông cho biết, các giao dịch mua dầu thô của Nga đang được thực hiện một cách hiệu quả với mức giá cố định 60 USD/thùng, tuy nhiên, "không phải do người mua tuân thủ mức giá trần" mà "do giá thả nổi tự do của dầu Urals Nga bị hạn chế bởi lệnh trừng phạt”.

Trong khi đó, bà Carole Nakhle, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu và đào tạo Crystol Energy có trụ sở tại London (Anh) cho biết, lệnh cấm vận và giới hạn giá dầu nhằm cắt giảm doanh thu của Nga chỉ có thể được coi là thành công nếu chúng dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế quốc gia này.

Bà dẫn một dự báo gần đây do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra, trong đó cho biết nền kinh tế Nga dự kiến sẽ tăng trưởng 0,3% vào năm 2023 bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Đây là một bước nhảy vọt so với mức giảm 2,3% được ước tính vào tháng 10/2022.

Dù vậy, Giám đốc điều hành Crystol Energy cũng cảnh báo: “Tuy nhiên, có một khía cạnh nữa đối với các biện pháp này. Hãy tránh tăng giá dầu. Nếu làm như vậy, các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu quả".

Tác động sâu sắc tới thị trường

Nhà kinh tế thị trường dầu mỏ tại Energy Intelligence Group Mathonniere tin rằng, lệnh cấm vận và trần giá đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga sẽ có tác động sâu sắc tới thị trường, nhưng có thể không phải ngay lập tức, bởi các nước phương Tây đã có thời gian để dự trữ sản phẩm.

Ông cho biết: "Dữ liệu cho thấy, hàng tồn kho sản phẩm tăng lên, không chỉ ở châu Âu mà còn ở Mỹ. Thị trường này đã vượt lên dẫn trước và tích lũy quá nhiều hàng tồn kho, nhanh đến mức giá tương lai dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp trên sàn giao dịch ICE của EU đang giảm”.

Dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp còn gọi là dầu thô ngọt, là loại dầu thô có ít hơn 0.5% lưu huỳnh. Bắt đầu từ năm 2020, dầu ít lưu huỳnh thường được sử dụng làm nhiên liệu cho các tàu vận tải biển cỡ lớn, thay thế cho các loại dầu nặng có hàm lượng lưu huỳnh cao, nhằm cắt giảm lượng khí thải SO2 xuống mức thấp nhất.

Tuy nhiên, bà Nakhle lại thận trọng khi dự đoán những tác động có thể xảy ra từ lệnh cấm: "Còn quá sớm để nói vì thông thường, tác động, nếu có, cần có thời gian để trở nên rõ ràng hơn”.

Châu Âu có thể đối mặt với khủng hoảng

Chuyên gia Nakhle nhận định, dầu diesel sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì nó dễ bị tổn thương hơn về nguồn cung. Ông nói: “Không có dầu diesel, một số nền kinh tế không thể hoạt động”.

Tàu chở dầu Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Getty Images)

Tàu chở dầu Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Getty Images)

Trong khi đó, theo nhà phân tích Mathonniere, mỗi ngày, châu Âu nhập từ Nga khoảng 500.000 thùng dầu, bao gồm dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp (ULSD). Đây được coi là ‘gót chân Achilles’ của khu vực về nguồn cung sản phẩm”.

Chuyên gia này lưu ý rằng, Nga chiếm gần một nửa trong số dầu diesel nhập khẩu của 27 nước EU vào năm ngoái hoặc khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ dầu diesel của toàn châu Âu.

Ông nói: “Châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dầu diesel”, đồng thời cảnh báo về triển vọng giá cao hơn trong thời gian dài hơn và tác động kinh tế đối với người dân, doanh nghiệp và ngành nông nghiệp châu lục.

"Nó cũng có nguy cơ đẩy giá dầu mỏ lên cao hơn. Có suy đoán rằng EU có thể miễn trừ lệnh cấm một số dầu diesel nhập khẩu từ Nga, giống như đã làm với dầu thô. Và cũng có tin đồn rằng một số thương nhân có thể cố gắng tái xuất dầu diesel của Nga từ nước ngoài đến châu Âu", ông nói thêm.

Trong khi đó, nhà phân tích Nakhle nhận định rằng, nếu Nga cắt giảm nguồn cung trước các lệnh cấm, giá dầu có thể tăng đột biến. Vấn đề này “phụ thuộc vào việc nguồn cung đó biến mất khỏi thị trường toàn cầu hay chỉ đơn giản là chuyển hướng đến những người mua khác".

Còn theo ông Mathonniere, việc thiếu nguồn cung dầu diesel ở châu Âu sẽ dẫn đến khả năng tăng giá.

Ông nói: "Chúng tôi dự báo mức tăng 10-20 USD/thùng. Chúng tôi thấy triển vọng giá dầu ở mức 90-100 USD/thùng trong 3-6 tháng tới, nhưng mức trần thấp hơn nhiều so với năm 2022".

Nhà phân tích này cũng dự đoán rằng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) có thể cố gắng giảm giá và chế ngự sự biến động, "đặc biệt khi một lượng lớn dầu của Nga bị loại bỏ khỏi thị trường trong một thời gian dài”.

(theo aa.com.tr)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/to-hop-lenh-trung-phat-tu-phuong-tay-voi-dau-nga-phan-tac-dung-hoat-dong-vi-nhung-ly-do-sai-lam-se-co-khung-hoang-215641.html