Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tại 3 doanh nghiệp hàng không

Online - Ngày 16-8, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) dẫn đầu đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Đối với các nhiệm vụ được giao trong thời gian từ 1-1-2016 đến nay, ACV hoàn thành đúng tiến độ 26/26 nhiệm vụ; Vietnam Airlines đã hoàn thành 23/26 nhiệm vụ, 3 nhiệm vụ đang triển khai theo tiến độ; VATM đã hoàn thành 26/27 nhiệm vụ, 1 nhiệm vụ tổ chức diễn tập khẩn nguy cấp quốc gia hiện đang tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra.

Báo cáo tại buổi kiểm tra, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV cho biết, năm 2017 dự kiến có 95 triệu hành khách thông qua các cảng hàng không tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng 18-20%/năm, trong khi công suất thiết kế của 21 cảng hàng không do ACV quản lý hiện chỉ ở mức 80-81 triệu hành khách/năm. "Điều này gây áp lực lớn cho kết cấu hạ tầng. Việc chậm hủy chuyến của các hãng hàng không có nguyên nhân do ách tắc hạ tầng trong thời gian dài", ông Lại Xuân Thanh cho biết. Sau khi triển khai kiểm soát nghiêm slot (lượt khai thác), nâng cao năng lực kiểm soát bay, vấn đề chậm hủy chuyến đã được cải thiện, tuy nhiên lại ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển của các hãng hàng không. Để đẩy mạnh phát triển hạ tầng hàng không, ông Lại Xuân Thanh đề nghị Nhà nước có cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa, tìm cách liên kết với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, ACV sẽ tập trung các nguồn lực để tham gia mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành.

Đối với công tác bảo đảm an toàn hàng không, theo ông Phạm Việt Dũng, Tổng giám đốc VATM, hệ thống quản lý an toàn của tổng công ty được Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đánh giá đạt 81% các nội dung yêu cầu của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) trong năm 2016. Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (CANSO) đánh giá hệ thống quản lý an toàn của tổng công ty đạt mức 3/5, tương đương các quốc gia có hệ thống an toàn phát triển trên thế giới.

Về phía hãng hàng không, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, tổng công ty đã áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao năng lực khai thác hạ tầng, trong đó có việc áp dụng công nghệ thông tin, tăng cường khai thác bằng máy bay thân rộng như A350, B787 trên đường bay Hà Nội-TP Hồ Chí Minh. Chỉ số đúng giờ của Vietnam Airlines trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 90% trong khi hạ tầng chưa kịp có thay đổi lớn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, luôn phải đặt vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh hàng không lên hàng đầu, đồng thời, phải đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không. Hiện nay, sân bay Đà Nẵng đã áp dụng các công nghệ, thiết bị bảo đảm an ninh hiện đại để phục vụ tốt nhất cho sự kiện APEC sắp được tổ chức tại thành phố. Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, duy trì tốc độ tăng trưởng ngành hàng không là để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, do vậy, phải tìm cơ chế để đầu tư hạ tầng. Nhu cầu đầu tư cho các cảng hàng không, sân bay đến năm 2021 cần khoảng 41 nghìn tỷ đồng, nếu ACV không bảo đảm được nguồn vốn có thể thực hiện giải pháp liên doanh, liên kết để đầu tư.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đến vấn đề kêu gọi, thu hút đầu tư vào ngành hàng không. Trong số các cảng hàng không hiện nay, cần tính toán cảng nào là trọng điểm, trọng tâm, nơi nào có thể thu hút xã hội hóa. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP liên hệ đến trường hợp Tập đoàn Sungroup, một doanh nghiệp tư nhân, đang đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) để thấy rằng các hạng mục của sân bay kể cả đường lăn, sân đỗ cũng có thể thu hút vốn xã hội hóa. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ hàng không, khi có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, có sự cạnh tranh quyết liệt nên đã phát triển hơn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng lưu ý ngành hàng không cần xem xét lại, với một lượng tài sản khổng lồ đang quản lý nhưng hiệu quả mang lại còn chưa được như mong đợi, tăng trưởng chưa phải là cú hích để tạo động lực tăng trưởng đất nước. Đồng chí đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các quy định hiện hành để đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả tài sản Nhà nước trong ngành hàng không.

Tin, ảnh: GIA MINH - MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/to-cong-tac-cua-thu-tuong-chinh-phu-kiem-tra-tai-3-doanh-nghiep-hang-khong-515218