Tình yêu dưới ngòi bút của các nhà văn châu Á

Tình yêu trong văn chương mang nhiều màu sắc khác nhau. Mỗi câu chuyện tình đem đến những rung cảm khác biệt. Đó có thể là nồng nhiệt và tha thiết, hay u buồn và bi thương.

Tình yêu là đề tài muôn thuở trong văn chương. Hãy cùng điểm qua một số tiểu thuyết đặc sắc viết về tình yêu của văn chương phương Đông.

Nghiệt duyên

Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của nữ nhà văn người Thái Lan Thommayanti. Cuốn tiểu thuyết này đã nằm trong danh sách Sách bán chạy ở xứ chùa vàng suốt 45 năm, với hàng triệu bản được bán ra. Tác phẩm này cũng nhận được sự ưu ái của nhiều đạo diễn với 10 lần được chuyển thể thành phim.

Tiểu thuyết Nghiệt duyên của Thommayanti. Ảnh: Nhã Nam.

Lấy bối cảnh đất nước Thái Lan trong Thế chiến thứ II, Nghiệt duyên là câu chuyện tình bi thảm của Angsumalin và Kobori. Kobori, một sĩ quan người Nhật, sang tham chiến tại Thái Lan. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy Angsumalin tắm dưới sông, anh đã bị vẻ ngoài xinh đẹp của nàng hớp hồn. Thật không may cho Kobori, Angsumalin vô cùng căm ghét lính Nhật.

Trong lòng cô chỉ có người bạn thanh mai trúc mã là Vanus. Mối tình đơn phương của Kobori vô tình đặt cả hai người vào một mưu đồ chính trị. Đám cưới được sắp xếp mà không có sự đồng ý của cô dâu.

Mọi chuyện không dừng lại ở đó, trong một lần uống say, Kobori đã cướp mất sự trong trắng của Angsumalin. Cảm thấy có lỗi, chàng lính Nhật si tình đã xin chuyển tới chiến trường Campuchia, để người con gái anh yêu được tự do đi tìm hạnh phúc.

Trớ trêu thay, đúng lúc này, Angsumalin nhận ra tình cảm mình dành cho Kobori. Bất chấp sự nguy hiểm của bom đạn, cô chạy đi tìm anh.

Khi hai người dành cho nhau lời yêu, cũng là giây phút chia lìa. Câu chuyện tình buồn của Thommayanti đã lấy đi nước mắt của bao thế hệ độc giả trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Thư tình là tác phẩm nổi tiếng của Iwai Shunji. Ảnh: Nhã Nam.

Thư tình

Iwai Shunji là đạo diễn điện ảnh kiêm nhà văn có tên tuổi tại Nhật Bản. Ông đã chuyển thể nhiều tiểu thuyết của mình thành phim, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Thư tình. Giữa một không gian mênh mông tuyết trắng ở xứ sở hoa anh đào, chuyện tình giản đơn, nhưng đầy day dứt của các nhân vật đã để lại ấn tượng không nhỏ trong lòng bạn đọc.

Hai năm sau khi Fujii Itsuki qua đời, vợ chưa cưới của anh là Hiroko đã bí mật viết một bức thư gửi đến địa chỉ nhà cũ của chồng, như một cách để giải tỏa nỗi nhớ nhung.

Kỳ lạ thay, cô lại nhận được hồi âm. Vì tò mò, cô gửi thêm nhiều lá thư khác và chúng đều được đáp từ. Hóa ra, cô bạn học trùng họ tên với người chồng yểu mệnh của Hiroko là người đã trả lời những bức thư ấy. Từ đó, hai phụ nữ trở thành bạn qua thư của nhau.

Những câu chuyện về người đàn ông trên thiên đường dần được gợi lại trong tâm trí hai người phụ nữ. Những bí mật tưởng đã bị chôn vùi theo người quá cố giờ đây lại được hé lộ. Dẫu quá khứ có bị đào xới lại, người ta vẫn phải tìm cách quên nó đi để sống với hiện tại.

