Tỉnh Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tốt an sinh xã hội

Những năm qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an sinh xã hội. Bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực, hệ thống chính sách an sinh xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; an sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Châu, 61 tuổi, là thương binh hạng 3/4 hiện trú tại thôn Phổ, xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, được ông chia sẻ niềm vui khi căn nhà gia đình ông đang ở vừa được tỉnh hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp. Ông Châu cho biết:

- Nhà tôi làm từ năm 1995 nên đã xuống cấp, mái hư hỏng, tường tróc lở… Vừa rồi tôi làm đơn đề nghị và được tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng, cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình để sửa chữa. Các anh thấy đấy, bây giờ gia đình tôi đã có nhà khang trang, phấn khởi lắm!

Bà Nguyễn Thị Tề, vợ ông Châu dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi nhà cấp bốn được lát gạch men sạch sẽ, có trần chống nóng và đầy đủ vật dụng cần thiết rồi vui vẻ góp chuyện: “Ông nhà tôi là thương binh, hiện có lương hưu, trợ cấp hằng tháng và thường xuyên được chính quyền, đoàn thể quan tâm thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, Tết, 27-7… Tôi cũng được cán bộ xã hướng dẫn mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện… Nhìn chung cuộc sống như thế là toại nguyện rồi”.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Châu (bên trái) chia sẻ niềm vui bên ngôi nhà mới được hỗ trợ sửa chữa với cán bộ huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chăm lo cho đối tượng người có công là một trong những nội dung bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, các ngành của tỉnh Vĩnh Phúc rất quan tâm. Theo đồng chí Ngô Thị Phương, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh phúc, hiện cả tỉnh có hơn 138.000 đối tượng người có công. Những năm qua, bên cạnh việc bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người có công theo quy định, các cấp, các ngành còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, tổ chức cho người có công đi điều dưỡng, tổ chức cho đại biểu người có công về dự gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thăm lại chiến trường xưa, tạo điều kiện cho gia đình người có công vay vốn sản xuất... Đến nay, 100% gia đình người có công đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư cùng địa bàn. Đặc biệt, thực hiện việc hỗ trợ người có công xây mới, sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không chờ ngân sách Trung ương, tỉnh đã chủ động ứng kinh phí hỗ trợ, sửa chữa nhà ở cho gần 3.100 hộ đối tượng chính sách trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành trước ngày 20-7-2017…

Sau 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã có sự phát triển vượt bậc: Tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 15,37%/năm; quy mô nền kinh tế tăng gần 40 lần, thu ngân sách gấp 285 lần so với khi tái lập, năm 2016 đạt hơn 32.000 tỷ đồng… Kinh tế phát triển đã tạo cơ sở quan trọng để tỉnh quan tâm chăm lo, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội. Đồng chí Lê Duy Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Mục đích phát triển kinh tế-xã hội suy cho cùng là để nâng cao đời sống nhân dân. Một địa phương phát triển không chỉ đánh giá bằng các chỉ số phát triển kinh tế mà còn được đo bằng những chỉ số phúc lợi xã hội. Bởi vậy, cùng với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc luôn đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội và những yếu tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững”.

Từ quan điểm đúng đắn và nhân văn này, các chính sách và giải pháp bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước hoàn thiện, được triển khai trên cả 3 mặt: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng (nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề...); hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm; ưu tiên phát triển hạ tầng thiết yếu cho các địa phương, đặc biệt là những vùng còn khó khăn. Kết quả thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội được đánh giá rất tích cực, thể hiện qua những con số “biết nói”: Giai đoạn 1997-2017, tổng kinh phí thực hiện chính sách người có công (thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công, vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”) là 553,78 tỷ đồng (riêng giai đoạn 2016-2017 là 119,63 tỷ đồng); tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất là gần 2.289 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2017 là 81,5 tỷ đồng); kinh phí hỗ trợ người nghèo, cận nghèo mua bảo hiểm y tế và hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí là gần 614 tỷ đồng; hỗ trợ người nghèo về nhà ở hơn 142 tỷ đồng… Qua đó giúp các đối tượng cải thiện đáng kể điều kiện sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng còn những tồn tại: Nguồn lực bảo đảm còn hạn chế; phân hóa giàu nghèo có xu hướng mở rộng; các chính sách an sinh xã hội chủ yếu tập trung ở đối tượng chính sách, hộ nghèo, cần có sự quan tâm rộng khắp để mọi người dân trong tỉnh đều được hưởng thành quả từ sự phát triển…

Bài và ảnh: VIỆT PHÚ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tinh-vinh-phuc-phat-trien-kinh-te-gan-voi-bao-dam-tot-an-sinh-xa-hoi-507547