Tinh vi lừa đảo bằng chiêu thức bán vé máy bay giá rẻ

Đánh vào tâm lý ham mua vé máy bay giá rẻ của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã làm giả vé máy bay cả hạng thường và thương gia rồi bán với giá rẻ bất ngờ...

Những chiêu lừa đảo tinh vi
Ngày 12/2/2014 công an quận Bình Thủy, Cần Thơ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lý Thông Thái (SN 1992, ĐKTT tại phường Thạnh Lợi, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) về hành vi lừa đảo. Ngoài đối tượng này, cơ quan điều tra cũng tiến hành điều tra hai người thân khác của đối tượng là Lý Thị Thùy Nhung và Lý Thái Thông (cùng ở tại địa chỉ trên).
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Thái khai nhận, từ năm 2011, Thái chỉ làm giúp cho chị mình là Nhung bán vé máy bay cho một doanh nghiệp đặt tại TPHCM. Ngày 21/12/2013, Thái được Nhung chuyển tên, làm chủ đại lý đặt tại số 6 Lê Hồng Phong (quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Nhận yêu cầu của khách hàng, Thái đặt vé, in ra vé rồi thu tiền. Tuy nhiên, số vé bán ra đều là vé giả.
Công an quận Bình Thủy đã tiếp nhận đơn của 60 người, số tiền khai bị chiếm đoạt lên tới 210 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định tại địa chỉ 256 Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy là do Nhung ký hợp đồng thuê. Ngày 11/2, cơ quan điều tra cũng đã làm việc với Phòng tài chính kế hoạch quận Bình Thủy nhưng nơi đây cho biết chưa tìm thấy giấy phép kinh doanh. Tại địa chỉ này, Nhung cùng anh trai là Thái Thông bán vé và thu tiền của khách. Hiện cả hai đối tượng này không có mặt tại địa phương. Ngoài việc mạo danh đại lý của Vietnam Airlines, các đối tượng trên còn mạo danh một hãng máy bay khác để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Trong số nạn nhân đến cơ quan điều tra trình báo, có khá nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị Quân khu 9 quê ở miền Bắc.
Trước đó, ngày 13/1/2014, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng thông tin, truyền thông (Đội 3), PC50 Công an Hà Nội cho biết, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Hoa Huyền (SN 1986) ở tập thể Bộ Giao thông vận tải, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về hành vi lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ, chiếm đoạt tiền số lượng lớn.

Ảnh minh họa

Quá trình điều tra làm rõ tháng 3/2013, biết cán bộ nhân viên Công ty 2 thuộc Tổng công ty Vinaconex có nhu cầu mua vé máy bay tập thể đi nghỉ mát tại Nha Trang, Lê Hoa Huyền lấy tên giả là Lê Ngọc Anh đến lừa đảo tiếp thị bán vé máy bay. Huyền tự giới thiệu là nhân viên một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành V.Đ có trụ sở ở phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, chào bán vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Nha Trang của Tổng công ty hàng không Việt Nam với giá 3,5 triệu đồng/vé người lớn; 2,6 triệu đồng/vé trẻ em và 200.000 đồng/vé em bé. Huyền cho biết do công ty chuyên kinh doanh du lịch nên mới có thể đặt mua vé giá rẻ từ 1,5-2 triệu đồng/vé khứ hồi so với giá bán ra từ đại lý của Tổng công ty hàng không Việt Nam. Kiểm tra giá vé bán của các đại lý trên mạng, thấy giá vé mà Huyền đưa ra rẻ hơn rất nhiều nên chị Nguyễn Thanh H, nhân viên Công ty 2 đã đặt mua 34 vé gồm cả người lớn và trẻ em cho đoàn đi nghỉ mát Nha Trang của công ty vào ngày 7-6-2013 với tổng giá trị 109,4 triệu đồng, trong đó ứng trước cho Huyền 79,4 triệu đồng. Huyền hứa đến ngày 28/4/2013 sẽ chuyển vé cho chị H. Khi nhận tiền, Huyền dùng phiếu thu tiền giả con dấu của công ty du lịch V.Đ nên chị H không nghi ngờ gì. Tuy nhiên đến hẹn, Huyền không đưa vé và lấy lý do khất lần...
Tại cơ quan công an, Huyền đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Thực tế cô ta chẳng có nghề nghiệp gì, cũng không làm việc tại công ty du lịch nào. Phiếu xuất vé máy bay do Huyền tự thảo ra. Con dấu đã thu tiền Huyền khai mua tại phố Tô Tịch, quận Hoàn Kiếm, sau đó đã vứt đi để phi tang.