Ngoài Hắt xì, Cửu Bả Đao có một tác phẩm khác được bạn đọc Việt Nam yêu thích đó là Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi. Ảnh: Nhã Nam.

Hắt xì

Cuốn tiểu thuyết tình cảm có cái tên lạ lùng này được viết bởi nhà văn người Trung Quốc Cửu Bả Đao. Nhân vật chính của Hắt Xì là anh chàng ngốc nghếch Vương Nghĩa Trí.

Từ khi còn là một đứa bé sơ sinh, Nghĩa Trí đã bị đem bỏ trước cổng cô nhi viện. Bất đắc dĩ, nơi buồn tẻ và đầy rẫy kỷ luật ấy trở thành nhà của anh chàng, nhưng Nghĩa Trí đã lớn lên vui vẻ mà không hề cảm thấy cô đơn.

Ở đây, Nghĩa Trí gặp anh bạn tốt bụng Kiến Hán và chị Tâm Tâm xinh đẹp. Tâm Tâm hết lòng bảo vệ hai chàng thiếu niên nghịch ngợm như cách người chị cả bảo vệ em trai. Thế nhưng, Nghĩa Trí lại đem lòng yêu Tâm Tâm. Khi cô lên thành phố học đại học, anh chàng cũng quyết tâm đến nơi phồn hoa ấy để theo đuổi người con gái mình yêu.

Vì yêu, Nghĩa Trí dốc sức hoàn thiện bản thân mình, cố gắng mà không biết mệt mỏi. Với ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng chân thành và đầy tình cảm, một lần nữa Cửa Bả Đao mang đến cho độc giả yêu mến anh một “mối tình đầu” khiến người ta day dứt.

Đọc Hắt xì, độc giả nhận ra rằng: Yêu và được yêu là hai chuyện đôi khi chẳng liên quan gì đến nhau. Đừng tưởng yêu đơn phương là ngốc nghếch, kẻ dám kiên trì theo đuổi tình yêu xứng đáng được ngưỡng mộ.

Tiểu thuyết Khi yêu cần nhiều dũng cảm của Chetan Bhagat. Ảnh: Quỳnh Anh.

Khi yêu cần nhiều dũng cảm

Chetan Bhagat là nhà văn đương đại được yêu thích ở Ấn Độ. Các tác phẩm của anh chủ yếu đề cập đến cuộc sống đầy rẫy áp lực của những thanh niên xuất thân từ tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ. Khi yêu cần nhiều dũng cảm là cuốn tiểu thuyết mang nhiều yếu tố tự truyện.

Chàng trai người Bắc Ấn Krish phải lòng cô hoa khôi người Nam Ấn Ananya ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đôi bạn trẻ đã có những ngày tháng thật đẹp tại IIMA (Học viện Quản lý Ấn Độ). Nhưng khi đôi tình nhân nghĩ tới chuyện làm đám cưới cũng là lúc rắc rối xuất hiện.Tình yêu của họ bị cha mẹ hai bên ngăn cấm.

Trong khi cả hai nghĩ đủ trăm phương nghìn kế để thuyết phục phụ huynh, các bậc cha mẹ cũng tìm đủ mọi cách để chia cắt tình yêu của họ. Krish được mai mối với một cô gái người Punjab giàu có. Còn Ananya cũng đau đầu với “chàng rể tuyệt vời” mà mẹ cô lựa chọn, chàng trai người Tamil tài giỏi làm việc ở Thung lũng Silicon.

Có những lúc Krish và Ananya đã quá mệt mỏi để tiếp tục và quyết định buông xuôi. Nhưng tình yêu đã cho họ sức mạnh. Đôi tình nhân chợt nhận ra rằng họ không chỉ hành động vì hạnh phúc của bản thân.

Câu chuyện tình yêu của Chetan Bhagat mang sắc thái vui tươi, dí dỏm. Không chỉ nói về tình yêu, tiểu thuyết còn chứa đựng những khát vọng khẳng định bản thân của người trẻ.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-yeu-duoi-ngoi-but-cua-cac-nha-van-chau-a-post1183901.html