Tổ chức liveshow ca nhạc ở ban công nhà mình nhưng không xin phép: Xử lý thế nào?

Tổ chức biểu diễn nghệ thuật khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng có thể bị phạt 35-40 triệu đồng.

Thông tin nam ca sĩ Tuấn Hưng tự ý tổ chức liveshow tại ban công nhà riêng của mình trên phố Hàng Khay (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mà không thông báo và có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. UBND quận Hoàn Kiếm cho biết đang xem xét xử phạt ca sĩ này.

Vấn đề pháp lý đặt ra là việc biểu diễn tại nhà riêng mà không xin phép có vi phạm pháp luật hay không và nếu có thì nam ca sĩ sẽ phải đối diện với mức phạt nào?

Muốn biểu diễn nghệ thuật phải xin phép

Việc ca sĩ Tuấn Hưng tổ chức biểu diễn nghệ thuật (BDNT) phục vụ công chúng tại ban công nhà riêng là hoạt động đáng được hoan nghênh. Điều tích cực hơn là việc BDNT này không thu tiền vé, tức là hoạt động phi lợi nhuận phục vụ cộng đồng vào dịp cả nước đón chào không khí hân hoan của những ngày nghỉ lễ Quốc khánh.

Một liveshow của ca sĩ Tuấn Hưng tại ban công ngôi nhà trên phố Hàng Khay có đông đảo người xem miễn phí. Ảnh: Facebook

Tuy nhiên, tổ chức BDNT cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, mà trước hết là phải có văn bản chấp thuận của các cơ quan nhà nước. Việc này không phải là hạn chế quyền tự do biểu diễn mà để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoạt động quản lý như quản lý về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có chuyển biến phức tạp và việc tụ tập đông người là điều nên được cân nhắc.

Trong vụ việc này, do chưa có văn bản chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên tổ chức BDNT cho dù được thực hiện tại ban công nhà riêng của mình thì vẫn là một hành vi trái pháp luật.

Là ca sĩ nổi tiếng và tham gia rất nhiều hoạt động BDNT, ca sĩ Tuấn Hưng không thể không biết việc tổ chức BDNT của mình phải xin phép cơ quan nhà nước. Và nếu thực sự không biết về vấn đề xin phép thì khi có yêu cầu dừng buổi biểu diễn, ca sĩ này phải thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước. Đáng tiếc, khi có yêu cầu dừng buổi biểu diễn, nam ca sĩ vẫn thực hiện hoạt động biểu diễn cho đến khi kết thúc. Như vậy, yếu tố lỗi cố ý của anh thể hiện rất rõ ràng.

Xử phạt vi phạm tiếng ồn phải đo được âm thanh

Ngoài hành vi tổ chức BDNT mà không có văn bản chấp thuận thì việc gây ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021.

Cạnh đó, nếu âm thanh vượt quá ngưỡng cho phép thì có thể cấu thành vi phạm các quy định về tiếng ồn và bị xử phạt theo Điều 22 Nghị định 45/2022. Mức phạt tiền cao nhất là 140-160 triệu đồng nếu vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.

Vấn đề là nếu muốn xử phạt thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chứng minh được mức độ tiếng ồn trong buổi biểu diễn của ca sĩ vượt quá bao nhiêu so với quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn. Theo các thông tin ban đầu thì dường như các cơ quan nhà nước không thực hiện nghiệp vụ đo tiếng ồn nên không có khả năng chứng minh VPHC liên quan đến tiếng ồn. Điều này làm cho việc xử phạt VPHC về tiếng ồn trở nên khó khăn.

ĐẶNG LÊ ghi

Có thể phạt đến 40 triệu đồng

Về chế tài xử lý, theo khoản 6 Điều 11 Nghị định 38/2021(sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021) thì hành vi tổ chức BDNT mà không có văn bản chấp thuận sẽ bị phạt 35-40 triệu đồng.

Trường hợp này, nam ca sĩ đã thực hiện vi phạm hành chính (VPHC) nêu trên và có thể bị phạt với mức tiền phạt tối đa là 40 triệu đồng vì có tình tiết tăng nặng “tiếp tục thực hiện hành vi VPHC mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý VPHC.

Cạnh đó, có ý kiến cho rằng hành vi của nam ca sĩ sẽ bị xử phạt theo điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định 38/2021 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021) “không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức BDNT phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem BDNT” với mức tiền phạt 10-15 triệu đồng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu áp dụng điều khoản trên thì sẽ không chính xác bởi nơi thực hiện hành vi của ca sĩ là ban công nhà riêng chứ không phải là tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng.

Ngoài ra, hành vi tổ chức BDNT mà không có văn bản chấp thuận là một VPHC mang tính kéo dài (có thể diễn ra vài tiếng đồng hồ). Hành vi vi phạm này chấm dứt khi buổi BDNT kết thúc, trường hợp này là kết thúc vào một khoảng thời gian cụ thể (có thể là kết thúc một ngày biểu diễn).