Cần cảnh giác

Trao đổi với báo chí ngay sau khi triệt phá thành công vụ lừa đảo của Lê Hoa Huyền, Trung tá Hà Thị Hằng, Đội trưởng Đội 3 PC50 Công an Hà Nội khuyến cáo, những đơn vị, cá nhân có nhu cầu mua vé máy bay cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn bán vé giá rẻ của các đối tượng lừa đảo, đặc biệt trong thời gian “cao điểm” về nhu cầu đi lại dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2014.
Mới đây, Vietnam Airlines (VNA) cũng đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chào bán vé máy bay Tết với giá rẻ trên mạng Internet qua các trang mạng xã hội hoặc các website có thông tin quảng cáo hấp dẫn như “giá rẻ nhất”, “lúc nào cũng có chỗ”…
Thủ đoạn của đối tượng là mua vé VNA hạng thương gia hoặc hạng phổ thông đúng ngày giờ và tên của khách, thực hiện thanh toán như thường và gửi vé để khách kiểm tra với tổng đài. Khách hàng kiểm tra thông tin trùng khớp và yên tâm vì đã có tấm vé Tết rẻ hơn bình thường. Do đó, nhiều người cảm thấy đã đủ yên tâm và thực hiện việc chuyển tiền cho bên bán. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tiền, các đối tượng lừa đảo lập tức yêu cầu làm thủ tục trả vé để được hoàn tiền. Kết quả là không ít hành khách ra đến sân bay mới biết vé đã bị hủy.
Hiện tượng lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ xảy ra cả với 2 hãng hàng không VietJet Air (VJA) và Jetstar Pacific. Trước đây, ngành hàng không quy định không được sang nhượng, đổi tên trên vé, trừ trường hợp bất khả kháng. Quy định này được cho là quá ngặt nghèo, đặc biệt là với hãng hàng không giá rẻ vì chính sách của họ là không hoàn, hủy vé. Do đó, VietJet Air và Jetstar Pacific đã áp dụng chính sách cho phép hành khách đổi tên. Điều kiện vừa nới ra, lập tức trên thị trường đã được bổ sung chiêu lừa đảo tương ứng. Đại diện VJA cho biết giá vé Tết Giáp Ngọ 2014 của hãng đang có mức phổ biến là 2,975-3,173 triệu đồng/vé/lượt chặng TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội nhưng trên mạng, có những đối tượng đang chào bán chỉ 1,2-1,5 triệu đồng/vé/lượt. Với 1 chiếc vé này, đối tượng có thể bán cho cả chục người. Đó là vé thật, chỉ cần đổi tên là có thể bán được cho người khác với mức phí mỗi lần đổi tên là 275.000 đồng cho chặng bay nội địa, điều kiện là thực hiện trước 3 giờ so với giờ khởi hành.
Để phòng ngừa hiện tượng lừa đảo bán vé máy bay, cơ quan công an cho rằng khách hàng nên tự đặt vé thì mới có quyền sở hữu thực sự tấm vé đó. Hiện nay vé của các chuyến bay không phải là khan hiếm như mọi người lầm tưởng. Tránh trường hợp một số khách hàng sau khi mua vé qua mạng đã bị người giả danh đại lý lừa biến mất... không dấu vết. Nên mua vé ở các đại lý chính thức của hãng. Danh sách đại lý chính thức đều có trên website của mỗi hãng. Nếu mua vé ở các điểm bán không phải đại lý chính thức thì nên xem thông tin kỹ trên vé như kiểm tra code vé bằng cách gọi trực tiếp lên hãng hàng không. Khi mua vé cần lấy phiếu thu, hóa đơn để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Trong trường hợp thanh toán bằng thẻ tín dụng, khách hàng cần thực hiện xác thực thẻ (tại sân bay hoặc phòng vé nơi gần nhất) để đảm bảo quyền lợi của chủ thẻ.
Đối với khách hàng mua vé điện tử qua thẻ tín dụng, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự chủ quan của khách hàng để ăn cắp thông tin thẻ. Do đó, khách hàng cần bảo mật về các thông tin cá nhân và thẻ tín dụng của mình. Để tránh rủi ro, khách hàng chỉ nên thực hiện mua vé qua mạng ở các đại lý chính hãng có uy tín và trước khi xuất tiền, hãy kiểm tra lại một lần nữa về tư cách pháp nhân cũng như độ tin cậy của các đại lý bán vé máy bay. Ngoài ra, khách hàng cũng cần cảnh giác với các lời chào mời mua vé lẻ trên mạng. Nếu bạn nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé mà nên liên hệ trực tiếp với hãng để kiểm tra lại vì có thể đó là một trò lừa đảo.

Nhật Lâm

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/phap-luat/tin-tuc/22_2172175/tinh_vi_lua_dao_bang_chieu_thuc_ban_ve_may_bay_gia_re.html