Tổ chức phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo

Sáng 7/5, Bộ GD&ĐT tổ chức phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo phát biểu khai mạc phiên họp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban soạn thảo chủ trì phiên họp. Cùng dự có thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ biên tập, các chuyên gia.

Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ sở giáo dục đại học và các chuyên gia, các nhà khoa học.

Nhà giáo là yếu tố nền tảng, cốt lõi

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Sau quá trình nỗ lực chuẩn bị, Luật Nhà giáo được bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Đây là vinh dự, cũng là thách thức với Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục; là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho phát triển đội ngũ nhà giáo.

“Đảng ta xác định 3 đột phá chiến lược là hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực. Ở đây, chúng ta đang thực hiện cho cả hai vấn đề là thể chế và nhân lực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong nhân lực, ngành Giáo dục xác định nhà giáo là yếu tố nền tảng, cốt lõi. Muốn thay đổi giáo dục, yếu tố đột phá chính là đội ngũ. Do đó, xây dựng Luật Nhà giáo cần làm sao có đủ yếu tố mới, mạnh mẽ trong đề xuất, vì sự phát triển của lực lượng nhà giáo cho cả hiện tại và tương lai.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) báo cáo tiến độ triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo và vấn đề có liên quan.

Tại Phiên họp, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã báo cáo tiến độ triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo.

Trong đó nhắc tới Chính phủ đã nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo tại Nghị quyết 95-NQ/CP ngày 7/7/2023, gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Trong quá trình soạn thảo Luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp; nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.

Toàn cảnh phiên họp.

Kiến tạo môi trường pháp lý để phát triển đội ngũ nhà giáo

Chia sẻ định hướng của Bộ GD&ĐT trong đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh trước tiên đến việc tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục (trong đó có nhà giáo).

Cùng với đó, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.

Đồng thời, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của giáo dục, khoa học, công nghệ trên thế giới (nhất là trí tuệ nhân tạo) để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập. Xây dựng chính sách bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh và môi trường làm việc.

Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội hóa; đồng thời đảm bảo xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật có thể nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống.

Tại phiên họp, các đại biểu, chuyên gia trao đổi, cho ý kiến góp ý liên quan đến đề cương chi tiết dự thảo Luật Nhà giáo; các nội dung trong dự thảo Luật; lộ trình tổ chức biên soạn dự án Luật Nhà giáo và các nội dung khác có liên quan...

Từ năm 2018 đến 2021, Bộ GD&ĐT đã tiến hành triển khai các nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, tổ chức các khảo sát trong nước và quốc tế, huy động đội ngũ chuyên gia trong và ngoài ngành phục vụ đề xuất xây dựng Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đến tháng 4/2024, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành quy trình lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo và đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/to-chuc-phien-hop-toan-the-ban-soan-thao-to-bien-tap-du-an-luat-nha-giao-post682264.html