TKV phấn đấu giảm tồn kho những tháng cuối năm 2017: Không hề dễ dàng!

Mặc dù kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong những tháng qua có nhiều chuyển biến, đạt các chỉ số đề ra. Nhưng từ nay đến cuối năm 2017, mục tiêu để giảm tồn kho về mức hợp lý (còn từ 6-7 triệu tấn) sẽ là một thách thức rất lớn với TKV, trong khi thợ lò đang thiếu.

Một lớp đào tạo thợ lò ở Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam. Ảnh: T.N.D

Còn nhiều thách thức

Một trong những khó khăn là giảm tồn kho, cạnh tranh trực tiếp với nguồn than nhập khẩu dồi dào, giá thành thấp hơn than sản xuất trong nước và sự thiếu hụt nhân lực đào tạo thợ lò đang ảnh hưởng đến phát triển ngành than trong những năm kế tiếp.

Theo báo cáo, 8 tháng năm 2017 của TKV, doanh thu của cả tập đoàn ước tính thực hiện được 69.845 tỉ đồng, đạt 65,4% kế hoạch năm và bằng 109% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu than vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất là hơn 35.328 tỉ đồng; sản xuất, tiêu thụ khoáng sản 8.134 tỉ đồng; sản xuất, bán điện 7.739 tỉ đồng; sản xuất cơ khí 1.364 tỉ đồng; sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp 2.850 tỉ đồng; sản xuất kinh doanh khác là 14.428 tỉ đồng.

Mặc dù trong hai tháng qua, thời tiết bất lợi do mưa nhiều, nhưng TKV vẫn đạt sản lượng than nguyên khai sản xuất là 24,58 triệu tấn, đạt 68,3% kế hoạch năm, nhỉnh hơn 1% so cùng kỳ. Than tiêu thụ đạt 22,24 triệu tấn, trong đó có hơn 866.000 tấn xuất khẩu, còn lại phần lớn là cung cấp trong nước.

Đại diện TKV cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành than tiếp tục điều hành sản xuất theo khả năng tiêu thụ hằng tháng, phấn đấu giảm tồn kho tối thiểu 500.000 tấn than các loại để cuối năm đưa tồn kho về mức hợp lý. Đồng thời, nghiên cứu, áp dụng phương án sản xuất hợp lý nhưng vẫn phải bảo đảm chỉ tiêu lợi nhuận theo mục tiêu đã đề ra. Tuy vậy, đây là những tính toán không hề đơn giản, bởi ngành than đang chịu sức ép lớn từ các nguồn than nhập khẩu có giá thành cạnh tranh so với than TKV sản xuất. Chưa có số liệu chính thức về con số, sản lượng than nhập khẩu, nhưng theo đại diện một đơn vị kinh doanh than thì hiện nay, rất nhiều nhà máy điện - ximăng đang sử dụng một số lượng không nhỏ nguồn than nhập khẩu cho sản xuất.

Thiếu thợ lò

TKV đang đối mặt với tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, ảnh hưởng đến phát triển ngành than trong những năm kế tiếp. Theo đánh giá của Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam, tình trạng thợ lò và học sinh nghề thợ lò bỏ học giữa chừng đang có xu hướng gia tăng. Một thống kê đáng quan ngại của TKV: Năm 2014, tỉ lệ thợ lò bỏ việc tính trên số tuyển mới chiếm tới 80%. Năm 2016, tỉ lệ này giảm xuống còn 60%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2017, tình trạng thợ lò bỏ việc tính trên số tuyển mới có xu hướng tăng đột biến, xấp xỉ gần 100%...

Hiện tại, để bù đắp nhân lực, TKV đang tập trung vào 2 phương án chính là tái tuyển và đào tạo mới.

Theo lãnh đạo Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam, từ năm 2014 đến nay, các trường đào tạo nghề của TKV đã thiết lập được hệ thống tuyển sinh ở nhiều địa phương, doanh nghiệp, tuy nhiên kế hoạch tuyển sinh hằng năm đạt tỉ lệ khá thấp so với nhu cầu thực tế. Năm 2016, các trường chỉ tuyển được hơn 3.960 học sinh (bằng 35% kế hoạch TKV giao) và 6 tháng đầu năm 2017, các trường mới chỉ tuyển được hơn 860 học sinh (bằng 21% kế hoạch, chỉ tiêu TKV giao).

Một đại diện trường đào tạo nghề TKV lo lắng: Tỉ lệ thợ lò bỏ việc trong quá trình học hay làm việc tại các đơn vị sản xuất luôn cao hằng năm. Nhiều người vào học nghề hay đang làm việc do nghe và xem các thông tin về các vụ tai nạn lao động xảy ra ở các mỏ đã lo sợ đến sự an toàn bản thân, nên bỏ nghề. “Thợ lò bỏ việc cũng xuất phát từ nguyên nhân làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả, vùng sâu, vùng xa và mức lương chưa tương xứng với điều kiện cuộc sống” - một Giám đốc mỏ phân tích.

TKV đang từng bước hiện đại hóa, đưa công nghệ tiên tiến vào khai thác, giảm bớt sự nặng nhọc, an toàn cho người thợ. Nhưng sự thiếu hụt một lượng lớn thợ lò trong những năm gần đây đang đặt ngành than cần sớm giải quyết bài toán nâng cao năng suất lao động, đưa giá thành khai thác than về mức cạnh tranh, tăng thu nhập ổn định cho người thợ thì mới mong giữ chân được họ.

TRẦN NGỌC DUY

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/tkv-phan-dau-giam-ton-kho-nhung-thang-cuoi-nam-2017-khong-he-de-dang-564857.ldo