Do đó, nếu ca sĩ Tuấn Hưng thực hiện việc tổ chức BDNT mà không có văn bản chấp thuận vào nhiều buổi, nhiều ngày khác nhau thì có thể bị xem là thực hiện nhiều VPHC và mỗi lần vi phạm đều có thể bị xử phạt 35-40 triệu đồng theo khoản 6 Điều 11 Nghị định 38/2021 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021).

Tổ chức hát ở ban công nhà mình cũng phải theo pháp luật

Sự kiện ca sĩ Tuấn Hưng bị xem xét xử phạt hành chính do tổ chức liveshow ca nhạc ở ban công nhà mình đang gây dư luận trái chiều. Nhiều người cho rằng trong khuôn viên nhà mình, mình muốn tổ chức hát hò thế nào cũng được. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định pháp luật, điều này chưa hẳn đúng.

Hát trên ban công nhà mình không phải là điều hiếm gặp. Nó từng là hình thức đẹp khi thế giới bước vào đợt dịch COVID-19 căng thẳng hồi năm 2021. Lúc đó, tại Ý, người dân đã kêu gọi nhau đem nhạc cụ hay… xoong nồi ra ban công để ca hát, động viên nhau vượt qua đại dịch.

Ở nước ta cũng có nhiều người hát trên ban công nhưng hình thức này thực sự gây được chú ý là từ chính ca sĩ Tuấn Hưng. Vào năm 2019, nam ca sĩ này cũng từng biến ban công nhà mình thành một sân khấu nhỏ. Đã có hàng ngàn khán giả đứng xem và cổ vũ nhiệt tình cho nam ca sĩ.

Sở dĩ có không khí cuồng nhiệt của khán giả này một phần do Tuấn Hưng là ca sĩ nổi tiếng, phần khác là do lợi thế của không gian khi ban công nhà anh hướng ra phố đi bộ Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi được nhiều người đến vui chơi vào mỗi buổi tối, nhất là tối cuối tuần.

Lần “ngẫu hứng phố” đó với nhiều người là một dấu ấn đẹp tại phố đi bộ Hồ Gươm, nơi người hâm mộ được lắng nghe thần tượng cất cao tiếng hát, nơi mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên.

Nhưng sự tự nhiên và ngẫu hứng dường như đã vượt quá khuôn khổ pháp luật ở sự kiện tối 4-9. Trả lời báo chí, một lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết trước đó Tuấn Hưng được yêu cầu dừng buổi diễn nhưng anh này vẫn tiếp tục tổ chức đêm nhạc tại nhà riêng để phục vụ miễn phí người hâm mộ. Sau sự kiện, nam ca sĩ này đã ký biên bản, chấp nhận bị phạt.

Có thể thấy việc Tuấn Hưng hát tại ban công nhà mình không còn đơn thuần là vài ba người hát cho nhau nghe nữa, mà nó mang tính biểu diễn nghệ thuật, nhất là sự kiện này đã lôi cuốn, tập trung đông người, gây tiếng ồn lớn, tại vùng phụ cận không gian phố đi bộ… Do đó, hoạt động này cần phải được chịu sự chi phối, ràng buộc của pháp luật, mà cụ thể là sự quản lý của Sở VH&TT TP Hà Nội. Bởi lẽ đơn vị này cần phải nắm được danh sách bài hát, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy…

Nhiều quan điểm cho rằng ca sĩ hát ở ban công nhà mình là quyền tự do của họ. Tuy nhiên, tự do của cá nhân phải được hiểu là trong khuôn khổ pháp luật, tự do của người này không được ảnh hưởng đến người khác, đến cộng đồng.

Bởi lẽ đây là phố đi bộ, không phải ai cũng có nhu cầu thụ hưởng tiếng hát của Tuấn Hưng, tương tự như việc không phải ai cũng muốn nghe karaoke miễn phí từ hàng xóm. Ngoài ra, dù ca sĩ Tuấn Hưng không chủ trương nhưng hoạt động ca hát tại nhà của anh đã khiến một số lượng lớn khán thính giả tập trung, ít nhiều gây cản trở quyền của người khác khi họ chỉ muốn thong dong dạo phố chứ không hẳn muốn ngước cổ xem, nghe anh hát hò.

Hát ở ban công nhà mình nhưng âm thanh của tiếng nhạc, tiếng hát lại chẳng quẩn quanh ở ban công. Giữa sự cuồng nhiệt của người hâm mộ, chỉ cần một cá nhân quá khích khuấy đảo không gian ấy lên, chẳng ai dám chắc mọi thứ sẽ diễn ra trong an toàn, trật tự. Một sự kiện tập trung đông người thì nguy cơ về mất an ninh trật tự, cháy nổ… sẽ luôn hiện hữu. Biết đâu được, chẳng ai mong muốn nhưng lỡ có điều xui rủi xảy ra, người ta lại hỏi những câu đã cũ: “Chính quyền ở đâu?”.

Vì thế, việc UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xem xét xử phạt hành chính ca sĩ Tuấn Hưng là điều hoàn toàn có cơ sở.THỊNH HỒ

TS CAO VŨ MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/to-chuc-liveshow-ca-nhac-o-ban-cong-nha-minh-nhung-khong-xin-phep-xu-ly-the-nao-post697315.html