Tổ chức mừng thọ đầu năm, con cháu nhiều phúc lộc

Đầu xuân, nhà nào tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ già thì được coi là có phúc.

Nét đẹp văn hóa

Tết Nguyên đán xong nhiều địa phương, gia đình tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi, cầu mong năm mới các cụ có sức khỏe dồi dào, sống lâu cùng con cháu. Những ngày đầu xuân không khí mừng thọ trải khắp các làng quê.

Lễ mừng thọ được tổ chức cho các cụ từ 60 tuổi (gọi là thượng thọ lục tuần), 70 tuổi (thượng thọ thất tuần), 80 tuổi (thượng thọ bát tuần), 90 tuổi (thượng thọ cửu tuần). Cụ nào tròn 100 tuổi thì cả họ ăn mừng lớn - gọi là bách tuế, hay bách niên chi lão.

Lễ mừng thọ thường nhằm dịp đầu xuân, sinh nhật để con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ. Lễ to hay nhỏ đều thể hiện được niềm vui của gia đình có người sống thọ.

Quan niệm của người xưa “THỌ” là một trong ngũ phúc, gồm “Khang, ninh, phúc, lộc, thọ”. Mừng thọ đầu Xuân là truyền thống lễ hiếu, là nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt xưa nay, răn dạy con cháu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng hiếu đễ, bổn phận ăn ở có trước có sau với ông bà, cha mẹ trong nhà và ra xã hội.

Việc tổ chức mừng thọ thể hiện và nhân lên nét đẹp văn hóa “kính già, trọng lão”, các nét đẹp của tục mừng thọ truyền thống vẫn được gìn giữ, trân trọng từ các làng xã, huyện thị ngoại thành cho đến thành phố. Và mỗi độ xuân về, những nhà có người cao tuổi vui mừng tổ chức lễ mừng thọ, tôn vinh, tri ân người cao tuổi. Nhà có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc, nên ngoài con cháu, chính quyền đoàn thể cũng trân trọng tổ chức mừng thọ cho các cụ già.

Ảnh minh họa.

Quà mừng thọ

Từ trước Tết các làng đã thông báo tổ chức lễ mừng thọ tới từng cụ. Con cháu rộn ràng may sắm quần áo mừng thọ, sắm quà mừng ông bà, cha mẹ. Tại lễ mừng thọ, tộc trưởng (con trai) sẽ thay mặt toàn bộ con cháu trong gia tộc chúc mừng ông bà, cha mẹ năm mới bình an, mạnh khỏe và tặng quà mừng thọ.

Tuổi già các cụ rất thích ngọc, quà tặng là ngọc quý vừa lành, lại tránh độc khử tà tốt, lại tránh gió tốt hơn bạc, sau này “khuất núi” có thể để lại như để phúc cho con cháu. Cụ bà thích miếng ngọc có hình Phật, vòng ngọc. Các cụ ông thích đeo ngọc hình chữ Phúc, chữ Thọ.

Tranh mừng thọ không thể thiếu trong lễ mừng thọ, với ý nghĩa cầu mong cho ông bà năm mới mạnh khỏe, nhiều niềm vui, sống lâu trăm tuổi. Có nhiều loại tranh mừng thọ. Loại tranh, hoặc khánh vàng khảm chữ “THỌ”, cây đào trường sinh, bộ tam đa… dát vàng lồng kính, giá phải chăng được chọn nhiều.

Bộ tam đa Phúc Lộc Thọ có ông Phúc ở giữa (có đứa trẻ, hay nhiều trẻ bên cạnh) tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Ông Lộc (Thần Tài) tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng), thường mặc áo màu xanh lục, thường có con hươu đứng bên cạnh. Ông Thọ (ông già râu tóc bạc trắng, trán hói và dô cao, tay cầm quả đào, bên cạnh có con hạc), tượng trưng cho sự sống lâu.

Có những bức tranh thiết kế bằng chất liệu đá quý, kim loại quý, tranh 3D… giá tiền triệu tới chục triệu đồng.

Con gái, con dâu nên tự thêu những bức tranh thêu kiểu chữ thập vừa dễ làm, vừa có ý nghĩa. Lồng khung kính là thành quà tặng mừng thọ độc đáo. Có dịch vụ chuyển ảnh chụp chân dung các cụ thành tranh thêu.

Nếu các cụ không thích tranh, thì chọn mua quà có ý nghĩa và thiết thực như thực phẩm chức năng, sâm, sữa, chậu bon sai xinh xắn… Nếu nhà rộng và người già thích chơi cây cảnh thì mua chậu cảnh. Hoặc mua tặng vật chăn, áo ấm...

Ảnh minh họa.

Có nên tổ chức tiệc mừng thọ?

Lễ mừng thọ, tiệc mừng thọ là dịp để con cháu thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn, sự quan tâm, hiếu kính đối với đấng sinh thành.

Mừng thọ mang lại cho các cụ tình cảm ấm áp gia đình của thế hệ cháu con, của phố phường, làng xã để không cảm thấy cô đơn khi tuổi già, sức yếu lúc cuối đời. Người cao tuổi cảm thấy ấm lòng bởi được con cháu săn sóc - là món quà quý giá nhất, hạnh phúc nhất cho các cụ độ tuổi xế chiều.

Lòng hiếu thảo của con cháu mừng thọ người cao tuổi không phải ở giá trị vật chất, tiệc to ngày mừng thọ, mà nằm ở sự chăm lo hàng ngày. Vì vậy tùy hoàn cảnh mà tổ chức tiệc, lễ mừng thọ trọng thể tại nhà hàng, hoặc ở nhà, chứ không có quy định bắt buộc. Nhưng không nên rườm rà, khoa trương, lãng phí.

Lễ và tiệc gọn gàng để các cụ đỡ mệt, và cả gia đình, chủ và khách đều vui - đó mới là niệm hạnh phúc nhất của các cụ.

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/to-chuc-mung-tho-dau-nam-con-chau-nhieu-phuc-loc-20170201063235124.htm